Vấn đề nan giải

Lâu nay, cam Vinh, tương Nam Đàn, nước mắm Cửa Hội, hay buởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh..., vốn là những thương hiệu nổi tiếng, nhưng người tiêu dùng không tìm thấy trong các siêu thị. Việc đưa hàng hóa, nhất là những sản phẩm công nghiệp nông thôn vào hệ thống siêu thị là vấn đề nan giải của các doanh nghiệp (DN) nhỏ.

CôngThương - Doanh nghiệp “kêu” khó

Lý do khiến các mặt hàng công nghiệp nông thôn ở Nghệ An khó có mặt ở các siêu thị là bởi các siêu thị đều đưa ra một quy trình hết sức chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ và điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng phải có thương hiệu, được các cơ quan chức năng cấp phép...

Nhiều DN e ngại khi ký gửi hàng vào siêu thị bởi phải cạnh tranh nhiều mặt hàng cùng loại, thủ tục khắt khe và phải tuân theo nhiều quy định của các siêu thị. Ngay như Công ty Thủy sản nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu), mặc dù đã có kinh nghiệm bán hàng ở các siêu thị từ năm 2004, nhưng mới đây cũng đã từ bỏ ý định làm nhà cung cấp cho một siêu thị “ngoại” mới mở ở TP.Vinh bởi một loạt các chi phí mà siêu thị này yêu cầu … Ông Võ Văn Đại - Giám đốc công ty - thẳng thắn: Mình làm ăn nhỏ, vốn ít, lượng tiêu thụ thấp nên vào siêu thị để cạnh tranh được với các mặt hàng cùng loại rất khó. Nếu trừ hết các chi phí, thì khó có lời.

Hay như nước mắm Cửa Hội, dù đã có thương hiệu, uy tín nhưng thay vì chọn kênh bán hàng trong các siêu thị, công ty lựa chọn hình thức bán hàng trực tiếp đến từng hộ dân vì “vừa nhanh, vừa thu được tiền ngay” - ông Trần Đức Tiềm - Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến Thủy sản Cửa Hội - nói. Ở DN Lực Lam (Nghi Đồng, Nghi Lộc), mặc dù là công ty được siêu thị BigC, Metro tìm đến để yêu cầu cung cấp các mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, trứng nhưng thời gian từ khi hai bên đàm phán đến khi ký kết được hợp đồng tiêu thụ đã mất gần 4 tháng. Trong thời gian đó, công ty phải lo các thủ tục từ giấy phép kinh doanh, giấy đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, phải đầu tư gần 1 tỷ đồng để mua 2 ôtô đông lạnh, bởi quá trình vận chuyển 100% phải ở nhiệt độ đông lạnh, rất tốn kém.

Đưa sản phẩm sản xuất tại địa phương chiếm lĩnh thị trường là mơ ước của nhiều DN. Bộ Công Thương cần bổ sung kinh phí xúc tiến thương mại để xây dựng cơ sở hạ tầng ở các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại; quan tâm tới các sản phẩm đặc thù riêng của mỗi vùng miền; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.

“Người trong cuộc” nói gì?

Khẳng định các siêu thị không quay lưng với hàng sản xuất tại địa phương, nhưng ông Trần Quốc Hoàn - Giám đốc Chi nhánh Intimex Nghệ An đưa ra lý do: “DN cần phải đảm bảo các tiêu chí về xuất xứ, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… để sau khi mua hàng, nếu chẳng may gặp sự cố, người tiêu dùng tìm các thông tin trên bao bì để kiến nghị. Thế nhưng hiện nay, tại Nghệ An số mặt hàng có đăng ký thương hiệu và đầy đủ các thủ tục chỉ đếm trên đầu các ngón tay. Siêu thị Intimex Nghệ An muốn đầu tư vào một vài thương hiệu để trở thành nhà cung cấp “độc quyền” nhưng lại không được ủng hộ”.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng bộ phận tươi sống, siêu thị BigC - chia sẻ: “Hiện siêu thị có 3 nhà cung cấp của Nghệ An cung ứng rau, thịt gà, trứng, thịt lợn nhưng số lượng nhỏ, hàng không phong phú như các sản phẩm đến từ các tỉnh khác. Trước đó, cam Vinh, cá mực Cửa Lò cũng đã có mặt tại đây nhưng sau đó vì không đáp ứng đủ các điều kiện nên đành phải từ bỏ. Không có hàng, công ty phải lấy rau xanh từ Đà Lạt, hải sản ở Đà Nẵng....”.

Để tìm đầu ra ổn định, lâu dài cho hàng sản xuất ở địa phương, việc xây dựng thương hiệu, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện, phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức của các nhà sản xuất và các hộ kinh doanh. Về phía các siêu thị, cần có sự phối hợp để tư vấn, hướng dẫn cụ thể cho các nhà sản xuất, có cơ chế ưu tiên cho hàng của địa phương, đặc biệt là những mặt hàng truyền thống, “độc quyền”.

Hoàng Trinh

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-trong-nuoc/39755/van-de-nan-giai.htm