Vân Đồn trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi có hàng chục bài thơ viết về những cửa biển của nước ta, với một nhiệt tình yêu nước và tự hào dân tộc sâu đằm. Và đặc sắc nghệ thuật, cũng thật là hiếm thấy! Vân Đồn, chính là một trong những bài thơ như vậy!

Núi Vân Đồn ở Quảng Yên. Sách An Nam chí chép: “Vân Đồn tức là núi Đoạn Sơn ở huyện Vân Đồn. Ở đấy có hai ngọn núi đối diện nhau, khoảng giữa có một dòng nước chảy suốt. Tại đó, người ta lấy gỗ cắm cừ làm “thủy môn”, hai bên bờ có dân ở. Đời Lý có tù trưởng các nước Qua Oa, , Xiêm La đến đậu thuyền ở đấy để cư ngụ buôn bán”

Đường vào Vân Đồn núi rồi lại núi,
Trời lồng lộng, đất đặt thành một cảnh kỳ quan.
Mặt nước như tấm sắc lam sắc biếc, kính sáng trong vắt,
Muôn hộc sắc đen sắc xanh, tóc thúy từng chòm rủ xuống.
Vũ trụ bỗng rửa sạch bụi bặm của núi và biển,
Sóng gió không lay chuyển được ruột gan sắt gang.
Trong tầm mắt nhìn thấy cỏ ở bờ xanh rờn,
Nghe nói, đó là vụng biển cho người Phiên đỗ tàu.

DỊCH THƠ

Bản dịch của Trần Đắc Thọ

Núi non trùng điệp tới Vân Đồn,
Tạo hóa khôn bày cảnh đẹp hơn.
Làn ánh biếc gương trong ánh bạc,
Hộc xanh đen, tóc xõa xanh rờn.
Đất trời vụt thắm màu non biển,
Sóng gió không chùn dạ sắt son.
Ngó phía bờ xa xanh mướt cỏ,
Người Phiên, vụng thấy, thả neo luôn.

Bản dịch của Bảo Định Giang

Đường Vân Đồn núi nối dài,
Kỳ quan đất đặt trời bày đẹp trông.
Một mâm lam biếc gương trong,
Đen, xanh muôn hộc xỏa vòng tóc mây.
Nước non tẩy sạch bụi bay,
Tấm lòng gang thép gió lay chẳng sờn.
Bến kia cỏ mọc xanh rờn,
Nghe đâu chỗ đậu thuyền buôn nước ngoài.

Bản dịch của Vũ Bình Lục

Vân Đồn đường núi quanh co,
Kỳ quan đất dựng trời cho tuyệt vời.
Mâm lam rủ kính sáng ngời,
Xanh đen muôn hộc tóc trời biếc xanh.
Tinh hoa vũ trụ sạch trong,
Phong ba chẳng chuyển tấm lòng sắt gang!
Bờ xa xanh rợn màu lam,
Cảng xưa thuyền khách buôn hàng vào ra...

Nguyễn Trãi có hàng chục bài thơ viết về những cửa biển của nước ta, với một nhiệt tình yêu nước và tự hào dân tộc sâu đằm. Và đặc sắc nghệ thuật, cũng thật là hiếm thấy! Vân Đồn, chính là một trong những bài thơ như vậy!

Vân Đồn, trước hết là một địa danh lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước. Đó là một quần đảo, ở phía đông vịnh Bái Tử Long, còn có tên xưa là đảo Lợn Lòi. Đời Trần, là huyện Vân Đồn, sau là tổng Vân Hải, thuộc huyện Nghiêu Phong, tỉnh Quảng Yên cũ. Ngày nay, Vân Đồn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, một địa chỉ du lịch nổi tiếng ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, tương lai sẽ là một trong vài ba đặc khu kinh tế, chính trị và văn hóa đặc biệt của đất nước.

Hai câu đầu là cảnh Vân Đồn ở tầng khái quát:

Lộ nhập Vân Đồn san phục san,

Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan.

Đường vào Vân Đồn, núi đứng núi ngồi, núi tiếp núi, “đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”, quanh co lượn vòng bên mép sóng, quả là một kỳ quan trời bày đất đặt (Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan)! Tác giả như muốn reo lên, lòng tràn ngập niềm tự hào hứng khởi, như ngỡ ngàng, như thể bắt gặp một điều kỳ diệu chưa từng thấy trong đời…

Hai câu 3 và 4, tả Vân Đồn ở cấp độ chi tiết, nhưng nhấn vào nét đặc trưng nhất, đấy là màu xanh, với những biến hóa khác nhau của sắc độ xanh. Có khi là Một tấm sắc lam sắc biếc, kính sáng trong vắt. Đấy là bóng núi in trong lòng biển xanh, dưới ánh sáng trong veo của ánh mặt trời. Có khi là muôn hộc sắc đen sắc xanh, tóc thúy từng chòm. Đấy là những chòm núi, như những nàng tiên bể, tranh nhau mà nhận chỗ ngồi chỗ đứng trên mặt biển, để tự khoe ra cái vẻ xuân, khi sắc đen, khi lại sắc xanh, và cả những mái tóc thúy tuyệt vời của mình trước mênh mang bốn bề trời nước. Trời xanh, nước xanh, núi xanh biến ảo màu xuân dưới nắng sáng mặt trời, muôn hình, muôn vẻ, thật kỳ ảo và tràn đầy sức sống hồn nhiên trong trẻo…

Hai câu 5 và 6, luận về vị thế của Vân Đồn, cả về tầm vóc thiên nhiên, tầm vóc lịch sử- địa lý- quân sự và cả thương mại nữa:

Vũ trụ bỗng rửa sạch bụi bặm của núi và biển,

Sóng gió không lay chuyển được ruột gan sắt gang.

