Vẫn còn tâm lý 'nước đến chân mới nhảy'

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đến ngày 13/7 cơ quan thuế đã tiếp nhận 158.147 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.

Ảnh: NM

Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất đã được gia hạn là hơn 43.880 tỷ đồng, khá thấp so với gói hỗ trợ khoảng 180.000 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, vẫn có tâm lý “nước đến chân mới nhảy” của một bộ phận doanh nghiệp và người nộp thuế.

* PV: Nghị định 41/2020/NĐ-CP (Nghị định 41) được Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người nộp thuế (NNT) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Để người dân, doanh nghiệp biết và thụ hưởng chính sách này, cơ quan thuế đã tuyên truyền như thế nào, thưa ông?

- Ông Đặng Ngọc Minh: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 41, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tiền thuê đất theo quy định tại nghị định tới toàn thể NNT.

Thực hiện chỉ đạo này, các cục thuế đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, phối hợp với văn phòng đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định 41 đến NNT. Việc tuyên truyền này được thực hiện thường xuyên, liên tục theo nhiều hình thức, đảm bảo mọi NNT đều có thể tiếp cận và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, trình tự, thủ tục thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để thực hiện đúng và kịp thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước, qua đó tháo gỡ khó khăn về tài chính cho NNT.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, Tổng cục Thuế đã nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hướng dẫn NNT nộp giấy đề nghị gia hạn theo nhiều phương pháp như: qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, cổng dịch vụ công quốc gia, qua đường bưu điện và tiếp nhận trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế, đảm bảo hệ thống CNTT vận hành thông suốt 24/7, tạo điều kiện để NNT có thể nộp giấy đề nghị gia hạn mọi lúc, mọi nơi.

Ông Đặng Ngọc Minh

* PV: Nghị định 41 có đối tượng được thụ hưởng khá rộng, chiếm đến 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số tiền hỗ trợ dự kiến lên đến 180.000 tỷ đồng. Cơ quan thuế có thực hiện rà soát, thống kê trên hệ thống quản lý thuế đối với NNT thuộc diện được gia hạn thuế và tiền thuê đất để chủ động hỗ trợ khi NNT nộp giấy đề nghị gia hạn không, thưa ông?

- Ông Đặng Ngọc Minh: Để việc tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được thuận lợi, tránh bỏ sót đối tượng, Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát, đánh giá trước khi trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành nghị định. Căn cứ dữ liệu danh mục ngành nghề theo đăng ký kinh doanh của NNT thuộc danh mục, lĩnh vực ngành nghề được gia hạn theo Nghị định số 41 trên hệ thống quản lý thuế tại thời điểm cuối năm 2019, có khoảng 98% số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách này, tương đương khoảng 737.314 doanh nghiệp, với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất dự kiến được gia hạn khoảng 174.000 tỷ đồng và khoảng 24% số hộ, cá nhân kinh doanh đang hoạt động, tương đương khoảng 347.840 hộ (bao gồm cả hộ cho thuê nhà) với số thuế được gia hạn khoảng 6.000 tỷ đồng.

Theo số liệu rà soát của các cục thuế, số lượng doanh nghiệp thuộc danh mục lĩnh vực, ngành nghề được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất có phát sinh hoạt động kinh doanh năm 2019 và năm 2020 là 431.827 doanh nghiệp, bằng 58,5% tổng số NNT có đăng ký kinh doanh thuộc các nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp được gia hạn theo Nghị định 41. Tương tự, số hộ cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh là 106.469 NNT, bằng 30,6% so với số NNT có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất với tổng số thuế dự kiến được gia hạn là hơn 76.232 tỷ đồng, bằng khoảng 42,4% so với tổng số thuế dự kiến được gia hạn khi xây dựng Nghị định số 41. Nguyên nhân do dịch Covid-19 tác động mạnh đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khiến số phát sinh phải nộp thuế của doanh nghiệp giảm sâu so với cùng kỳ.

* PV: Nghị định 41 đã được Chính phủ ban hành đến nay là hơn 3 tháng, xin ông cho biết kết quả tiếp nhận, giải quyết giấy đề nghị gia hạn của tổ chức, cá nhân đến thời điểm này như thế nào?

