Vẫn còn 'vùng trũng' pháp luật

Đó là nhận định của Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc trong cuộc tọa đàm thông tin truyền thông tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019 và cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu kiến thức pháp luật trong các nhà trường và cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, sáng 8-10, tại Hà Nội.

Theo Vụ trưởng Lê Vệ Quốc, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam là một thiết chế rất đặc thù, mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn “vùng trũng” về pháp luật, còn người dân “thiếu đói” về kiến thức, thông tin pháp luật. “Vùng trũng” về pháp luật không chỉ xuất hiện ở vùng sâu, vùng xa, mà ở ngay những đô thị lớn.

Nhìn lại 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa IX về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân”, Vụ trưởng Lê Vệ Quốc cho rằng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được nhiều thành tựu. Thành tựu lớn nhất là công tác này đã được điều chỉnh bằng cơ sở pháp lý rất cao là Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Cùng với đó, hệ thống bộ máy làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được thiết lập từ Trung ương đến địa phương. Đội ngũ báo cáo viên ở Trung ương tăng lên 8,3 lần, số lượng tuyên truyền viên cấp xã tăng lên 1,65 lần. Hầu hết báo cáo viên pháp luật ở Trung ương và cấp tỉnh có trình độ cử nhân trở lên, nhiều người có trình độ sau đại học. Ngân sách Nhà nước cũng được quan tâm bố trí, giúp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu, trọng tâm và thực chất hơn.

Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Lê Vệ Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những tồn tại, hạn chế, thể hiện ở ngay từ nhận thức, cách nhìn của một số cấp ủy, người đứng đầu của một số cơ quan, địa phương về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa nói tới nhận thức của người dân.

Sang giai đoạn mới của sự phát triển kinh tế-xã hội, những đòi hỏi từ xã hội, người dân, làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt buộc mọi hoạt động của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội phải chuyển biến. Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị là phải chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW vừa được ban hành ngày 27-9-2019, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật cũng phải chuyển biến theo tình hình mới, bắt buộc phải đổi mới từ nội dung đến phương thức triển khai.

Nhắc lại tình trạng “đói thông tin” về pháp luật trong một bộ phận người dân, ông Lê Vệ Quốc nêu quan điểm, ngay người dân cũng không nên ngồi chờ, mà cần chủ động hơn, coi đó là một phần bổn phận trách nhiệm với xã hội, tiếp cận với pháp luật để hiểu pháp luật, sống đúng, sống hạnh phúc, đóng góp trí tuệ vào sự phát triển chung của xã hội.

Thời gian tới, ông Lê Vệ Quốc bày tỏ hy vọng, các cấp, các ngành sẽ tạo “cú huých” giúp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường được đẩy mạnh, sớm đưa nội dung này vào trường học, góp phần tích cực, thiết thực hình thành nhân cách, phản xạ, phản ứng tuân thủ pháp luật cho mỗi công dân ngay từ khi còn nhỏ. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường không quá nặng nề, mà chỉ cần giúp học sinh biết cách tự tiếp cận với pháp luật để hiểu mình được làm gì cho bản thân và phải làm gì cho xã hội.

Phó vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên cho biết, cùng với việc phát động tổ chức Ngày pháp luật tại các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, năm nay, Bộ Tư pháp dự kiến phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”-sự kiện được coi là điểm nhấn hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2019.

Cuộc thi được triển khai nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; góp phần đổi mới, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh, học viên trong nhà trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thể lệ cuộc thi và thông báo chính thức được đăng tải trên trang web http://timhieuphapluat.vn và Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/van-con-vung-trung-phap-luat-593009