Vấn đề công tác cán bộ nhìn từ câu chuyện bóng đá

Từ câu chuyện bóng đá, soi lại công tác bố trí, điều động cán bộ của thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hậu Giang trong tuần qua thì rõ ràng là hình như đang có vấn đề, nên đã gây ra nhiều bàn cãi...

Tuần qua, người hâm mộ bóng đá cả nước không khỏi tự hào khi bóng đá Việt Nam khẳng định ngôi vị số 1 Đông Nam Á khi đánh bại đội tuyển Thái Lan ngay tại sân nhà với tỷ số 1-0. Người Việt Nam yêu mến đặt cho huấn luyện viên Park Hang-seo biệt danh "phù thủy" của bóng đá Việt Nam.

Không có gì là quá khi ông được những chuyên gia bóng đá đánh giá mang tố chất của một nhà lãnh đạo thành công trong thế kỉ XXI khi cực kỳ chi tiết, nắm được chân tơ kẽ tóc của đội tuyển, biết sử dụng đúng sở trường của từng cầu thủ, có tư duy đột phá chiến lược, suy nghĩ khác người và đặc biệt là rất vô tư, trong sáng, hồn nhiên.

Ông Park sở hữu 5 yếu tố cần thiết với một nhà lãnh đạo để thành công, bao gồm: khả năng tư duy tự ngẫm; khả năng tham gia vào cuộc rất chi tiết; sự hợp tình, hợp lý và chính trực không thiên vị; sử dụng trực giác để ra quyết định và cuối cùng là tràn đầy tình yêu thương trong sinh hoạt với cả đội tuyển.

Chỉ cách đây 18 tháng, vẫn những cầu thủ đó, nhưng dẫn dắt đội tuyển là một huấn luyện viên người Việt Nam thì cứ gặp phải đội tuyển Thái Lan, đội tuyển Việt Nam chỉ cần cầm hòa đã được coi là thắng lợi. Sự việc trên cho thấy, vai trò của người cầm quân, người tổ chức là vô cùng quan trọng trong việc sắp xếp, bố trí hợp lý, đúng nguyện vọng, sở trường của các cầu thủ đã tạo nên sự gắn kết, sức mạnh tập thể để bóng đá Việt Nam có được những kết quả đáng tự hào như ngày hôm nay.

Ông Đoàn Ngọc Hải (bên trái) sáng nhận phân công chức vụ mới, chiều xin từ chức.

Ông Đoàn Ngọc Hải (bên trái) sáng nhận phân công chức vụ mới, chiều xin từ chức.

Từ câu chuyện bóng đá, soi lại công tác bố trí, điều động cán bộ của thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hậu Giang trong tuần qua thì rõ ràng là hình như đang có vấn đề, nên đã gây ra nhiều bàn cãi. Cơ quan tổ chức của hai địa phương đều đã thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ đúng quy trình, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật nhưng Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang chấp nhận kỷ luật, không nhận lệnh điều động về làm ở Hội Chữ thập đỏ vì không phù hợp với chuyên môn và Phó Chủ tịch quận 1, thành phố Hồ Chí Minh ngay sau khi nhận quyết định Phó Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đã làm đơn xin từ chức cũng vì "được" điều động sang một lĩnh vực mà theo ông "không phù hợp với chuyên môn của mình".

Sự việc trên đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Vì sao bổ nhiệm đúng quy trình, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật mà người được bổ nhiệm lại phản ứng? Phải chăng là không đúng người, đúng việc.

Ai cũng biết, nếu giao việc cho một nhân viên mà nhầm thì thiệt hại một nhưng giao việc cho một cán bộ lãnh đạo nhầm thì thiệt hại rất nhiều lần. Việc quyết định điều động cán bộ không phù hợp với năng lực, sở trường, không tính đến lợi thế kinh nghiệm và nguyện vọng chính đáng của người được điều chuyển chính là một hình thức "nhầm chỗ" và kém hiệu quả, thậm chí gây hậu quả sẽ là hiển nhiên.

Đã có một thời, chúng ta phân công, phân nhiệm cho cán bộ, cho lãnh đạo theo tư duy "đã qua đào tạo ở các trường Đảng thì làm gì cũng được". Chính vì vậy, nhiều ngành nghề đòi hỏi người lãnh đạo phải rất am hiểu, rất giỏi chuyên môn, thì lại đưa những người được cơ cấu trong cấp ủy điều hành. Và thế là dẫn đến tình trạng cái gì cũng nói chung chung, không dám quyết định, đặc biệt là trước những sự phức tạp nảy sinh, thì không biết đằng nào mà chỉ đạo. Loại cán bộ "giỏi chỉ tay năm ngón" thực chất cũng là do ngồi nhầm chỗ mà sinh ra.

Việc ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức không những làm nóng dư luận xã hội mà còn làm nóng cả nghị trường Quốc hội, bởi ở ta chưa có tiền lệ, không có thói quen, không có văn hóa từ chức. Phần lớn người Việt đều có cảm giác ai từ chức là hiện tượng lạ, hiếm, thậm chí là không bình thường. Chúng ta thấy rất rõ có nhiều người sai phạm nhưng vẫn cố gắng níu giữ cái "ghế", vì chức tước gắn liền với nhà lầu xe hơi thì làm sao từ được và chỉ khi không thể giữ được nữa thì mới xin từ chức để tìm cách tháo chạy, trốn tránh trách nhiệm, tránh bị xử lý kỷ luật.

Trên thế giới có hai nhóm lý do chính dẫn đến từ chức của những người đang nắm giữ các chức vụ. Thứ nhất, từ chức ở khía cạnh tiêu cực, đó là khi người từ chức do sai phạm hoặc bị nghi ngờ có sự sai phạm. Cũng có thể họ do năng lực yếu kém, không còn được tín nhiệm hoặc do sơ suất trong hành động hoặc phát ngôn khiến dư luận phản ứng.

Thứ hai, ở khía cạnh tích cực: Người từ chức thấy rằng không muốn tiếp tục hợp tác với cơ quan, tổ chức, đơn vị nào đó, hoặc họ không muốn tiếp tục công việc vì muốn giữ khí tiết, liêm sỉ của mình. Trường hợp của ông Hải thuộc nhóm thứ hai là tự thấy không phù hợp thì không nhận nhiệm vụ.

Đã đến lúc phải áp dụng phương pháp lãnh đạo, quản lý của ông Park Hang-seo vào công tác cán bộ. Đồng thời chúng ta cũng cần xây dựng thói quen, rồi hình thành văn hóa từ chức, coi việc từ chức là chuyện bình thường, nhưng từ chức không phải là để tạo ra "lối thoát an toàn" cho người sai phạm.

Cù Tất Dũng

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/van-de-cong-tac-can-bo-nhin-tu-cau-chuyen-bong-da-548974/