Vân Đồn: 'Cửa ngõ' trung chuyển hàng vào Đông Nam Á

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Vân Đồn được Chính phủ định hướng tập trung phát triển cảng hàng không, vận tải hàng không; đẩy mạnh phát triển ngành logistics để đưa Vân Đồn trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần đẳng cấp thế giới, cửa ngõ trung chuyển hàng hóa vào khu vực Đông Nam Á.

Khơi dậy tiềm năng thương cảng Vân Đồn

Là huyện miền núi - hải đảo, được hình thành bởi trên 600 hòn đảo lớn, nhỏ nằm trong quần thể vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long, Vân Đồn từng là thương cảng đầu tiên, nơi trao đổi hàng hóa sầm uất nhất của Việt Nam. Qua thời gian, thương cảng Vân Đồn suy yếu do biến thiên của lịch sử. Nhưng, ngày nay, thương cảng xưa đang dần được “đánh thức”, kỳ vọng sẽ là động lực phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh với hàng loạt công trình lớn được đầu tư và đưa vào khai thác.

Đến với Vân Đồn, dễ nhận thấy một sự đổi thay rất lớn về diện mạo hạ tầng giao thông, cầu đường, nhà cửa khang trang, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều công trình lớn, hiện đại. Trong đó, phải kể tới cảng Cái Rồng, một cảng chính trong thương cảng Vân Đồn sau thời gian đầu tư, nâng cấp nay đang là nơi cập bến tấp nập của tàu bè; tiếp đến là dự án khu đô thị Phương Đông tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng, có tổng diện tích sử dụng đất là 1.714.252m2 đã được quy hoạch và triển khai quy mô, bề thế.

Đột phá và mang tính bước ngoặt không chỉ của Vân Đồn mà còn của tỉnh Quảng Ninh chính là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức được đưa vào khai thác năm 2018 với mức vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, công suất thiết kế giai đoạn đầu là 2,5 triệu khách/năm và sẽ tăng lên 5 triệu khách/năm vào năm 2030. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được tỉnh Quảng Ninh xem là “cú huých” quan trọng phát triển kinh tế tỉnh một cách bền vững; là cửa ngõ quan trọng đón khách du lịch và các nhà đầu tư quốc tế đến với Quảng Ninh; giúp lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho Quảng Ninh dễ dàng kêu gọi thu hút đầu tư vào KKT Vân Đồn cũng như kết nối thuận lợi hơn với các trung tâm phát triển khác của khu vực Đông Nam Á và cả nước.

Bên cạnh đó, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - một công trình giao thông quan trọng đã được đưa vào khai thác dài gần 60 km, đi qua TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả, huyện Vân Đồn và huyện Hoành Bồ, có tổng mức đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, đã góp phần giảm tải lưu lượng cho quốc lộ 18, rút ngắn thời gian lưu thông từ Hạ Long đến Vân Đồn chỉ còn 50 phút thay vì 90 phút như trước. Cùng với đó là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80km đang được khởi công, đây chính là mảnh ghép cuối cùng để hoàn thiện tuyến giao thông gắn kết với KKT Cửa khẩu Móng Cái…

Hướng tới trung tâm logistics của tỉnh

Trên cơ sở thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông thuận lợi, trong Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa Vân Đồn trở thành trung tâm tài chính phát triển của châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Quy hoạch, Chính phủ định hướng, cơ cấu kinh tế của Vân Đồn sẽ chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng, thu hút nhân lực và khoa học, công nghệ chất lượng cao, điển hình như du lịch, dịch vụ văn hóa và sáng tạo, sản xuất và hậu cần. Tập trung phát triển và kinh doanh cảng hàng không, đẩy mạnh phát triển logistics, đưa Vân Đồn trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần đẳng cấp thế giới, trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa vào khu vực Đông Nam Á.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển logistics của Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH KKT Vân Đồn, Kế hoạch hành động số 14/KH-UBND ngày 28/7/2017 của tỉnh Quảng Ninh về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, Vân Đồn được lựa chọn xây dựng là 1 trong 6 trung tâm logistics của tỉnh, kết nối chuỗi cảng hàng không Vân Đồn - cảng Hòn Nét (TP. Cẩm Phả)

Trao đổi về cơ hội phát triển dịch vụ logistics của Vân Đồn, ông Trương Mạnh Hùng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh - cho biết: KKT Vân Đồn luôn được tỉnh Quảng Ninh dành nguồn lực phát triển cùng với chính sách ưu đãi đầu tư, tạo ra nhiều thế mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển.

Vân Đồn đang chuyển mình rất nhanh, nhất là sự xuất hiện của hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm, cơ hội thu hút đầu tư về dịch vụ logistics tại Vân Đồn vì thế rất rộng mở. Gần đây, Vân Đồn đang được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất xây dựng Khu chế xuất dược liệu của Việt Nam, tiến tới tạo cơ sở cho các hoạt động lưu thông hàng hóa qua cảng hàng không, bến cảng, kho bãi trên địa bàn” - ông Trương Mạnh Hùng nhận định.

Trên cơ sở lợi thế của Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hiện đang tích cực kêu gọi, lựa chọn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn đến đầu tư, qua đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ logistics cũng như kinh tế Vân Đồn phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, hiện tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp một số tuyến đường ven biển Vân Đồn; sẽ tập trung thu hút đầu tư xây dựng cảng tổng hợp Hòn Nét - Con Ong, cảng tổng hợp phía bắc đảo Cái Bầu; nâng cấp và mở rộng cảng Cái Rồng, hoàn thiện bến cảng Quan Lạn, cảng Cồn Trụi...

Ông Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn - cho hay, thực tế hoạt động dịch vụ logistics ở Vân Đồn đang ở dạng tiềm năng, song dựa trên cơ sở quy hoạch về phát triển kinh tế, cũng như định hướng trở thành 1 trong 6 trung tâm logistics của Quảng Ninh; nhiều công trình hạ tầng đi vào khai thác thì cơ hội phát triển dịch vụ logistics của Vân Đồn đang hết sức rất thuận lợi. “Tuy nhiên, để logistics phát triển, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục thúc đẩy kêu gọi đầu tư về các công trình hạ tầng như giao thông, kho bãi, cảng biển tại Vân Đồn; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các dự án công trình quan trọng đang khởi công…” - ông Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh.

Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng KKT Vân Đồn trở thành trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực với trọng tâm phát triển là ngành dịch vụ và các ngành sử dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, phát triển ngành nghề mới, công nghệ mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ logistics, du lịch cao cấp, công nghiệp công nghệ cao…

Hoa Quỳnh - Đức Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/van-do-n-cua-ngo-trung-chuyen-hang-vao-dong-nam-a-128601.html