Vận dụng nghệ thuật ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh trong sáng tạo tác phẩm

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng tài tình nghệ thuật ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ báo chí như một thứ vũ khí vô cùng sắc bén, vô cùng lợi hại để tấn công kẻ thù và phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL

Người luôn chọn lựa, gọt giũa, cân nhắc cẩn thận từng từ, từng câu. Tác phẩm của Người dù viết bằng thứ tiếng nào, dù thuộc thể loại nào, cũng in đậm nét đặc điểm của một bút pháp hài hước châm biếm độc đáo, tính chất phong phú của sắc điệu ngôn ngữ: Ngôn ngữ luận chiến, giàu hình ảnh cụ thể nhưng thấm sâu chất tư duy trí tuệ, tạo nên một phong cách riêng rất Hồ Chí Minh. Đây là một trong những sức mạnh mềm truyền thông có hiệu quả chiến đấu cao.

Nghệ thuật sử dụng vốn từ thuần Việt

Có thể tìm thấy rất nhiều những dẫn chứng cụ thể sinh động về cách sử dụng từ thuần Việt của Hồ Chí Minh trong việc đả kích quân xâm lược:

Bịp để chỉ hành động xấu xa, lừa đảo. Bợm chỉ những kẻ vô lương, chuyên đi lừa gạt. Kết hợp với nhau, chúng tạo ra một từ có nét nghĩa tục để chỉ bản chất lừa đảo, dối trá, vô lương của đế quốc: Đó là một trò hề bịp bợm…; Đó chỉ là một âm mưu tuyên truyền bịp bợm...

Với thán từ ô hô, Hồ Chí Minh diễn tả thái độ cười cợt, khinh bỉ. Nó có thể được đặt ở đầu câu: “Ô hô, "văn minh" đế quốc!”, và cũng có thể đặt ở cuối câu: “Những việc đó đã tỏ bầy, Chủ nghĩa đế quốc gần ngày "ô hô".

Để phê phán những tiêu cực trong xã hội, Người cũng sử dụng vốn từ thuần Việt một cách sắc nét. Về khuyết điểm của cán bộ tuyên truyền, Người chỉ ra "có một số đồng chí khác chỉ bo bo giữ lấy những kinh nghiệm lẻ tẻ. Về nạn lãng phí, tham ô, Người viết "của cải dành dụm của chúng ta không những rơi vãi một phần vào cái hố lãng phí, mà còn bị tham ô đục khoét mất một phần khác. Xtalin đã có lần ví bọn tham ô như những con lợn sục vào vườn rau của Nhà nước và ngoạm lấy ngoạm để một cách trơ trẽn. Đó là thứ cặn bã còn rớt lại của xã hội cũ - cái xã hội thối nát...". Tình báo của ta hoạt động kém, Người chỉ ra nguyên nhân, vì "bô lô ba la, bạ gì nói nấy".

Nhà báo Wilfred Burchett làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954. Ảnh: TL

Nghệ thuật sử dụng từ nước ngoài

Phiên âm tiếng nước ngoài: Nhiều nhân vật quan trọng trong bộ máy đế quốc được Người phiên âm tên riêng thành những từ vừa buồn cười, vừa thâm thúy: Wesmoreland thành Vét-mỡ-lợn, Vét-mò-lên; Cabollodge thành Cá-bỏ-lọt, Cá-bột-lót; Marc Artheur thành Mặt-ác-tệ; Hakin thành Hắc- ín; Dean Reayk thành Định rút…

Rút gọn từ: Ken-nơ-đi được Người gọi tắt là Ken. Ken trong khẩu ngữ có nghĩa là keo kiệt, bủn xỉn. Ních-xơn được người gọi là Ních, nghĩa là "nhét cho đầy, cho chặt, hoặc ăn thật nhiều", tức là tham lam. Truman được Người tặng cho cái tên Tu-ma, trong tiếng Tày có nghĩa là con chó…

