'Vân Dung chỉ nên diễn hài'

Trở lại với màn ảnh nhỏ với vai khác biệt trong 'Người một nhà', diễn xuất của Vân Dung bị nhận xét còn hạn chế. Khán giả cho rằng Vân Dung không nên nhận những vai diễn có chiều sâu tâm lý như vai bà Thư.

Bà mẹ "không ra gì"

Người một nhà khai thác câu chuyện xoay quanh anh em Trí (Duy Hưng) và Tuệ (Tuấn Tú) với góc nhìn mới mẻ về tình anh em, đặc biệt trong hoàn cảnh họ buộc phải sửa sai, làm lại cuộc đời.

Không chỉ làm nổi bật tình thân, câu chuyện tình bạn, tình yêu trong Người một nhà được khắc họa một cách nhẹ nhàng, trong sáng.

Những tập đầu của phim nhận được sự yêu thích của khán giả, thế nhưng phim bắt đầu có dấu hiệu đuối sức khi kể về người mẹ “không ra gì” của anh em Trí, Tuệ.

Bà Thư hối hận vì bỏ rơi anh em Trí (Duy Hưng), Tuệ (Tuấn Tú).

Bà Thư (Vân Dung) vì tiền, mong muốn cuộc sống giàu sang phú quý nên đã bỏ lại anh em Trí, Tuệ để đi theo ông Đông (NSƯT Quốc Trọng). Những tưởng được làm phu nhân sống sung sướng, thế nhưng bà Thư chỉ như người giúp việc của ông Đông, thậm chí còn bị ông đánh đập, hành hạ.

Trong tập mới nhất, bà Thư tỏ ra hối hận sau thời gian dài bỏ rơi, không chăm sóc các con. Nghe tin Trí bị con riêng của chồng đánh nhập viện, bà muốn đến thăm nhưng không dám vào.

Thấy bà Thư lén lút nhìn từ xa, Diệp (Quỳnh Châu) lại gần và mỉa mai: “Cháu chỉ tò mò là một người mẹ khi thấy con mình bị con riêng của chồng đánh đập đến bầm dập sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu cô không cảm thấy đau đớn thì ít ra cô cũng phải cảm thấy áy náy, vì anh Trí dù sao cũng là đứa con cô dứt ruột đẻ ra mà”.

Không có tiếng nói, luôn bị áp bức trong nhà, Bà Thư có ý định đầu độc chồng.

Trước những lời trách móc của Diệp, bà Thư chỉ lạnh nhạt đáp: “Không cảm thấy gì” khiến Diệp tức giận bỏ đi. Không ai thấy được những giọt nước mắt hối hận và lời tự nhận không xứng làm mẹ của anh em Trí, Tuệ.

Lúc này bà Thư nhận ra mình mãi mãi chỉ là người ngoài trong gia đình chồng, thậm chí ông Đông cũng chẳng quan tâm đến tính mạng của bà. Khi bà nghe được việc ông Đông tìm Trí trả thù nên đã bỏ thuốc vào đồ uống của bố con ông Đông. Nhưng đến phút cuối cùng bà Thư lại tự mình hất đổ cốc nước vì quá sợ hãi.

Ông Đông còn mang gái về nhà khiến bà Thư không còn kiểm soát được hành động, cầm dao tiến về phía chồng: “Tôi là con người, tôi cũng là chủ nhân của nhà này. Tôi cũng cần được tôn trọng, ông hiểu chưa”.

Bà Thư cầm dao đe dọa chồng, yêu cầu ông ta tôn trọng mình.

Nhưng chưa kịp hành động, đàn em của ông Đông đã xuất hiện ngăn lại, đồng thời cũng phủ đầu khiến bà Thư tỉnh táo hơn. Bà lại van xin chồng tha cho mình nhưng kết quả ông trùm cũng không có sự rộng lượng nào. “Tha à? Đó cũng là một kiểu trừng phạt”, ông trùm nói và ra lệnh nhốt bà Thư vào phòng.

Vai diễn không đúng sở trường

Khán giả khó hiểu với diễn biến tâm lý của bà Thư. Một số người cho rằng nếu đã quyết định vứt bỏ các con thì không nên gặp lại họ để rồi hối hận, nuối tiếc. Một số khác lại thắc mắc lý do bà Thư lại vứt bỏ con để đến với kẻ tồi tệ như ông Đông.

“Không hiểu sao bà này phải bỏ con để theo ông này rồi sống khổ sở nhẫn nhịn như thế”, “Bà ấy đã nín nhịn 10 năm sao lại bùng nổ vớ vẩn như vậy. Biên kịch càng cố xây dựng diễn biến tâm lý cho thực tế lại càng vô lý”, “Xem mà không hiểu đoạn này, vô lý quá”... là một số bình luận của khán giả về Người một nhà trên các diễn đàn về phim truyền hình.

Khán giả khó hiểu với diễn biến tâm lý của bà Thư (Vân Dung).

Một số người cho rằng diễn xuất của Vân Dung còn hạn chế khi không vào vai hài theo đúng sở trường: "Vân Dung chỉ nên diễn hài và đóng hài thôi, thấy chị không hợp làm diễn viên truyền hình", "Vân Dung nhận vai không đúng sở trường rồi. Bình thường diễn hài nói nhiều giờ lại vào vai nhịn nhục không nói được câu nào", "Nhìn mặt cô Vân Dung khóc mà không nhịn được cười"...

Nghệ sĩ Vân Dung từng chia sẻ nhân vật bà Thư là người “thần trí lúc nào cũng nghĩ đến tiền, làm gì cũng được miễn là có tiền. Có tiền thì vui, hết tiền lại buồn”. Đối với chồng, bà Thư luôn dịu dàng cam chịu nhưng thực chất là người đàn bà ghê gớm.

Nhiều khán giả cho rằng diễn xuất của Vân Dung còn hạn chế khi không vào vai hài theo đúng sở trường.

Nghệ sĩ Vân Dung cho biết sau cảnh bị đánh hai ngày mới hoàn hồn. Vai diễn đánh dấu lần đầu Vân Dung bị đánh trên màn ảnh nhỏ. “Từ trước nếu có đóng phim, đóng tiểu phẩm tôi chỉ đánh người thôi, chưa bị đánh bao giờ. Thật sự lúc quay cảnh đó tôi rất sợ, không thở được”, Vân Dung kể.

Đây cũng là bộ phim đầu tiên nghệ sĩ Vân Dung bị “cấm” diễn hài. Chị từng hoang mang vì không được sử dụng sở trường suốt mấy chục năm qua. Tuy nhiên khi đọc kịch bản, được đạo diễn động viên chị đã vượt qua nỗi sợ.

An Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/van-dung-chi-nen-dien-hai-post1636666.tpo