Vấn đề già hóa dân số

Trong chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, công tác xã hội (CTXH) được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, đóng vai trò mấu chốt, là phương tiện hiệu quả trong thực thi các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà tại hội thảo “Công tác xã hội thích ứng với bối cảnh già hóa dân số” tại Hải Dương.

Toàn cảnh hội thảo.

Theo Tổng cục Thống kê (2016) và Liên hợp quốc (2017), Việt Nam sẽ là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Châu Á với thời gian chuyển từ giai đoạn dân số “bắt đầu già” (tỷ lệ người từ 60 tuổi chiếm 15% tổng dân số) sang “dân số già” (tỷ lệ người từ 60 tuổi chiếm 20% tổng dân số) chỉ có 18 năm – rất ngắn so với nhiều nước khác, như Pháp cần 115 năm, Thụy Điển cần 85 năm, Hoa Kỳ cần 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc cần 26 năm… Dự báo, chỉ số già hóa sẽ vượt ngưỡng 100 vào năm 2032, tức là thời điểm mà Việt Nam bắt đầu có dân số cao tuổi nhiều hơn dân số trẻ em.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB- XH cho biết, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Tuổi thọ trung bình ở nước ta đã tăng từ 68,6 tuổi (1999) lên tới 73,2 tuổi (2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050. Tính đến hết năm 2017, cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi, chiếm 11,95% dân số. Trong số đó, có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số người cao tuổi).

Từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức bước vào quá trình già hóa dân số. Dự báo, nước ta sẽ chỉ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số (tức là chuyển từ giai đoạn “đang già” sang “già”), thậm chí đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH phát biểu tại hội thảo

Còn theo TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, năm 2017 thế giới cứ 8 người thì có 1 người từ 60 trở lên; Việt Nam cứ 9 người thì có 1 người từ 60 trở lên. Đến năm 2030, thế giới cứ 6 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên; Việt Nam cứ 6 người thì có 1 người từ 60 trở lên. Dự báo đến năm 2050, thế giới cứ 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên; Việt Nam cứ 4 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá: “Trong chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, CTXH được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, đóng vai trò “cầu nối” chủ chốt, là phương tiện hiệu quả trong thực thi các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, CTXH đối với người cao tuổi hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Phần lớn các chính sách đối với người cao tuổi hiện mới chỉ chú trọng tính trợ cấp, cứu trợ, còn các hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho người cao tuổi (với sự tham gia của người cao tuổi) còn mang tính phong trào. Hơn nữa, CTXH với các loại hình dịch vụ chuyên môn về chăm sóc người cao tuổi ở nước ta còn thiếu và yếu.

Chưa nói, nhận thức và thái độ của các cá nhân, gia đình và cộng đồng về CTXH đối với người cao tuổi còn nhiều hạn chế; đa số vẫn còn coi CTXH là sự trợ giúp, cách nhìn nhận vấn đề liên quan đến CTXH của cá nhân, cộng đồng với người cao tuổi vẫn còn mang tính chất từ thiện, phong trào.

Trong tương lai gần, nước ta sẽ có hàng triệu người cao tuổi cần đến sự hỗ trợ xã hội với các nhu cầu đa dạng. Việc hoàn thiện hệ thống chính sách trợ cấp xã hội và hoàn thiện các chương trình cung ứng dịch vụ CTXH trong chăm sóc người cao tuổi là rất cần thiết nhằm đảm bảo an sinh và nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi. Việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của CTXH đối với người cao tuổi để ứng phó với quá trình già hóa dân số là điều cấp bách và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Trao giải báo chí viết về CTXH.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh nhận thức về CTX với người cao tuổi. Đó là nêu bật được những thách thức của quá trình già hóa dân số hiện nay; tác động của công tác xã hội đối với người cao tuổi; tiếp thu kinh nghiệm xây dựng và triển khai CTXH đối với người cao tuổi của một số nước cũng như các vấn đề cần lưu lý trong công tác truyền thông về vấn đề này, những hạn chế, khó khăn trong công tác tuyên truyền.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về việc phát triển BHXH và vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, nhất là BHXH tự nguyện. Ðó là một trong những biện pháp “lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ”. Mặt khác, cần tăng cường thời lượng, mở nhiều chuyên mục đưa tin và mạnh dạn đề xuất các ý kiến hay, kiến nghị phù hợp tạo điều kiện cho người cao tuổi được tiếp tục tham gia hoạt động kinh tế, từ đó mới giải quyết được vấn đề già hóa dân số trước mắt.

TRẦN HỒ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/van-de-gia-hoa-dan-so-post235290.html