Dùng tiếng nước ngoài xen tiếng Việt: Việc dùng từ tiếng nước ngoài xen với tiếng Việt gây ra sự đối lập giữa tiếng xa lạ với hệ thống tiếng ta, do đó đưa đến sự mỉa mai, châm biếm. Người đã dùng cách này một cách sáng tạo, nêu ra được mâu thuẫn nội tại của sự việc. Ví dụ, Người đã sử dụng liên tiếp các từ tiếng Anh như O.K, very bad trong đoạn đối thoại sau đây giữa tổng Ken và tổng Giôn: "Tổng Ken: Thế nào Zoon? Công việc đều O.K chứ? Tổng Giôn: Very bad Ken ạ!". Một bên hỏi O.K, một bên trả lời Very bad. Chỉ hai từ được chọn lựa rất kỹ càng và có ngụ ý rõ nét, đã khắc họa sâu sắc sự thất bại của đế quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà làm phim năm 1965. Ảnh: TL

Nghệ thuật chơi chữ

Sử dụng từ đồng âm, gần âm: Lối chơi chữ trở nên độc đáo với cách sử dụng đồng thời hai hiện tượng đồng âm và trái nghĩa. Người viết: "Kinh nghiệm chứng tỏ rằng mỗi khi một nước đế quốc phái đại tướng làm đại sứ, đó là triệu chứng của một cuộc đại bại... Đại tướng Taylo sẽ không tránh khỏi số phận đó. Đế quốc Mỹ ngày càng sa lầy ở miền Nam Việt Nam, chẳng những Taylo mà chân cũng lo để chuồn". Hoặc hàng loạt ví dụ sinh động khác về cách chơi chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong trần ai, ai cũng ghét Ai; "Tátxinhi bị tát": "thế là Tátxinhi bị bạn nó tát vào mồm"…

Vận dụng từ tiếng Hán: Người thường dùng những từ thông thường dễ hiểu, nên cách chơi chữ không quá hiểm hóc, để ai cũng có thể hiểu được. Ví dụ, Người phê bình tế nhị những cán bộ tiền phong chủ nghĩa không biết vận động quần chúng nên làm hỏng việc: "Tiền phong hóa ra hậu hỏng”. Khi Bảo Đại đã hoàn toàn trở thành chó săn cho thực dân Pháp, Người viết bài: "Chữ đại thêm dấu chấm" (tức là chữ khuyển, nghĩa là chó). Trong trường hợp khác, Hồ Chí Minh giải thích từ theo từ nguyên dân gian: "Thực dân là ăn cướp dân".

Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Hà Nội, năm 1955. Ảnh: Time

Nghệ thuật sử dụng vốn từ dân gian

Khai thác triệt để vốn đại từ chỉ người trong tiếng Việt: Hồ Chí Minh hay dùng những đại từ ngôi thứ ba như nó, chúng, y, hắn, lão, chàng, mụ... trong những bài đả kích kẻ địch. Trong đó, Người thường sử dụng nhất là đại từ y. Ví dụ, trong bài Giôn-xơn mất hồn vía, Người dùng đại từ y: "Nhưng có những việc bất ngờ đã làm cho y mất hồn vía. Việc số một là: khi Vét-mỡ-lợn và Cá-bột-lọt mời Zoon đến thăm Việt Nam, y hoa tay lia lịa vì y sợ quân du kích hoan nghênh...".

Trong cải cách ruộng đất, Người đã dùng mụ để lên án địa chủ: "... Mụ địa chủ Ban ở xã HS mưu gả con gái của nó cho anh cố nông tên là Duy vì anh Duy biết tận gốc rễ nó, nếu anh Duy đấu thì nó không sao chối cãi được... Mụ địa chủ Ban thật là "Tào Tháo"... nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Nông dân đã tỉnh táo và đánh tan mọi mưu mô của nó...".

Người mỉa mai những cán bộ lợi dụng chức vụ, để vợ con dùng của công không đúng chế độ, chính là lời dạy về những nguyên tắc và mối quan hệ mới trong xã hội mới: "Ông ủy viên đi xe hơi rồi bà ủy viên đi xe hơi cho đến các cô các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?".

Dùng từ chỉ động vật để chỉ người: Trong tiếng Việt, có một số từ chỉ dùng cho động vật mà không dùng cho người như đực, cái, bầy, đàn. Được dùng để chỉ người, những từ này gây ra sắc thái đả kích thâm thúy. Hồ Chí Minh đã dùng những từ như vậy để đả kích kẻ thù: "Đầu năm nay - quân địch đã "thắng" đến nỗi: một bầy bộ trưởng… tìm cách cứu vớt Nava ra khỏi "kế hoạch thần tình" của hắn...”.

