Vấn đề nhức nhối sau đối đáp của Greta với 'kẻ nguy hiểm nhất TikTok'

Màn đối đáp giữa Greta Thunberg và 'người đàn ông nguy hiểm nhất TikTok' nhắc nhở thế giới về mối liên hệ giữa sự nam tính độc hại và tâm lý khước từ các hành động vì môi trường.

Vào ngày 27/12/2022, Andrew Tate - 36 tuổi, người theo chủ nghĩa thù ghét phụ nữ, được mệnh danh là “kẻ nguy hiểm nhất trên TikTok” - đã đăng một dòng tweet khoe khoang với nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg, 19 tuổi, về bộ sưu tập xe thể thao của mình.

“Vui lòng cung cấp địa chỉ email để tôi có thể gửi danh sách đầy đủ bộ sưu tập ôtô của mình, và lượng khí thải khổng lồ mà chúng tạo ra”, Tate viết.

Có lẽ Tate muốn "nâng bản thân lên" một cách kệch cỡm bằng cách chế giễu cam kết về khí hậu của Thunberg. Tuy nhiên, nhà hoạt động khí hậu trẻ tuổi đã "dập tắt" mong muốn của influencer 36 tuổi chỉ với vài từ.

“Được thôi, hãy khai sáng cho tôi. Gửi email cho tôi theo địa chỉ smalldickenergy@getalife.com”, Thunberg đáp trả.

Câu trả lời của nhà hoạt động Gen Z người Thụy Điển đã nhanh chóng trở thành một trong 10 tweet hàng đầu mọi thời đại.

Tính đến ngày 1/1, nó đã thu hút 3,8 triệu lượt thích và hơn 680.000 lượt chia sẻ, trở thành chủ đề của các câu chuyện thời sự trên khắp thế giới, từ Ấn Độ đến Australia.

Sự nam tính thái quá

Theo cây bút Rebecca Solnit của tờ Guardian, nhiều đàn ông thường coi là biểu tượng thể hiện sự nam tính và địa vị của bản thân.

Hình ảnh và dòng tweet của Tate cho thấy mối liên hệ giữa sự nam tính thái quá (machismo) và tâm lý phủ nhận các hành động chống biến đổi khí hậu.

Đó là kết quả của việc quy chụp sự ích kỷ và thờ ơ - biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân cực đoan - là đặc điểm của sự nam tính, từ đó dẫn đến tâm lý bài xích các hành động vì lợi ích tập thể.

 Hình ảnh được Andrew Tate đăng trên Twitter. Ảnh: Twitter.

Hình ảnh được Andrew Tate đăng trên Twitter. Ảnh: Twitter.

Hiện tượng này từng được đề cập trong một nghiên cứu đăng trên Scientific American vào năm 2017, với tiêu đề: “Nam giới chống lại những hành động xanh vì cho rằng những hành động như vậy là thiếu nam tính”. Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 2.000 người Mỹ và Trung Quốc.

Theo nghiên cứu này, phụ nữ đang đi trước nam giới trong các hành động vì môi trường. Ở các nhóm tuổi và quốc gia khác nhau, phụ nữ có xu hướng theo đuổi lối sống thân thiện với môi trường hơn. So với nam giới, phụ nữ cũng xả rác ít hơn, tái chế nhiều hơn và tạo ra lượng khí thải carbon ít hơn.

Một số nhà nghiên cứu đã gợi ý rằng sự khác biệt về tính cách, chẳng hạn ưu tiên lòng vị tha của phụ nữ, có thể giúp giải thích khoảng cách giới trong các hành động xanh.

Trong khi đó, nam giới có thể tránh xa hành vi thân thiện với môi trường, vì tưởng rằng như vậy mới bảo vệ sự nam tính của họ. Một số lo lắng rằng những hành vi thân thiện với môi trường có thể bị coi là nữ tính.

Do khuôn mẫu lệch lạc này, cả nam giới và phụ nữ đều đánh giá các sản phẩm, hành vi và người tiêu dùng thân thiện với môi trường nữ tính hơn so với những người khác.

