Vẫn dùng dằng chuyện 'cởi trói' cho xuất khẩu gạo

Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo dù đã tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhưng mới chỉ mang tính 'nới lỏng', không thực sự 'cởi trói' cho doanh nghiệp. Nới lỏng hơn

Nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh.

Mới đây, Nghị định 107/2018/NĐ-CP kinh doanh xuất khẩu gạo được ban hành, trong đó đưa ra những quy định cụ thể điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ 1-10-2018.

Nghị định 107 được một số doanh nghiệp đánh giá là đã nới lỏng hơn so với Nghị định 109 trước đây.

Theo Nghị định cũ, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; phải phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, phải nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu gạo.

Nghị định mới đã thông thoáng hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó, thương nhân muốn xuất khẩu vẫn phải có một kho chuyên dùng để chứa thóc, có một cơ sở xay xát theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất nêu trên có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê của tổ chức, cá nhân khác, có hợp đồng thuê với thời hạn tối thiểu 5 năm.

Trong trường hợp thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định nêu trên, được xuất khẩu các loại gạo này không cần giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định.

Ngoài ra, liên quan tới quy định dự trữ lưu thông, theo Nghị định cũ, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.

Quy định này gây tồn đọng vốn, phát sinh chi phí lưu kho, bảo quản hàng hóa, làm tăng gánh nặng đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh. Chẳng hạn, một doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 200.000 tấn/năm, tương ứng với 100.000 tấn gạo trong 6 tháng, theo quy định, doanh nghiệp phải luôn duy trì ít nhất 10% (10.000 tấn gạo) trong kho, tương ứng với lượng vốn đọng khoảng 70 tỉ đồng, chưa kể các chi phí khác.

Trước bất cập này, Nghị định mới đã giảm mức dự trữ lưu thông tối thiểu xuống một nửa, tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.

Hơn nữa, theo Nghị định cũ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có trách nhiệm thống kê, cập nhật số lượng, trị giá, chủng loại thóc, gạo, thị trường, khách hàng, thương nhân xuất khẩu, số lượng hợp đồng đăng ký hàng ngày và báo cáo bằng văn bản theo định kỳ hàng tuần, tháng, quý, năm hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên thực tế, đây cũng là quy định gây nhiều tranh cãi. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định này tiềm ẩn nguy cơ đối với việc bảo mật thông tin giá cả, khách hàng của doanh nghiệp khi đăng ký hợp đồng.

Thậm chí, doanh nghiệp coi đây là một thủ tục cản trở xuất khẩu cần bãi bỏ để tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Do đó, theo Nghị định mới, Tổng cục Hải quan sẽ thay thế VFA trong việc thống kê cập nhật gửi Bộ Công Thương theo định kỳ về tình hình xuất khẩu gạo về số lượng, giá trị, chủng loại thóc, gạo, thị trường xuất khẩu….

Chưa thực sự “cởi trói”

Đánh giá về nghị định mới, theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị định 107 vừa ban hành đã nới lỏng các điều kiện mà thương nhân xuất khẩu gạo phải đáp ứng rất chặt chẽ như Nghị định 109 trước đây.

Điểm khác biệt rất lớn là thay vì phải đầu tư, phải sở hữu hệ thống kho chứa, máy xay xát thì doanh nghiệp có thể thuê, mặc dù thời gian thuê khá dài (5 năm). Nghị định cũng đã giảm yêu cầu dự trữ lưu thông đối với thương nhân xuất khẩu gạo từ 10% số lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng trước đó xuống 5%.

Điều này tạo thuận lợi hơn nhiều cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ vì họ thay vì bỏ tiền đầu tư vốn lớn ngay từ đầu thì nay có giấy chứng nhận kinh doanh và hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn. Đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng nếu có xác nhận thì không phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh hay thực hiện dự trữ lưu thông.

“So với Nghị định 109 trước đây thì rõ ràng Nghị định 107 đã nới lỏng và đơn giản hóa hơn”, ông Tuấn nói. “Tất nhiên phải thẳng thắn thừa nhận là chưa có sự thay đổi mạnh mẽ về cách thức quản lý với doanh nghiệp kinh doanh gạo”.

Vì theo Nghị định mới, doanh nghiệp vẫn phải xin phép, vẫn phải có điều kiện để kinh doanh, vẫn phải thực hiện rất nhiều báo cáo. Cách tiếp cận hiện nay chỉ là nới lỏng, đơn giản hóa và thuận lợi hơn một phần cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn.

“Tiêu chí điều kiện có một số ngoại lệ nhất định nhưng dường như chúng ta vẫn thấy sự dùng dằng, sự lưỡng lự trong việc chuyển sang quản lý một mặt hàng như rất nhiều mặt hàng khác”, ông Tuấn nói.

Đồng tình quan điểm này, ông Võ Hùng Dũng, chuyên gia nông nghiệp cho hay, Nghị định này vẫn chưa sửa đổi được nhiều, vẫn giữ lại điều kiện kinh doanh là phải có kho chứa hàng, cơ sở xay xát. Chỉ nới lỏng là những cơ sở vật chất trên có thể thuê, mướn cũng được.

Như vậy, Nghị định mới “cố gắng giữ lại một cái gì đó" chứ không cải thiện đáng kể về mặt tư duy quản lý, theo ông Dũng.

Nghị định 109 là nghị định mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo kêu trong nhiều năm qua. Các tổ chức liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp cũng đã phản ánh, kiến nghị trong rất nhiều năm.

Từ năm 2010 đến nay là 8 năm trời mới sửa được nghị định. Rõ ràng đã bao nhiêu doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, thậm chí nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể đã ngậm ngùi rời cuộc chơi vì không đáp ứng được điều kiện.

Theo báo cáo năm 2017 của Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trước khi có Nghị định số 109 số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo có lúc lên đến hơn 200 doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 109 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp đã giảm xuống, và đến nay chỉ còn khoảng 145 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo. Số lượng doanh nghiệp thực sự tham gia xuất khẩu gạo có thể còn thấp hơn.

Các doanh nghiệp nhỏ, có nhu cầu xuất khẩu gạo số lượng nhỏ sẽ không thể tham gia và cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ bị bó hẹp trong khung khổ hoạt động của các doanh nghiệp lớn đã bước chân vào thị trường.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Mời đọc thêm:

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277704/van-dung-dang-chuyen-coi-troi-cho-xuat-khau-gao.html