Vận động trí thức nước ngoài: Cần 'chuyên nghiệp' hơn

Nhà nước cần 'chuyên nghiệp' hơn khi trả lương theo công việc cho trí thức Việt ở nước ngoài.

Việc trí thức Việt Nam tại nước ngoài muốn về nước để đóng góp công sức cho sự nghiệp phát triển đất nước, tuy nhiên, theo phản ánh, vẫn có nhiều rào cản khiến họ chán nản, về nước được một thời gian lại ra đi.

Theo một chuyên gia giấu tên chia sẻ với báo Đất Việt, có những trí thức ở nước ngoài về làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước gặp phải những vấn đề nhỏ nhặt, khó nói, nhất là điều kiện làm việc.

Trí thức Việt ở nước ngoài về nước vướng nhiều bất cập, chế độ đãi ngộ.

Trước hết, trí thức Việt Nam ở nước ngoài đã quen làm việc trong môi trường có điều kiện làm việc chuẩn. Còn khi về nước, do các cơ quan nhà nước chưa có điều kiện để tạo môi trường làm việc như vậy, nên họ không làm việc được hoặc làm không hiệu quả.

Ví dụ, trong một phòng thí nghiệm công nghệ cao, khi làm việc ở nước ngoài, các chuyên gia sẽ chỉ lo tập trung chuyên môn, thông qua máy móc để làm ra các sản phẩm mới. Họ không bận tâm đến việc sửa chữa máy móc, càng không phải quan tâm đến việc kinh phí ở đâu để sửa máy móc kỹ thuật.

Trong khi đó, điều kiện trong nước lại hoàn toàn ngược lại. Từ điện, nước, hóa chất, vật tư, đội ngũ kĩ thuật viên lành nghề... để sửa máy và bảo trì máy đều không có hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu. Khi máy hỏng, công việc không xuôi lọt.

Bên cạnh đó, họ cũng gặp các trở ngại về thủ tục hành chính ở trong nước. Những chuyên gia về một lĩnh vực sẽ không biết hết những công việc ở các lĩnh vực khác. Từ đó, họ dần trở nên chán nản.

Bên cạnh điều kiện làm việc là chế độ đãi ngộ còn thấp, các điều kiện làm việc phụ trợ thiếu, không chuyên nghiệp khiến tâm huyết làm việc dần nguội lạnh.

Cũng cần nói thêm, chế độ đãi ngộ chuyên gia được đào tạo ở nước ngoài là một vấn đề nan giải bởi nó tác động đến guồng quay chung của cả bộ máy trả lương cho cán bộ, giáo viên, kỹ sư, quân đội ở trong nước... Chỉ cần một đối tượng nhỏ thay đổi sẽ làm thay đổi cả công tác cán bộ trên quy mô cả nước. Điều này muốn thay đổi là không thể.

"Nếu muốn mời một trí thức từ nước ngoài về sẽ có thể lên tới hàng nghìn USD/tháng. Tuy nhiên, nếu trả lương như vậy, thì lương chuyên gia trong nước vì sao lại tính theo cách tính khác? Chưa kể còn phải mất một thời gian mới đánh giá được hiệu quả của chuyên gia được đào tạo nước ngoài đó" - vị chuyên gia nhận xét.

Bên cạnh đó, cần quan tâm rằng, có chuyên gia chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định chứ không chuyên sâu về mặt quản lý.

Nếu trí thức về nước muốn được nhận lương cao để phù hợp với cách tính lương ở trong nước thì họ phải ở cấp lãnh đạo, giả dụ cấp Trưởng Viện, Giám đốc Viện nghiên cứu hay Hiệu trưởng một trường Đại học... Tuy nhiên, không phải chuyên gia ở nước ngoài về nước đều có thể làm được quản lý. Quản lý là một chuyên ngành riêng và đó là sự khác biệt, là điều khó có thể thay đổi nhất ở Việt Nam.

Vị trí phù hợp của các chuyên gia Việt ở nước ngoài vẫn là nghiên cứu khoa học. Ở mức độ như vậy, đồng lương của họ quá thấp để có thể gắn bó ở quê hương.

"Nếu lĩnh vực chuyên sâu của chuyên gia không được tận dụng một cách hiệu quả, thì nó sẽ bị lãng phí" - vị này nhận định.

Thực tế cho thấy, nhiều TS người Việt được đào tạo bài bản ở các trường đại học danh tiếng, sau khi về nước một thời gian đã không thể tiếp tục chuyên môn sâu của mình (dù ban đầu đã về đơn vị có đúng chuyên môn). Một số người chỉ làm công tác giảng dạy thì mức lương lại quá thấp gây nên chán nản. Thậm chí có người chuyển làm nghề khác.

Vị chuyên gia nhận định, nếu để trí thức làm việc trong lĩnh vực tư nhân lại có điều kiện phát triển hơn nhiều.

Trong vài năm gần đây, các Tập đoàn Tư nhân đa lĩnh vực (Vingroups, MASAN, các tổ chức tài chính...) thuê các chuyên gia, trí thức người nước ngoài hoặc người Việt về Việt Nam làm việc. Đây là những lực lượng đã và đang có đóng góp thực sự cho các đơn vị thuê mình, thể hiện qua thành công hiện nay của các đơn vị này.

Các Tập đoàn tư nhân có đãi ngộ cao nhưng các chuyên gia cũng phải chịu trách nhiệm rất lớn. Các yêu cầu về chuyên môn, thời gian làm việc, mức lương, thưởng, chế độ đãi ngộ được quy định rõ trong hợp đồng. Các điều kiện về bằng cấp, trình độ, yêu cầu đối với chuyên gia cũng vậy.

Sự minh bạch và công bằng như vậy là cách thể hiện rõ nhất sự trân trọng đối với các chuyên gia Việt Nam từ nước ngoài về để đóng góp không chỉ cho doanh nghiệp, cũng là đóng góp cho thịnh vượng chung.

Đơn cử, một chuyên gia được đào tạo ở nước ngoài khi về nước được một doanh nghiệp trả lương 25.000 USD/tháng, nhưng mức lương cao lại đồng nghĩa với chất lượng và khối lượng công việc khổng lồ, thời gian làm việc nhiều hơn... Các chuyên gia thông qua các dự án của doanh nghiệp mà phát huy được những lợi thế của họ khi được đào tạo ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc cung cấp một môi trường đầy đủ cho chuyên gia phát triển và sáng tạo trong quy mô doanh nghiệp là hoàn toàn có thể. Những vướng mắc sẽ được giải quyết ngay. Do đó, giới trí thức đó luôn có môi trường để làm việc và phải làm việc liên tục để đạt được sức ép công việc được đặt ra. Điều này là hoàn toàn không có trong điều kiện của các đơn vị Nhà nước.

Tiếc thay, đối với các đơn vị thuộc Nhà nước, cơ chế chưa mở rộng đến mức như vậy, hoặc cơ chế đã có nhưng người thực hiện lại không "thoáng".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/van-dong-tri-thuc-nuoc-ngoai-can-chuyen-nghiep-hon-3361569/