Đối với kẻ thù trong nước, Người cũng sẵn sàng dành cho chúng những từ xứng đáng với tội ác của chúng: "Trong các cuộc phát động quần chúng, người ta thấy địa chủ cái cũng hung ác, gian xảo, ngoan cố không kém địa chủ đực...".

Sử dụng những từ không thông dụng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng với mục đích đặc biệt nhằm thể hiện sắc thái hài hước để chế giễu kẻ thù. Ví dụ, một màn hoạt cảnh nhỏ giữa Giôn-xơn và Ken-nơ-đi đã được diễn tả lại bằng những câu nhái Kiều: “Xin mời Ken hãy rốn ngồi/ Để nghe Zoon kể khúc nhôi đoạn trường”. Khúc nhôi đoạn trường được Người sử dụng tài tình với sắc thái giống như một vở tuồng cổ do hai nhân vật đầu sỏ của đế quốc thủ vai, đang than vãn về số phận hẩm hiu của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhân dân trồng cây trong dịp Tết năm 1969. Ảnh: TL

Vận dụng nghệ thuật ngôn ngữ Hồ Chí Minh trong sáng tạo tác phẩm báo chí – truyền thông

Những giá trị nghệ thuật ngôn từ, sức mạnh mềm trong ngôn ngữ báo chí Hồ Chí Minh có thể được vận dụng hiệu quả, tác động sâu sắc trong cuộc “bút chiến” truyền thông. Trong sáng tạo sản phẩm báo chí – truyền thông, chúng ta học tập được từ Người cách viết, cách thể hiện dễ hiểu, hấp dẫn, thuyết phục đối với công chúng, tính chất chiến đấu cao đối với những yếu tố tiêu cực trong xã hội.

Học tập cách nói, tiếng nói của quần chúng

Hiện nay, sự phát triển của báo chí – truyền thông Việt Nam, về khía cạnh ngôn ngữ cũng như phong cách thể hiện, vẫn phải đảm bảo yêu cầu đó. Chỉ có tiếp cận và đáp ứng với nhu cầu, cách nghĩ và cách nói của công chúng thì báo chí – truyền thông mới có thể tồn tại. Nếu đi chệch định hướng này, xa rời quần chúng nhân dân, chạy theo phong cách hiện đại, phong cách Tây đến nỗi công chúng không thể hiểu được, thì khi đó sản phẩm sẽ lập tức bị đào thải. Hơn bao giờ hết, hệ thống từ thuần Việt, những thủ pháp nghệ thuật góp phần sáng tạo nên cái hồn của ngôn từ được hình thành, phát triển từ dân gian đến nay cần được giữ gìn và kế thừa, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Sự chuẩn hóa về ngôn từ tiếng Việt

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan, nhiều người chỉ chú trọng phần nội dung chứ chưa để ý nhiều tới hình thức diễn đạt. Bởi vậy, họ bỏ qua khá nhiều lỗi về ngôn từ ở mọi cấp độ. Tuy nhiên, sự chuẩn hóa tiếng Việt không đồng nghĩa với việc phủ nhận hoàn toàn sáng tạo riêng của cá nhân. Nhà báo, nhà truyền thông vẫn có thể tạo ra từ mới phù hợp với thời đại, với phong cách của mình. Nhưng những sáng tạo ấy phải tuân thủ những quy luật quy định, có cơ sở khoa học.

Hạn chế tối đa việc vay mượn tiếng nước ngoài

Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 9-1962, Người vạch rõ "Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều, và nhiều khi dùng không đúng. Đời sống xã hội ngày càng phát triển và đổi mới. Có những chữ ta không có sẵn hoặc khó dịch đúng, thì cần phải mượn chữ nước ngoài. Thí dụ: không gọi là xe lửa mà gọi là "hỏa xa", máy bay thì gọi "phi cơ"...

