Vấn đề Đài Loan: Lịch sử và thông lệ

Ngày 27/3, ông Mã Anh Cửu trở thành cựu lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) đầu tiên tới thăm Trung Quốc đại lục kể từ năm 1949.

Ngày 27/3, ông Mã Anh Cửu trở thành cựu lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) đầu tiên tới thăm Trung Quốc đại lục kể từ năm 1949. (Nguồn: AP)

Ông khẳng định, ngoài viếng phần mộ tổ tiên ở Trung Quốc, ông đã đưa sinh viên Đài Loan sang đại lục để giao lưu, “hy vọng cải thiện bầu không khí ở hai bờ eo biển hiện nay… để hòa bình có thể đến nhanh và sớm hơn cho chúng tôi ở đây”. Phát biểu sau khi tới Thượng Hải ngày 27/3, mở màn cho chuyến thăm lịch sử kéo dài 12 ngày, ông nhấn mạnh: “Nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan đều có nguồn gốc Trung Hoa, đều là hậu duệ người Hán, con cháu Hiên Viên Hoàng đế”.

Trên thực tế, động thái và tuyên bố của cựu lãnh đạo Đài Loan là có thể hiểu được nếu nhìn vào những gì ông từng thực hiện trong thời gian tại nhiệm 2008-2016 của mình. Tháng 11/2008, tạp chí Time (Mỹ) nhận định chỉ trong ba tháng kể từ khi ông Mã cầm quyền, “quan hệ giữa hai bờ eo biển đã tiến nhanh chưa từng có sau hơn sáu thập kỷ đối đầu”.

Ông đã mở các chuyến bay thuê bao giữa hai bờ eo biển, giảm bớt hạn chế với đầu tư của công ty Đài Loan ở đại lục, cho phép nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phiếu tại sàn chứng khoán Đài Loan. Thậm chí, tháng 7/2015, trên cương vị người đứng đầu Đài Loan, ông đã có cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore. Vì thế, chuyến đi của ông Mã có thể là cột mốc lớn, song lại không có yếu tố bất ngờ.

Tuy nhiên, hoạt động của bà Thái Anh Văn ở Mỹ, lại cho thấy một câu chuyện khác. Đây là lần thứ bảy bà quá cảnh tại xứ cờ hoa với tư cách người đứng đầu Đài Loan và lần thứ 29 một lãnh đạo Đài Loan đương nhiệm hành động như vậy.

Khác biệt ở chỗ lần này, bà có thể gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Khi đó, đây sẽ là hoạt động tiếp xúc cấp cao nhất giữa quan chức hai bên trong các chuyến quá cảnh của lãnh đạo Đài Loan.

Vì thế, có ý kiến lo ngại cuộc gặp sẽ “chính thức hóa” hoạt động của bà Thái Anh Văn tại Mỹ, thậm chí còn tạo ra một “khoảnh khắc Pelosi” mới, đẩy căng thẳng về vấn đề Đài Loan lên cao hơn.

Hành động tưởng chừng thông lệ nhưng ẩn chứa khả năng làm nên lịch sử là vậy.

Kế Thông

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/van-de-dai-loan-lich-su-va-thong-le-221657.html