Vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường tại các chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa: Không được lơ là, chủ quan!

Công tác vệ sinh môi trường (VSMT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các chợ dân sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Điều này đòi hỏi ý thức tự thân của mỗi tiểu thương, trách nhiệm của ban quản lý các chợ và cơ quan chức năng.

Bảo đảm vệ sinh môi trường tại các chợ dân sinh cũng quan trọng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.

Chợ đầu mối rau, quả, thực phẩm Đông Hương có gần 500 hộ kinh doanh cố định và trên 200 đối tượng kinh doanh tự do. Trung bình mỗi ngày có gần 100 lượt xe tải trong và ngoài tỉnh vận chuyển các loại hàng hóa cho các tiểu thương. Với đặc thù là đầu mối lớn nhất tỉnh, lượng hàng hóa hàng ngày tại chợ là rất lớn. Hàng hóa là các loại hoa quả, rau, thực phẩm như: thịt, cá, hải sản, thực phẩm chế biến... từ nhiều nơi đổ về hàng ngày đã tạo ra áp lực lớn về công tác bảo đảm VSMT. Từ năm 2020 đến nay, ban quản lý chợ đã xây dựng các phương án bảo đảm VSMT, khởi đầu là việc bố trí, phân luồng các xe chở hàng vào chợ, cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước thải, nhất là khu vực buôn bán thực phẩm, khu vực các hộ buôn bán, sơ chế gia cầm, thủy, hải sản có sử dụng nước và có nước thải. Bên cạnh đó, ban quản lý chợ đã yêu cầu tất cả các tiểu thương phải thực hiện nghiêm túc việc bỏ rác vào đúng nơi quy định, bảo đảm sạch sẽ tại nơi chế biến, sơ chế thực phẩm, không xả nước thải bừa bãi. Đây cũng là quy định mà các tiểu thương kinh doanh rau, quả, các loại hoa phải thực hiện thường xuyên. Mặc dù vậy, đến nay, do số lượng các tiểu thương ngành hàng nói trên tăng, lượng hàng hóa cũng tăng, bởi vậy đã dẫn đến tình trạng quá tải tại đây. Ban quản lý chợ và đơn vị thu gom, xử lý rác thải cũng đã phối hợp khắc phục những khó khăn, bất cập nói trên để giảm thiểu tới mức thấp nhất sự ô nhiễm.

Ông Lê Ngọc Thắng, Trưởng Ban Quản lý Chợ đầu mối rau, quả, thực phẩm Đông Hương, cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc bảo đảm tốt công tác VSMT tại chợ cũng là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách không kém gì công tác phòng, chống dịch hiện nay. Để bảo đảm tốt nhất công tác bảo đảm VSMT, ban quản lý chợ đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới tất cả các tiểu thương trong chợ để bảo đảm vệ sinh ngay tại khu vực bán hàng, tại các ki-ốt, gian hàng, khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm có nước thải. Công tác kiểm tra, nhắc nhở được thực hiện thường xuyên. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thời gian gần đây, lượng xe tải hàng hóa và người mua bán đã giảm nhiều so với trước đây, tuy vậy không vì thế mà để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là. Có như vậy, mới thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa bảo đảm VSMT, vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong tình hình hiện nay.

Trong khi đó, tại các chợ dân sinh ở các phường, xã, công tác bảo đảm VSMT vẫn còn bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập, nhất là tại khu vực buôn bán thủy, hải sản, giết mổ, sơ chế gia cầm. Do các chợ không có các bể chứa nước thải, nên toàn bộ nước thải hàng ngày đã được xả trực tiếp ra hệ thống cống đô thị, gây ô nhiễm. Đây là thực trạng đang diễn ra khá phổ biến tại các chợ dân sinh hiện nay, điển hình như: chợ Điện Biên, chợ Đông Thọ, chợ Nam Ngạn... Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, những tồn tại, bất cập này chưa thực sự được ban quản lý các chợ quan tâm, ý thức của một bộ phận tiểu thương, các đối tượng kinh doanh tại các chợ vẫn còn hạn chế. Nhiều người vẫn còn lơ là, chủ quan, chưa xem trọng việc bảo đảm VSMT gắn liền với công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.

Chị Lê Thị Oanh (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) chia sẻ: Hàng ngày đi chợ, tôi thấy rất ái ngại với tình trạng mất vệ sinh tại khu vực làm gà, vịt, bán tôm cá, chế biến hải sản. Nước thải tại khu vực này còn tràn ra các lối đi, bốc mùi hôi, rác thải chưa được thu gom triệt để. Điều đáng nói là công tác bảo đảm VSMT gắn với phòng, chống dịch chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của ban quản lý các chợ. Người dân như chúng tôi cảm thấy rất lo lắng mỗi khi đi chợ vào mùa dịch hiện nay, nhất là sau khi TP Thanh Hóa kết thúc giãn cách xã hội.

Được biết, công tác bảo đảm VSMT tại các chợ đều cho doanh nghiệp, ban quản lý các chợ chịu trách nhiệm từ việc xây dựng hệ thống thoát nước thải, bố trí các bể chứa nước thải để xử lý trước khi xả ra môi trường, các phương án bố trí nơi để rác thải, thu gom rác thải hàng ngày, cũng như đặt ra các quy định đối với các tiểu thương và các đối tượng kinh doanh về bảo đảm VSMT. Mặc dù vậy, để công tác này thực sự hiệu quả, giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ ô nhiễm, cần có sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt hơn từ nhiều phía, nhất là ý thức chấp hành của từng tiểu thương, các hộ, đối tượng kinh doanh. Ngành tài nguyên - môi trường, UBND TP Thanh Hóa, các phường, xã trên địa bàn cũng cần tăng cường công tác kiểm tra đối với tất cả các chợ dân sinh về việc thực hiện công tác bảo đảm VSMT, phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu mới của tình hình hiện nay. Việc phát hiện, xử lý vi phạm cũng cần được tăng cường hơn nữa mới tạo ra sự răn đe cần thiết. Công tác bảo đảm VSMT luôn phải được thực hiện song song với công tác phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, từ đó tạo chuyển biến tích cực, đạt hiệu quả cao nhất.

Bài và ảnh: Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/van-de-bao-dam-ve-sinh-moi-truong-tai-cac-cho-tren-dia-ban-tp-thanh-hoa-khong-duoc-lo-la-chu-quan/144991.htm