(Vũ trụ đốn thanh trần hải nhạc,

Phong ba bất động thiết tâm can)

Vân Đồn đấy, như thể vũ trụ rộng lớn dồn cả vào đây, nén chặt vào đây, gạn cả vào đây, thành một vũ trụ thu nhỏ, hay một tiểu vũ trụ Vân Đồn vậy! Thêm nữa, Vũ trụ bỗng như thể đã rửa sạch bụi bặm của núi và biển. Mà gió và sóng (phong ba) cũng không thể lay chuyển được ruột gan sắt gang của con người, hay là ruột gan sắt gang của Vân Đồn, của dân tộc Đại Việt? Đó hẳn là một sự khẳng định, về ý chí của con người, của một địa danh lừng lẫy. Nguyễn Trãi từng viết Dư địa chí, từng hiểu sâu về vị trí Địa-Lịch sử-Quân sự và thương mại của Vân Đồn, nên Tiên sinh có ý nhắc thầm những chiến công chống giặc Nguyên Mông của quân dân nhà Lý, nhà Trần, đặc biệt là những chiến công tiêu diệt, hỏa thiêu binh đoàn vận tải của Trương Văn Hổ, do danh tướng lắm tài nhiều tật Trần Khánh Dư trực tiếp chỉ huy, ở chính cái cửa biển hiểm yếu này. Gió sóng không thể lay chuyển được tấm lòng sắt gang của tiền nhân, của quân dân Đại Việt, và có lẽ là cả chính tác giả Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc lừng danh mà “Ngòi bút có sức mạnh hơn mười vạn quân” (Phan Huy Chú), “Viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời” (Lê Quý Đôn), là khí phách, là tinh hoa của trí tuệ và tâm hồn người Đại Việt.

Hai câu kết, mang mang một niềm hoài cổ:

Vọng trung ngạn thảo thê thê lục,

Đạo thị Phiên nhân trù bạc loan.

(Nhìn vào trong, thấy cỏ ở bờ rờn rờn xanh,

Nghe nói, đó là vụng người Phiên đỗ tàu)

Thế là nhìn từ ngoài vịnh vào trong bờ, chỉ thấy một màu cỏ xanh rờn. Rõ là tác giả đang ngồi đang đứng trên một con thuyền, mà dạo quanh các hòn núi trong quần đảo Vân Đồn, ngắm cảnh núi non biển cả ở nhiều góc độ. Nhân một chuyến Quan duyệt thủy trận chăng? Nguyễn Trãi có một số bài thơ sáng tác nhân việc hộ tống nhà vua (chắc là vua Lê Thái Tông) xem duyệt thủy trận ở vùng Đông Bắc. Cũng có thể là một lần nào đó, Nguyễn Trãi trực tiếp đi kinh lý kiểm tra vùng Đông Bắc, khi ông được giao phụ trách quân dân hai đạo ở đây vào thời vua Lê Thái Tông trị vì, vào quãng từ năm 1440, đến trước tháng 8 năm 1442. Bài thơ Vân Đồn ra đời trong hoàn cảnh ấy chăng?

Câu cuối, nghe nói đó là vụng người Phiên đỗ Tàu! “Nghe nói”, thực ra chỉ là một tiểu tiết trong “mẹo” làm thơ mà thôi. Nguyễn Trãi thừa biết Vân Đồn đã là một thương cảng sầm uất ngay từ thời nhà Lý. Những ai từng đến thăm xã đảo Quan Lạn (gọi chệch từ chữ Quang lạn, nghĩa là sáng láng, rạng rỡ), Minh Châu ngày nay, nếu vào thắp nhang viếng đình Quang Lạn, thuộc huyện đảo Vân Đồn bây giờ, sẽ rõ thêm về địa danh này với lịch sử bang giao, thương giao, và cả giao tranh ở chính nơi đây, được ghi trên những câu đối sơn son thiếp vàng treo ngất ngưởng ở những chiếc cột đình to tướng. Được biết các cụ ta xưa thường gọi người nước ngoài là người Phiên, như người Trung Quốc gọi người các nước phương Tây và phương Bắc vậy! Vào thời Lý, Trần, tàu thuyền nước ngoài chỉ được phép đỗ ở vụng cảng Vân Đồn, cho nên Vân Đồn trở thành thương cảng quan trọng bậc nhất từ cái thời xa xưa ấy! Một chút hoài niệm lịch sử, chắc cũng đủ làm xao xuyến tâm hồn thi nhân.

Thơ Nguyễn Trãi là vậy, rất trữ tình, mà tình điệu suy tư hàm ẩn sâu xa, không chỉ đọc bằng mắt thường được!

Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/van-don-trong-tho-chu-han-cua-nguyen-trai-62472