Vận dụng linh hoạt hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh

Lâu nay, 'kiểm tra miệng' (KTM) được xem là hình thức phổ biến vào đầu mỗi giờ học ở hầu hết các trường học với mục đích giáo viên khảo sát bài cũ của học sinh. Nhiều người cho rằng, hình thức KTM đã cũ và không còn phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Bởi hiện nay, ngoài hình thức KTM, giáo viên có nhiều cách để kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh.

KTM CÓ CÒN PHÙ HỢP?

Có lẽ trong đời của mỗi người khi còn là học sinh, ai cũng đã từng trải qua một vài lần được giáo viên gọi tên để KTM. Mỗi ngày đến lớp trung bình 5 tiết học là hầu như học sinh đều được giáo viên KTM lúc đầu giờ. Chị Trần Thị Nguyệt, nhà ở phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Cảm giác vẫn còn nhớ như in thời học sinh, vào đầu mỗi tiết học, các bạn học trong lớp tôi, ai nấy đều cúi gằm mặt xuống, không một ai nhúc nhích cho đến khi một cái tên được xướng lên để giáo viên KTM, thì các bạn mới thở phào nhẹ nhõm. Có giáo viên khó tính chỉ cần trả bài, đọc trật một vài ý là về chỗ, nhận ngay điểm thấp của môn học đó”.

Một giáo viên THCS trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho rằng, kiểm tra bài cũ, nhắc lại kiến thức đã học là một phần không thể thiếu trong tiến trình bài dạy của một tiết học, bởi chương trình ở các bộ môn kiến thức là tiếp nối, cần được hệ thống hóa, nhắc nhở học sinh trước khi vào bài mới. Tùy theo môn học, theo phân bổ số tiết mà học sinh có các cột điểm đánh giá thường xuyên, từ 2 - 4 cột điểm. Thông thường, theo cách truyền thống bấy lâu nay, nhiều giáo viên sử dụng hình thức KTM là chủ yếu.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) trong giờ học.

Là người cống hiến cho ngành GD-ĐT trên 20 năm, cô N.T.N.M., một giáo viên dạy môn Ngữ văn THCS trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang thừa nhận, lâu nay, cách kiểm tra bài cũ của cô cũng như nhiều thầy cô giáo khác là đầu giờ gọi từ 1 đến 2 học sinh lên bục, rồi đặt câu hỏi trả bài cũ cho học sinh trả lời. Tuy nhiên, cách kiểm tra bài học của học sinh theo kiểu này chỉ mang tính xác suất một tỷ lệ nhỏ, chưa bao quát hết học sinh. Bởi với hình thức này, nhiều học sinh sẽ học theo cách đối phó, chẳng hạn tiết học này học sinh nào xung phong trả bài, thì những tiết sau những học sinh này sẽ ỷ lại, với tâm lý là không phải trả bài nữa nên không học bài.

“Không trả bài thì học sinh không nắm kiến thức và có lần tôi đã thử nghiệm cho cả lớp khảo bài giấy vào đầu tiết học khoảng 10 phút, để các em không học theo cách đối phó. Tuy nhiên, với hình thức này, tôi phải mất rất nhiều thời gian cho việc chấm và sửa bài, trong khi còn rất nhiều việc khác cần phải làm”, cô M. bộc bạch.

CẦN THAY ĐỔI

Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ tư áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Một trong những trọng tâm của quá trình đổi mới lần này là đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT được thực hiện theo lộ trình từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6; năm học 2022 - 2023 đối với lớp 7 và 10; từ năm học 2023 - 2024 là lớp 8 và 11 và từ năm học 2024 - 2025 với lớp 9 và 12. Theo tinh thần Thông tư này, ngoài việc đánh giá định kỳ, học sinh sẽ được đánh giá thường xuyên thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Loan, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang, Chương trình GDPT năm 2018 chú trọng đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Thông tư 22 đã giải quyết được vấn đề đó, với điểm cốt lõi là tập trung vào đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình tổng thể về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo đặc thù của từng môn học. Với phương pháp mới này, giáo viên có thể đánh giá học sinh qua quá trình tổ chức các hoạt động học với nhiều hình thức đa dạng như hỏi - đáp ngay trong tiết dạy bài học mới, trong tiết ôn tập, hoặc giao nhiệm vụ nhóm, thuyết trình, báo cáo sản phẩm… Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, tùy theo mỗi điều kiện, đối tượng học sinh và yêu cầu cụ thể của nội dung học tập, có thể lựa chọn cách dạy học, đánh giá khác nhau.

“Một ví dụ với môn Sinh học, có rất nhiều cách để giáo viên kiểm tra, khảo sát năng lực của học sinh ngoài hình thức KTM. Chẳng hạn như giáo viên có thể giao cho học sinh làm việc nhóm về các chủ đề và đưa ra các tiêu chí để đánh giá. Các nhóm sẽ thực hiện, thuyết trình, thảo luận, rút ra nội dung bài học từ đó giáo viên sẽ có những căn cứ cho điểm học sinh”, cô Loan phân tích.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới và đổi mới tất yếu là vì học sinh, từ đó góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trong quá trình giảng dạy, đặc biệt là đối với các hình thức kiểm tra, đánh giá, các trường và đặc biệt là giáo viên cần nghiên cứu thật kỹ các hướng dẫn, quy định của ngành GD-ĐT, vận dụng linh hoạt vào thực tiễn, tránh gây áp lực cho học sinh.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202309/van-dung-linh-hoat-hinh-thuc-kiem-tra-danh-gia-hoc-sinh-990824/