- Ông Đặng Ngọc Minh: Tính đến ngày 13/7/2020, cơ quan thuế đã tiếp nhận 158.147 giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Trong đó, số giấy đề nghị gia hạn của các doanh nghiệp là 111.719 giấy đề nghị; số giấy đề nghị gia hạn của cá nhân kinh doanh là 46.428 giấy đề nghị. Về số thuế được gia hạn, theo báo cáo nhanh của các cục thuế đến ngày 13/7/2020, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là hơn 43.880 tỷ đồng. Trong đó, số thuế GTGT được gia hạn là hơn 19.656 tỷ đồng; số thuế TNDN được gia hạn là hơn 20.365 tỷ đồng; tiền thuê đất được gia hạn là hơn 3.357 tỷ đồng; thuế GTGT và TNCN của hộ và cá nhân kinh doanh được gia hạn là hơn 501 tỷ đồng.

* PV: Theo ông, vì sao số giấy đề nghị gia hạn, cũng như số tiền gia hạn đến thời điểm này vẫn thấp như vậy?

- Ông Đặng Ngọc Minh: Cùng với việc chủ động rà soát các đối tượng được gia hạn để có kế hoạch tiếp nhận kịp thời, Tổng cục Thuế đã thực hiện rà soát về việc khai thuế GTGT với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện gia hạn. Qua rà soát, tổng hợp tờ khai thuế GTGT tháng 3/2020 và quý I/2020 cho thấy, trong tổng số 754.409 NNT đã nộp tờ khai thuế GTGT vào ngày 20/4/2020 (bao gồm cả chi nhánh), do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp kê khai thuế tháng 3 và quý I/2020 giảm mạnh so cùng kỳ cả về doanh số và số thuế GTGT. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không phát sinh thuế GTGT, chỉ có khoảng 23,3% trong tổng số NNT có phát sinh thuế GTGT phải nộp, tương đương khoảng 175.943 NNT. Số tờ khai tháng 4/2020 có thuế GTGT là 21.088 tờ khai, chiếm 29,62% tổng số tờ khai đã nộp, giảm 1.911 tờ khai so với tháng trước. Số tờ khai có thuế GTGT tháng 5 là 22.429 tờ khai, tỷ lệ số NNT phát sinh thuế GTGT trong tháng 5/2020 khoảng 31,44% tổng số tờ khai đã nộp.

Đối với số hộ, cá nhân kinh doanh, qua theo dõi tại các địa phương, số NNT đã nộp giấy đề nghị gia hạn tập trung tại những nhóm hộ, cá nhân kinh doanh hoạt động trong những lĩnh vực như: kinh doanh bất động sản, cho thuê nhà... có doanh thu và số thuế phải nộp lớn. Đối với các nhóm hộ khoán, các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng tháng nhỏ, chiếm số lượng lớn trong tổng số hộ và cá nhân kinh doanh đang hoạt động, việc gia hạn thuế GTGT và TNCN phải nộp các tháng, quý trong năm 2020 sẽ dẫn đến việc phải nộp dồn vào cuối năm tại thời điểm kết thúc gia hạn, nên mặc dù cơ quan thuế đã tuyên truyền, hướng dẫn rộng rãi đến các hộ, cá nhân kinh doanh, tuy nhiên, nhiều hộ, cá nhân kinh doanh vẫn chưa nộp giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế.

Tôi cũng phải nói thêm rằng, theo quy định tại Nghị định số 41, NNT chỉ phải nộp giấy đề nghị gia hạn 1 lần, thời hạn nộp giấy đề nghị gia hạn trước ngày 30/7/2020 cho tất cả các kỳ thuế được gia hạn, nên đến nay NNT vẫn đang hàng ngày tiếp tục nộp giấy đề nghị gia hạn về cơ quan thuế, cơ quan thuế tiếp tục tiếp nhận, cập nhật lên hệ thống quản lý để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính. Số tiền thuế gia hạn sẽ được cập nhật theo từng kỳ phát sinh. Số liệu tổng hợp của cơ quan thuế đến thời điểm hiện nay mới là số thuế phát sinh phải nộp cho các kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4 và tháng 5/2020 (thuế GTGT khai nộp theo tháng), quý I/2020 (thuế GTGT đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo quý, thuế TNDN tạm tính quý I, thuế khoán của hộ cá nhân kinh doanh), số thuế TNDN còn phải nộp thêm sau quyết toán năm 2019 và số tiền thuê đất của NNT đã gửi giấy đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế.

