Vấn đề bản quyền tác phẩm mỹ thuật: Vấn nạn cần phải báo động

Cuối tuần qua, nhà đấu giá Chọn chính thức thừa nhận bức tranh lụa mang tên 'Con gái nhà văn Dương Thu Hương' có chữ ký của cố họa sỹ Vũ Giáng Hương là tranh giả, kết thúc vụ việc lùm xùm kéo dài vài tháng.

Bức tranh sơn dầu vẽ bé Bảo Khánh của họa sỹ Đông sau đó bị chuyển sang tranh lụa bán đi và mạo chữ ký của cố họa sỹ Vũ Giáng Hương.

Bức tranh sơn dầu vẽ bé Bảo Khánh của họa sỹ Đông sau đó bị chuyển sang tranh lụa bán đi và mạo chữ ký của cố họa sỹ Vũ Giáng Hương.

Và đây là vụ việc thứ hai mà Chọn “dính” sau vụ giả tranh của họa sỹ Đặng Xuân Hòa.

Vì sao, vụ việc này để lâu như vậy mà đáng ra mọi sự có thể dễ dàng sáng tỏ? Chuyện vi phạm bản quyền tác phẩm mỹ thuật phải chăng đang trở nên chuyện ngày càng phổ biến?.

Lời xin lỗi muộn màng

Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn khẳng định bức tranh lụa tại Lot 21 phiên đấu giá số 15 không phải là tranh của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương, chính thức loại bỏ tư cách Lot đấu 21 phiên đấu giá số 15. Và nhà đấu giá gửi lời xin lỗi tới gia đình cố họa sĩ Vũ Giáng Hương, các họa sĩ, nhà sưu tầm và công chúng yêu nghệ thuật vì đã để xảy ra sự cố đáng tiếc này.

Đây là lần thứ hai, Chọn hủy tư cách Lot đấu. Trước đây vào tháng 5.2017, Lot 18 phiên đấu giá số 3 được cho là giả tranh của Họa sĩ Đặng Xuân Hòa, bức này được phát hiện ra ở giai đoạn trưng bày và không được đưa ra đấu giá.

Trong thông báo phát đi có đoạn: “Nhà đấu giá Chọn tuyên bố phản đối hành vi làm giả tranh dưới mọi hình thức. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để đưa các đối tượng làm giả tranh ra ánh sáng. Chúng tôi cam kết sẽ tăng cường hơn nữa các khâu giám sát kiểm tra trong quy trình tuyển chọn và giới thiệu tác phẩm đến với các nhà sưu tầm và công chúng yêu nghệ thuật”.

Có nhiều ý kiến khác nhau quanh chuyện “xin lỗi” của Chọn, nhưng đa phần cho rằng lời xin lỗi đưa ra quá muộn, đáng lẽ sớm hơn ngay từ buổi gặp nhà báo hôm đầu tháng 9. Có ý kiến cho rằng xin lỗi chưa đủ mà Chọn phải đi đến cùng sự việc, phối hợp tìm ra kẻ chủ mưu, kẻ giả chữ ký, trả lại danh dự cho tác giả đích thực…, rồi phải công khai tên tuổi, danh tính của Hội đồng thẩm định của Chọn nữa, để những vị đó phải thấy trách nhiệm và sai lầm của mình.

Và liệu Chọn có những giải pháp cụ thể nào để lần sau những vụ việc như thế này khỏi tái diễn, để khách hàng có thể gửi niềm tin vào nhà đấu giá?

Ai sai?

Ngoài chuyện nhà đấu giá Chọn” cứ “vòng vo tam quốc” mãi, chỉ khi vụ việc ầm lên mới tổ chức gặp gỡ báo chí và mãi mới lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm thì qua vụ việc này cũng bộc lộ nhiều chuyện.

Ai cũng thấy có nhiều cách để khẳng định bức tranh đó là giả chữ ký của nữ họa sỹ Vũ Giáng Hương từ chuyện mời cô bé - nhân vật trong tranh đến hay mời con gái nhà văn Dương Thu Hương, hoặc chị Phạm Quỳnh - người mẹ thuê họa sỹ Nguyễn Văn Đông vẽ con gái mình đến buổi họp báo đầu tháng 9 là xong. Thế nhưng vụ việc kéo dài vì xem ra không ai muốn đi đến tận cùng.

Nhà đấu giá Chọn phải tính đến uy tín đã đành nhưng họa sỹ Đông cũng ngại không làm quá to chuyện vì chính anh cũng có vi phạm. Bản thân anh vẽ tranh trên cơ sở bức ảnh chị Quỳnh thuê anh đưa cho, dù sau đó anh có thêm một số chi tiết thì đây cũng là tác phẩm phái sinh.

Và khi người ta đặt hàng thì anh cũng không thể tự ý cho cô bạn là sinh viên Bùi Thị Hằng (trường ĐH Mỹ thuật) dùng để chuyển sang chất liệu lụa, sau đó còn đồng ý cho cô bán cho khách. Sinh viên Hằng cũng vi phạm khi dùng tác phẩm người khác để làm bài tốt nghiệp trong trường…

Hàng loạt cái sai bắt nguồn từ hiểu biết kém, chưa nắm vững luật hay cố tình coi thường bản quyền tác phẩm mỹ thuật?

Vi phạm bản quyền tác phẩm mỹ thuật khá phổ biến

Chuyện sao chép ý tưởng, “đạo tranh” nhiều phần hay một phần của họa sỹ giỏi khá phổ biến. Nhiều kẻ làm tranh giả, tranh nhái bằng cách mua những bức tranh gần niên đại, rồi cạo sửa, thêm chữ ký của những danh họa vào.

Rồi quan niệm về bản quyền ở ta còn mơ hồ với khá nhiều người thường khi thấy tranh đẹp ở mạng là tự ý download xuống, ra tiệm in phóng treo ở nhà, với lý giả “đâu có kinh doanh chỉ treo chơi ở nhà”. Đó cũng là vi phạm bản quyền.

Việc thẩm định tranh thật, tranh giả ở Việt Nam còn chủ yếu dựa vào mắt thường, thiếu những thiết bị, công nghệ hiện đại để làm rõ. Một số họa sỹ bị chép tranh, đạo tranh nhiều khi lại tặc lưỡi cho qua, bởi cũng ngại kiện tụng, phiền phức, tốn thời gian mà chưa chắc kết quả đã đi đến đâu. Việc đăng ký bản quyền “đứa con” của mình cũng chưa phải là phổ biến với nhiều họa sỹ.

Đáng trách nhất là bản thân có họa sỹ cũng vi phạm bản quyền của chính mình, khi vẽ tranh kiểu hàng chợ, tự nhân bản tranh lên, nếu sửa chỉ thêm thắt hay bớt đi vài chi tiết, rồi cứ thế điềm nhiên bán cho khách.

Câu chuyện tranh giả tranh thật sẽ còn kéo dài nếu không có những giải pháp đồng bộ và sự trung thực của mỗi cá nhân.

VIỆT VĂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/van-de-ban-quyen-tac-pham-my-thuat-van-nan-can-phai-bao-dong-633935.ldo