Có thể nói, hiện nay, các từ ngữ vay mượn từ tiếng nước ngoài như show, tour, hotboy, hotgirl… xuất hiện tràn lan. Ví dụ một tờ báo dành cho lứa tuổi học trò học đòi tiếng Anh, tự thêm chữ ‘s” vào từ “quý tộc” thành “quýs tộc”. Không phải đối tượng công chúng nào cũng biết tới những khái niệm đó. Hơn nữa, rất nhiều trường hợp, mặc dù từ có nghĩa tương đương trong tiếng Việt vẫn có, rất hay, nhưng vì bệnh "sính chữ", nên nhiều người vẫn dùng tiếng nước ngoài.

Tất nhiên, tiếng nước ngoài vẫn luôn có những giá trị nhất định, chúng ta phải biết tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của những thứ tiếng ấy. Có những từ không thể thay thế bằng tiếng Việt hoặc chưa có từ tiếng Việt có nghĩa tương đương, thì vẫn phải dùng. Nhưng phải dùng sao cho hợp lý. Chính sự học hỏi tiếng nước ngoài sẽ tạo ra sự tôn trọng và yêu mến tiếng Việt của ta.

Bác làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch, năm 1957. Ảnh: TL

Thống nhất cách phiên âm tiếng nước ngoài

Tên riêng nước ngoài xuất hiện trên báo chí – truyền thông những năm qua cũng phong phú và đa dạng về kiểu loại hơn, với tên quốc gia, tên người, sự vật, sự việc, tên của các tổ chức quốc tế, các hãng thông tấn báo chí, tên các công ty, tập đoàn tài chính - kinh tế, tổ chức thương mại...

Dù đã có nhiều tích cực để đi đến thống nhất, khi mà báo chí – truyền thông luôn hướng đến mục tiêu hiện đại hóa thì tình trạng đăng tải tên riêng và thuật ngữ nước ngoài hiện nay vẫn thiếu nhất quán, lộn xộn và đôi khi thiếu chính xác, tùy theo sở thích hoặc trình độ của mỗi người viết hoặc theo khuynh hướng riêng của mỗi sản phẩm.

Cách viết ngắn gọn, dễ hiểu

Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những khuyên chúng ta khi viết không nên cầu kỳ, Người cũng luôn nhắc chúng ta nên viết ngắn, gọn, tránh lối viết "rau muống", nghĩa là lằng nhằng, "trường giang đại hải", làm cho người xem như là "chắt chắt vào rừng xanh". Viết dài là cách "đếm dòng lấy tiền" mà thôi.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, xu thế chung của báo chí – truyền thông là tính thông tin cao, cập nhật và ngắn gọn, dễ hiểu. Làm sao để báo chí – truyền thông có thể mang lại thông tin nhanh nhất, dễ dàng nhất cho công chúng. Bởi vậy, cách viết ngắn gọn, dễ hiểu với ngôn từ trong sáng, có giá trị sự kiện cao là một đòi hỏi mà bất cứ nhà báo, nhà truyền thông cũng phải có được kỹ năng viết tốt nhất.

Có thể nói, những phương hướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt rất phù hợp với quy luật phát triển bên trong của tiếng Việt và đã được thể hiện trong thực tiễn phát triển của tiếng Việt trên báo chí – truyền thông ngày nay.

Trung thành với di sản ngôn ngữ của Hồ Chí Minh là giữ vững và nâng cao chất lượng báo chí – truyền thông trong hoàn cảnh mới những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam, khắc phục những biểu hiện suy thoái chống lại sự tha hóa, biến chất trong thời đại hiện nay.

Lê Thu Hà
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

---

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, NXB Sự thật, Hà Nội, 1990.
2.Lê Thu Hà: Thủ pháp châm biếm trong nghệ thuật ngôn từ báo chí Hồ Chí Minh, Khóa luận tốt nghiệp đại học chuyên ngành Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2004.
3.Hồ Chí Minh: Toàn tập (Từ tập 1 đến tập 12), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
4.Tạ Ngọc Tấn: Tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2000.
5.Nguyễn Như Ý chủ biên: Hồ Chí Minh - Tác gia - Tác phẩm - Nghệ thuật ngôn từ (Tái bản lần thứ 3), NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/van-dung-nghe-thuat-ngon-ngu-bao-chi-ho-chi-minh-trong-sang-tao-san-pham-bao-chi-truyen-thong-n16677.html