Vận động loại bỏ sử dụng thủy ngân trong nha khoa

Ngày 14/5/2018, tại Băng Cốc – Thủ đô Thái Lan đã khai mạc Hội thảo toàn cầu về 'Thúc đẩy các Giải pháp Giảm thiểu Amalgam nha khoa theo Công ước Minamata và các Sáng kiến khác, đặc biệt vì Trẻ em, Phụ nữ và qua đó, vì những thế hệ tương lai'.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (14-15/5), do Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UN Environment) phối hợp với Liên minh Thế giới vì Nha khoa Không Thủy ngân (World Alliance for Mercury-free Dentistry) tổ chức, với sự góp mặt đại diện Chính phủ và các tổ chức xã hội, các nha sĩ và chuyên gia đến từ khắp các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ.

Đại diện Cục Hóa chất – Bộ Công thương, ông Lê Việt Thắng và 02 đại diện tổ chức phi chính phủ CCHIP (Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương), gồm PGS. TS. Nguyễn Huy Nga và Th.S Tô Thị Liên đã tham dự Hội thảo này.

Các đại diện Việt Nam tham gia hội thảo.

Hội thảo nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các sáng kiến cũng như những quan điểm từ các góc nhìn đa chiều xoay quanh chủ đề giảm thiểu tiến tới loại bỏ Amalgam nha khoa như một hợp chất chứa thủy ngân . Tại hội thảo, bà Desiree Narvaez, đồng thủ tọa Hội thảo, đại diện cho UN Environment, khẳng định Amalgam nha khoa là một vấn đề môi trường đáng quan tâm hiện nay, bởi sự phát thải Thủy ngân dưới nhiều hình thức. Các báo cáo trình bày tại Hội thảo nhấn mạnh sự cấp thiết phải giảm thiểu, tiến tới loại bỏ Amalgam ra khỏi các hoạt động điều trị nha khoa vì sức khỏe cán bộ y tế, sức khỏe người bệnh và để bảo vệ môi trường. Một số nha sĩ bị nhiễm độc thủy ngân trong Amalgam cũng được mời tham dự Hội thảo để minh chứng cho nguy cơ tác hại nghề nghiệp của Amalgam.

Tác hại của thủy ngân tới môi trường đã được khẳng định, là lý do mà đại diện Chính phủ của 128 quốc gia đã dự Hội nghị tại Thành phố Minamata, Nhật Bản tháng 10 năm 2013 và ký Công ước Minamata về Thủy ngân (chính Lãnh đạo Bộ Công thương của Việt Nam cũng đã dự Hội nghị và tham gia ký Công ước).

Vào tháng 6 năm 2017 Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và trở thành thành viên Công ước Minamata vào tháng 6 năm 2017. Theo đó, Việt Nam cần có các chiến lược giảm thiểu, thay thế Amalgam nha khoa (theo phụ lục A-II của công ước).

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng và Phòng chống chấn thương (CCHIP) là tổ chức Phi chính phủ duy nhất tại Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại, đang thực hiện một chiến dịch vận động loại bỏ sử dụng thủy ngân trong nha khoa. Sau một năm triển khai với rất nhiều sáng kiến và hoạt động, Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam đã ra khuyến cáo tới toàn thể thành viên Hội và các bác sĩ ngành răng hàm mặt nhằm ‘Chấm dứt sử dụng amalgam nha khoa trên trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú vào 01/07/2018, tiến tới một nền nha khoa không thủy ngân vào năm 2020’. Khuyến cáo được thông qua tại Hội nghị khoa học và đào tạo liên tục ngành Nha khoa lần thứ 6, tại Vinh ngày 26/4/2018.

Huy Nga – Tô Liên

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/van-dong-loai-bo-su-dung-thuy-ngan-trong-nha-khoa-n144239.html