* PV: Ngoài nguyên nhân nhiều doanh nghiệp không phát sinh thuế, số hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán quyết toán vào cuối năm thì còn nguyên nhân nào khác không, thưa ông? Tổng cục Thuế có kế hoạch gì để có thể tiếp tục thực hiện hỗ trợ, tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn trong thời điểm nước rút này?

- Ông Đặng Ngọc Minh: Số tiền gia hạn thấp, theo tôi ngoài việc phát sinh thuế GTGT quý I và quý II chưa nhiều, thì còn một nguyên ngân khác xuất phát từ tâm lý chờ đợi, thường để đến cuối thời hạn quy định (30/7/2020) mới làm thủ tục gia hạn. Nhưng dù vì nguyên nhân gì thì cơ quan thuế cũng đã sẵn sàng để tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn của tổ chức, cá nhân đến 30/7/2020, đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay cơ quan thuế các cấp đang tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn NNT gửi giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất, tổ chức tiếp nhận, phân loại xử lý đối với giấy đề nghị gia hạn của NNT. Trên cơ sở đó sẽ thông báo cho NNT kịp thời đối với những giấy đề nghị gia hạn không đủ điều kiện được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 41.

* PV: Xin cảm ơn ông!

-------------------------------------------------------------------------------------------

* Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam:

Người nộp thuế chậm trễ sẽ mất quyền lợi

Bà Nguyễn Thị Cúc

Qua nghiên cứu tôi thấy rằng, đối tượng được gia hạn theo Nghị định 41 rất rộng, gần như tất cả các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đều được hưởng ưu đãi từ chính sách hỗ trợ này.

Tuy nhiên, có một thực tế là DN Việt Nam thường có tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, khi gần hết hạn thì mới đổ xô đi làm. Việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41 rất đơn giản. Lần đầu tiên trong một nghị định có cả hướng dẫn thủ tục gia hạn rất cụ thể, chỉ làm một tờ giấy đề nghị gia hạn cho tất cả các sắc thuế; người nộp thuế không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, mà có thể gửi qua mạng thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cổng Dịch vụ công quốc gia, qua bưu điện.

Đã gần tới thời hạn chót nộp giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, DN và cá nhân người nộp thuế nếu thuộc đối tượng được gia hạn thì cần làm thủ tục ngay, vì nếu chậm trễ, có thể DN sẽ mất quyền lợi. Tôi cho rằng DN cần phải làm ngay giấy đề nghị gia hạn, cần phải bỏ thói quen “nước đến chân mới nhảy”.

* Luật sư Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law:

Doanh nghiệp cần chủ động gửi giấy đề nghị gia hạn

Luật sư
Lê Thị Hồng Vân

Mặc dù đã có sự hỗ trợ rất lớn về thủ tục, nhằm hỗ trợ nhanh nhất cho người nộp thuế bằng cách giản lược thủ tục, nhưng mới có khoảng 43.880 tỷ đồng được DN đề nghị gia hạn trên tổng số 180.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ này là quá nhỏ, trong khi có đến 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động được gia hạn.

Tôi cho rằng, cơ quan thuế các địa phương cần rà soát lại chính xác số DN đang hoạt động thực tế, những DN nào đã không còn hoạt động nhưng không khai báo để có số liệu cụ thể. Bản thân các DN thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo tinh thần Nghị định 41 cũng cần cử cán bộ có chuyên môn, nắm bắt được các trình tự, thủ tục về việc gia hạn để nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, gửi giấy đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế và hưởng chính sách của Nhà nước một cách kịp thời.

Nhật Minh (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2020-07-22/van-con-tam-ly-nuoc-den-chan-moi-nhay-89833.aspx