Vấn đề di cư tiếp tục gây nhức nhối tại châu Âu

Đầu tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Enzo Moavero Milanesi đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần nhanh chóng đưa ra kế hoạch để giải quyết hàng loạt vấn đề nảy sinh từ dòng người di cư ồ ạt đổ về Italy. Bên cạnh đó, Italy cũng kiến nghị các đề xuất nhằm tái cơ cấu các phương án ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư đang làm căng thẳng mối quan hệ giữa Italy và các nước láng giềng EU.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Tây Ban Nha phát nước uống cho người di cư tại bến cảng Tarifa, Tây Ban Nha, tháng 7-2018. Ảnh: AFP

Phát biểu với báo chí, ông Enzo Moavero Milanesi cho biết, phương án đầu tiên là các trung tâm của EU có địa điểm nằm ngoài khối và đặt tại các nước di cư sẽ tiếp nhận các đơn xin tị nạn. Sau khi được xác nhận đủ điều kiện tị nạn, những người tị nạn sẽ lên các chuyến bay dành riêng cho việc di cư; do đó, người tị nạn sẽ tránh rơi vào cạm bẫy của tội phạm buôn người và trải qua hành trình trên biển đầy nguy hiểm trên các con tàu di cư. Theo ông Enzo Moavero Milanesi, mục tiêu cư trú của người di cư không phải ở Italy hay Hy Lạp; vì vậy, các nước EU cần tiếp nhận đồng đều số lượng người di cư. Đồng thời, ông Enzo Moavero Milanesi cũng đề nghị lực lượng cảnh sát và an ninh châu Âu nên phối hợp để chống lại nạn buôn người và đề xuất EU cần đầu tư nhiều hơn để củng cố cơ sở hạ tầng cho các quốc gia có đông người di cư.

Mới đây, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) cũng đã lên tiếng đề nghị, EU cần khôi phục công tác cứu hộ người di cư và có kế hoạch thiết lập cơ chế mới tiếp nhận người di cư, san sẻ trách nhiệm giữa các nước thành viên EU trong vấn đề người di cư. Số liệu của EU cho thấy, từ tháng 11-2014 đến tháng 2-2018, Cơ quan kiểm soát biên giới Frontex của EU đã tiến hành Chiến dịch Triton; trong đó, đã cứu nạn được 150.000 người di cư trên vùng biển Địa Trung Hải.

Gần đây, các động thái miễn cưỡng tiếp nhận người di cư từ các tàu cứu hộ trên Địa Trung Hải của Italy và Man-ta đã lại dấy lên những vấn đề nhức nhối trong việc chia sẻ gánh nặng di cư giữa các quốc gia thành viên EU. Chính phủ Italy đe dọa sẽ ngừng việc đăng ký cho người di cư di chuyển đến các thành phố khác của châu Âu – động thái vi phạm Hiệp định Dublin của EU – quy định người di cư phải xin tị nạn tại quốc gia họ đặt chân tới đầu tiên. Kể từ khi chính phủ dân túy cầm quyền vào năm ngoái, Italy đã đóng cửa các cảng biển chuyên tiếp nhận tàu di cư, khiến các tàu thuyền di cư phải lênh đênh trên biển nhiều ngày.

Đầu tháng 7-2019, Italy, Đức và Hà Lan đã xảy ra tranh cãi, sau khi cảnh sát Italy tạm giữ thuyền trưởng của một tổ chức phi chính phủ Đức chở người di cư cập cảng đảo Lampedusa của Italy mà chưa được cho phép. Sau nhiều ngày căng thẳng ngoại giao, Đức và các nước EU đã chấp nhận yêu cầu của Italy bằng cách tiếp nhận người di cư trên tàu. Rome cũng cáo buộc Pháp đã gửi lại Italy hàng nghìn người di cư Libya vượt biên từ biên giới Italy sang Pháp. Sự việc đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước láng giềng xung quanh cuộc nội chiến tại Libya.

Trước đây, Ủy ban châu Âu từng đề xuất các cơ chế khác nhau để các nước EU sản sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư. Nhưng một số quốc gia, chủ yếu ở Trung và Đông Âu, đã từ chối thực hiện theo các đề xuất của EU. Thay vì tìm biện pháp cải cách Hiệp định Dublin do thiếu sự đồng thuận, EU lại đang tăng cường các biện pháp ngăn chặn người di cư từ bên ngoài biên giới như tăng lực lượng bảo vệ biên giới biển và đất liền, hỗ trợ tài chính cho các quốc gia di cư... Như vậy, theo nhiều chuyên gia nhận định, trong những tháng tới đây, Italy sẽ tiếp tục có những hành động gây áp lực để các nước EU khác tiếp nhận thêm người di cư cho đến khi EU xem xét cải cách Hiệp định Dublin.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/van-de-di-cu-tiep-tuc-gay-nhuc-nhoi-tai-chau-au/