Chẳng hạn, nhiều người tham gia nghiên cứu cho biết việc đeo túi vải có thể tái sử dụng đến cửa hàng tạp hóa nữ tính hơn so với dùng túi nylon.

Lời nhắc nhở nghiêm khắc

Để xác định cách giúp nam giới có ý thức hơn về môi trường, Mathew Isaac, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Albers thuộc Đại học Seattle, cùng nhóm nghiên cứu của ông đã thử nghiệm việc sử dụng thương hiệu nam tính để "giảm bớt sự xa lánh của nam giới với các hành động xanh".

Họ phát hiện những người đàn ông tham gia nghiên cứu nhiều khả năng sẽ quyên góp cho một tổ chức phi lợi nhuận tên Wilderness Rangers - có logo đậm với hình một con sói, hơn là một tổ chức tên Friends of Nature - có logo màu xanh lục và nâu nhạt.

Nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg. Ảnh: Guardian.

Song kết quả của những nghiên cứu này cũng cho thấy một vấn đề nhức nhối khác. Phó giáo sư Carrie Preston - nghiên cứu về Phụ nữ, Giới tính và Tình dục tại Đại học Boston - nói với Washington Post rằng việc nam giới từ chối các hành động xanh vì họ cho rằng trông hành động đó nữ tính là điều đáng lo ngại.

“Điều đó ám chỉ rằng (những người đàn ông đó coi) những gì nữ tính là xấu, thấp kém hơn, và là hạng hai”, bà nhận định. "Mặc dù vai trò của nam và nữ giới đã thay đổi đáng kể, (quan niệm) về sự nam tính vẫn không thay đổi nhiều".

Trở lại màn đối đáp giữa Thunberg và Tate, rõ ràng câu trả lời của nhà hoạt động khí hậu đã khiến influencer này khó chịu. Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg đã thẳng thừng gửi thông điệp tới Tate trên Twitter rằng anh ta “hãy sống cho tử tế” sau khi video khiêu khích của Tate.

10 giờ sau dòng tweet của Thunberg, Tate đăng một video phô trương với một điếu xì gà và hộp bánh pizza, như để khẳng định lại sự nam tính và địa vị của mình. Trong video, anh ta nhấn nhá rằng cần phải chắc chắn chiếc hộp pizza này không thể “tái chế”.

Không lâu sau đó, Tate cùng em trai Tristan bị bắt giữ với cáo buộc buôn người, hiếp dâm và thành lập nhóm tội phạm có tổ chức.

Andrew Tate bị bắt giữ cùng em trai, Tristan, sau khi cảnh sát đột kích nhà của họ ở thủ đô Romania. Ảnh: Reuters.

Một số tài khoản Twitter đồn đoán rằng hộp bánh pizza xuất hiện trong video đã giúp cảnh sát Romania tìm ra vị trí của người đàn ông này. Mặc dù cơ quan chống tội phạm (DIICOT) của Romania đã phủ nhận thông tin này, trò đùa về hộp pizza của Tate vẫn không dừng lại và trở thành mục tiêu chế giễu.

Vào sáng 30/12/2022, Thunberg đã tweet: “Đây là điều sẽ xảy ra khi bạn không tái chế hộp bánh pizza của mình”.

Theo bà Solnit, màn đối đáp hài hước của nhà hoạt động khí hậu 19 tuổi là lời nhắc nhở nghiêm khắc về mối liên hệ giữa sự nam tính thái quá, tâm lý thù ghét phụ nữ với thái độ khước từ các hành động về khí hậu.

Và thế giới "ngầm" của những người như Tate vẫn đang mở rộng.

Video cảnh sát đột kích nhà người đàn ông nguy hiểm nhất TikTok "Người đàn ông nguy hiểm nhất trên TikTok" Andrew Tate cùng em trai Tristian đã bị cảnh sát Romania đột kích và bắt giữ tại Bucharest ngày 29/12.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-de-nhuc-nhoi-sau-doi-dap-cua-greta-voi-ke-nguy-hiem-nhat-tiktok-post1390113.html