Vấn đề dân quan tâm thì Quốc hội phải thảo luận cho dân giám sát

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều này khi cho rằng cần tường thuật trực tiếp phiên Quốc hội thảo luận về giải quyết khiếu nại tố cáo.

Chiều nay (18/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá 14. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 23 ngày, khai mạc vào ngày 23/10/2017.

Tường thuật trực tiếp thảo luận về giải quyết tố cáo

Bày tỏ đồng tình với việc bố trí thời gian thảo luận ở hội trường về giải quyết khiếu nại tố cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, vấn đề dân quan tâm nên dành thời gian thảo luận cho dân nghe để người dân thấy trách nhiệm của Quốc hội và cơ quan Nhà nước giải quyết thế nào; đồng thời với đơn thư không đúng sự thật, những việc tập trung đông người không đúng luật dân nghe cũng hiểu và ủng hộ cơ quan nhà nước, cơ quan tiếp dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

“Chúng ta nói nhiều về đơn thư chuyển lòng vòng, dân khiếu kiện đông người tiếp tục diễn ra phức tạp nhưng Quốc hội chưa dành thời gian thảo luận, dù chúng ta cũng dành thời gian làm rất nhiều về vấn đề này” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng thảo luận 2 ngày về KT-XH là thoả đáng. Nhưng thực tế cho thấy số lượng đại biểu đăng ký nhiều nên có thể xem xét tăng thêm 1,5 tiếng đồng hồ, làm sao để đại biểu có nội dung thảo luận được phát biểu trên hội trường là tốt nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình việc tường thuật trực tiếp phiên thảo luận về báo cáo giải quyết khiếu nại tố cáo để nhân dân giám sát và qua đó hiểu thêm về sự phức tạp của vấn đề này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định thì đề cập vấn đề điều hành, cho rằng khi thảo luận về dự án luật thì khi ra Quốc hội không nên nói thêm về sự cần thiết ban hành hay sửa đổi luật nữa, mà tập trung góp ý thẳng vào nội dung.

“Có đại biểu 7 phút phát biểu mất 6 phút nói sự cần thiết, nói tình hình. Ra Quốc hội mà nói sự cần thiết thì mất nhiều thời gian lắm!”, ông Nguyễn Khắc Định nói.

Về các báo cáo tư pháp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, "tổng của cái công khai thì phải công khai chứ không phải là “mật”. Việc cứ đóng dấu mật sẽ hạn chế tiếp cận của cử tri và cũng khiến Uỷ ban gặp khó khi phải đóng dấu mật". Do đó, bà Lê Thị Nga đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội thông báo cơ quan tư pháp khi làm báo cáo tách riêng các số liệu mật.

Có nên nêu tên đại biểu vắng mặt?

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại một số phiên họp của kỳ họp vẫn còn tình trạng vắng nhiều đại biểu Quốc hội, ảnh hưởng nhất định chất lượng của phiên họp và kết quả biểu quyết thông qua của Quốc hội.

Tổng thư ký đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các vị Trưởng Đoàn quán triệt đến đại biểu Quốc hội trong Đoàn nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân cả nước để tham dự đầy đủ các phiên họp của Quốc hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cơ quan thông tin đại chúng cũng nêu, đại biểu ngồi nhìn xung quanh quan sát cũng thấy đúng là có phiên vắng khá nhiều. Ngoài các lãnh đạo cấp cao vắng có lý do, cán bộ địa phương bận điều hành thì cũng có một số người thuộc “nghỉ cũng được mà không nghỉ cũng được”. Có ý kiến nói đưa lên bảng điện tử công khai để cử tri theo dõi thì số đại biểu dự họp tăng lên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phần kết luận phiên thảo luận cho rằng, số đại biểu vắng mặt thường có lý do. Tại mỗi kỳ họp đều quán triệt hạn chế đại biểu đi công tác nước ngoài, trừ dự hội nghị quốc tế là bất khả kháng.

“Chúng ta không quá nặng nề vấn đề này nhưng sẽ nhắc trưởng đoàn quán triệt để tăng cường trách nhiệm. Rồi tránh việc đại biểu vào họp rồi mà lấy báo ra đọc, truyền hình quay hết, chúng tôi ngồi trên này cũng biết hết”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý./.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có 3 dự án luật được rút ra khỏi dự kiến chương trình, gồm: Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Luật thuế bảo vệ môi trường. Như vậy, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.

Bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Trong những nội dung gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu có báo cáo kết quả giải quyết thu hồi sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để xử lý việc quá tải của sân bay và giao thông khu vực xung quanh sân bay.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/chinh-tri/van-de-dan-quan-tam-thi-quoc-hoi-phai-thao-luan-cho-dan-giam-sat-672747.vov