Vẫn còn quá sớm để đánh giá về khả năng của huấn luyện viên Philippe Troussier

Hành trình bảo vệ tấm Huy chương Vàng SEA Games của U22 Việt Nam đã kết thúc ở vòng bán kết với thất bại trước U22 Indonesia. Bàn thua ở phút bù giờ trong thế hơn người quả thật là một kết quả đầy cay đắng với thầy trò huấn luyện viên Troussier. Mặc dù vậy, những lời chỉ trích dành cho ông thầy người Pháp vào lúc này có phần không công bằng.

U22 Việt Nam chịu thất bại cay đắng nhưng hợp lý trước U22 Indonesia. Ảnh: Goal

U22 Việt Nam chịu thất bại cay đắng nhưng hợp lý trước U22 Indonesia. Ảnh: Goal

Một tư duy bóng đá khác

Bất cứ một nhà cầm quân nào cũng có những triết lý của riêng mình. Troussier, người được mệnh danh là “Phù thủy trắng” với kinh nghiệm dày dạn, chắc chắn không phải ngoại lệ. Ngay khi tiếp quản ghế nóng từ người tiền nhiệm Park Hang-seo, ông Troussier đã không giấu giếm mong muốn xây dựng một lối chơi chủ động và tích cực hơn cho đội U22 lẫn tuyển quốc gia.

Trước đó, thầy Park là người rất coi trọng việc phòng ngự và giữ sạch lưới. Trong nhiệm kỳ của mình, nhà cầm quân người Hàn Quốc đề cao sự an toàn, luôn sử dụng đội hình lùi sâu để hạn chế tối đa nguy cơ thủng lưới và tìm kiếm bàn thắng từ những đợt phản công chuyển đổi trạng thái. Tinh thần ấy tạo ra các tập thể chắc chắn, kiên cường và khó bị đánh bại dưới sự dẫn dắt của thầy Park. Thống kê chỉ ra rằng trong 63 trận mà huấn luyện viên Park Hang-seo cầm quân ở các cấp độ đội tuyển, có đến 42 trận đội bóng của ông giữ sạch lưới, chiếm 2/3 tổng số. Đây là một tỷ lệ rất cao, chứng minh cho triết lý xuyên suốt mà thầy Park áp dụng khi làm việc tại Việt Nam và giúp ông gặt hái được những thành công mang tính lịch sử.

Tất nhiên không có điều gì là hoàn hảo. Chiến thuật coi trọng phòng ngự và chờ đợi bàn thắng từ những đợt phản công có hiệu quả trước các đội bóng mạnh, song lại phơi bày nhược điểm trước các đội bóng chủ động lùi sâu đội hình. Đến cuối nhiệm kỳ của thầy Park, các đội bóng của ông tỏ ra khá bế tắc trong việc tìm kiếm bàn thắng bởi thiếu đi những ý tưởng cụ thể, bài bản về cách thức tiếp cận khung thành đối phương.

Ông Troussier mang đến một tâm thế mới cho các học trò. Ông yêu cầu họ chủ động cầm bóng, phối hợp ban bật ngay từ phần sân nhà và triển khai tấn công với mảng miếng rõ ràng. Trong triết lý của Troussier, khả năng di chuyển thống nhất của cả khối đội hình rất quan trọng bởi nó đảm bảo cho việc luân chuyển trái bóng một cách mượt mà nhất. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi các cầu thủ phải có thời gian dài luyện tập và thi đấu bên cạnh nhau để có được sự ăn ý cũng như tính kết nối tự nhiên.

Đó chính là điều mà U22 Việt Nam thiếu ở SEA Games 32. Đội bóng đã ít nhiều thể hiện được những đường nét trong lối chơi mà Troussier mong muốn, đặc biệt là ở trận đấu với U22 Thái Lan. Mặc dù vậy, sự chệch choạc cũng đã lộ rõ ở nhiều thời điểm, nhất là khâu phòng ngự. Những tình huống sơ hở đến từ khâu tổ chức không tốt, khả năng phối hợp chưa ăn ý giữa các tuyến đã nhiều lần đẩy U22 Việt Nam vào thế khó. Cuối cùng, ở đúng trận đấu bán kết căng thẳng với U22 Indonesia, những sai lầm đã xảy ra vào những thời khắc quan trọng nhất và không cho các chàng trai trẻ của Troussier cơ hội sửa sai.

Tương lai còn ở phía trước

Bóng đá vốn nghiệt ngã nhưng công bằng. U22 Việt Nam đã có một trận thua tâm phục khẩu phục trước U22 Indonesia và đó là bài học quý giá đối với các cầu thủ trẻ. Nhiều người đã bật khóc sau thất bại, những giọt nước mắt cần thiết cho sự trưởng thành. Sẽ thật tàn nhẫn nếu chỉ trích các thành viên U22 Việt Nam vì màn thể hiện non nớt, thiếu kinh nghiệm của họ. Nên nhớ, họ vẫn chỉ là những chàng trai ở lứa tuổi đôi mươi và nhiều người thậm chí còn chưa được ra sân một lần nào cho đội bóng chủ quản ở hệ thống giải vô địch quốc gia. Việc nước chủ nhà Campuchia cắt suất tham dự của các cầu thủ quá tuổi trong môn bóng đá nam cũng là một thiệt thòi cho các cầu thủ U22 Việt Nam so với các kỳ SEA Games trước.

Ông Park Hang-seo, người đã dẫn dắt đội U22 Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng bóng đá nam SEA Games gần nhất, cũng có mặt trên khán đài để chứng kiến trận thua 2-3 của thầy trò ông Troussier trước U22 Indonesia. Theo đánh giá của giới chuyên môn châu Á, U22 Việt Nam không yếu đi nhiều so với nhiệm kỳ thầy Park, nhưng các đối thủ trong cùng khu vực đều đã có những bước tiến lớn, đặc biệt là Indonesia. Quốc gia này đã đầu tư rất mạnh vào bóng đá trẻ trong vài năm gần đây và đang vươn lên trở thành thế lực thách thức Việt Nam cùng Thái Lan.

Tất nhiên cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào chuyên môn. Lứa cầu thủ hiện tại được nhiều người đánh giá là không có chất lượng tốt bằng thế hệ của Quang Hải, Văn Hậu. Với bất kỳ huấn luyện viên nào dù tài năng đến đâu, quy luật “có bột mới gột nên hồ” là không thay đổi. Chiến thuật có tốt đến đâu mà con người thực hiện không đáp ứng được yêu cầu thì cũng khó đem lại chiến thắng.

Tiếc rằng chỉ có một vài cầu thủ của lứa U22 hiện tại được giới chuyên môn đánh giá có thể chen chân vào đội tuyển quốc gia trong tương lai gần. Những cái tên nổi bật phải kể đến là hậu vệ Phan Tuấn Tài, tiền vệ Nguyễn Thanh Nhàn và tiền đạo Nguyễn Văn Tùng. Tuấn Tài ở SEA Games 32 đã làm quen với vai trò trung vệ lệch trái trong hàng thủ 3 người và gây ấn tượng với những đường chuyền phát động tấn công bằng cái chân trái khéo léo của mình. Nguyễn Thanh Nhàn cũng cho thấy vì sao anh được đích thân ông Troussier dùng uy tín và mối quan hệ cá nhân để kéo anh về lò đào tạo PVF. Sự khéo léo, bền bỉ, khôn ngoan và có phần tinh quái là những phẩm chất mà Thanh Nhàn đã cho thấy sau các trận đấu tại SEA Games 32.

Về phần Nguyễn Văn Tùng, anh là cái tên nổi bật nhất trong đội hình U22 Việt Nam và được chờ đợi sẽ trở thành ngôi sao tiếp theo của “Những chiến binh sao vàng”. Cầu thủ thuộc biên chế Hà Nội FC gây ấn tượng mạnh bởi bản năng săn bàn của một sát thủ đích thực, khả năng chiếm lĩnh không gian trong vòng cấm, tì đè làm tường cho đồng đội và sức mạnh trong các tình huống không chiến. Nếu tiếp tục được rèn giũa cũng như tích lũy thêm kinh nghiệm, Văn Tùng sẽ sớm trở thành “mối đe dọa” cho Tiến Linh trong màu áo đội tuyển quốc gia.

Rất có thể trong đợt tập trung đội tuyển quốc gia gần nhất, ông Troussier sẽ tạo cơ hội cho các cầu thủ này có dịp tham gia tập luyện với các đàn anh. Chất lượng của các tuyển thủ quốc gia rõ ràng khác xa với đội U22, do đó, màn trình diễn của đội tuyển dưới sự dẫn dắt của ông Troussier có lẽ mới đem đến câu trả lời chính xác cho mối băn khoăn liệu nhà cầm quân người Pháp có phù hợp với bóng đá Việt Nam hay không.

Hoàng Hải

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/van-con-qua-som-de-danh-gia-ve-kha-nang-cua-huan-luyen-vien-philippe-troussier-post461250.html