Văn Hậu sang Hà Lan cùng những cơ may mà Công Phượng không có

Những người hâm mộ của Heerenveen có thể nhìn thấy điều gì ở Hậu, ngoài nụ cười bẽn lẽn? Điều gì khiến họ không ngừng lên Google tìm kiếm thông tin về cầu thủ này và Việt Nam?

Không phải ngẫu nhiên mà vụ chuyển nhượng của Đoàn Văn Hậu từ CLB Hà Nội sang SC Heerenveen lại đem đến những ấn tượng tích cực đến thế, dù trước mắt chỉ là một hợp đồng cho mượn.

Đấy là một sự kiện truyền thông lớn, đương nhiên rồi, nhưng nó tạo ra niềm vui, sự tự tin vào khả năng thành công trên phương diện chuyên môn chứ không phải là một sản phẩm để đánh bóng thương hiệu. Chính vì thế, tôi không hề cảm thấy ngạc nhiên hay bất ngờ khi một ngày, trên truyền thông Việt Nam và cả Hà Lan bùng nổ thông tin về chàng trai trẻ 20 tuổi người Thái Bình lên đường sang Heerenveen.

Câu hỏi không phải làm thế nào những CLB châu Âu biết đến Hậu, mà là tại sao họ cảm thấy cậu có thể là một vụ đầu tư theo đúng nghĩa của nó.

Ngày ấy phải đến và nó đã đến, như một sự tất yếu, sau một chuỗi những thành công ấn tượng của cá nhân Hậu và các cấp độ ĐTQG mà anh đã khoác áo trong thời gian qua. Bởi không chỉ được Heerenveen để mắt tới, một số CLB tầm trung ở Đức và Áo cũng quan tâm và theo dõi sát Hậu trong một thời gian dài.

Câu hỏi không phải làm thế nào những CLB trên biết đến Hậu, mà là tại sao họ cảm thấy cậu có thể là một vụ đầu tư theo đúng nghĩa của nó - cả trên sân cỏ lẫn những tiềm năng của giá trị thị trường. Điều đó đã được chứng tỏ trong những gì Hậu thể hiện trên sân cỏ những năm qua.

Chờ đợi gì ngoài nụ cười bẽn lẽn?

Trong một thế giới ngày càng trở nên rộng mở - và bóng đá cũng thế - thì việc các ngôi sao châu Á được các đội bóng châu Âu để mắt tới cũng là một chuyện bình thường.

Hơn 20 năm trước, các ngôi sao Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện những cuộc di chuyển theo hướng Tây, đến những nền bóng đá tầm trung và cả tầm cao của bóng đá Lục địa già.

Không phải ai cũng thành công, nhưng những người đã thành công thì đều để lại những dấu ấn lớn lao - giống như một thế hệ đi chinh phục các giải đấu có chất lượng và trình độ vượt trội, để đến bây giờ nhiều người hâm mộ vẫn nhớ mặt thuộc tên.

Bởi họ đã khiến người ta khâm phục và ngưỡng mộ. Bởi những đóng góp của họ trong việc san lấp các khoảng cách về địa lý và văn hóa, giúp họ mở rộng tầm mắt, nhìn sang phía Đông.

Tôi còn nhớ có lần nói chuyện với một romanista (cổ động viên Roma) về Hidetoshi Nakata. Tiền vệ người Nhật Bản không chơi nhiều trận trong màu áo của đội bóng thủ đô nước Ý, nhưng cũng có những đóng góp trong hành trình đoạt Scudetto 2001.

Và bây giờ, tại đây, người ta nhớ đến anh không chỉ vì gương mặt rất dễ mến, mà còn ở ấn tượng về việc anh rất trầm tính, “hay đọc sách”, rất thích đến bảo tàng.

Tóm lại, người ta luôn muốn tìm thấy ở các cầu thủ châu Á những điều khác biệt so với cầu thủ bản địa, ở cá tính, ở nhân cách, ở vẻ bề ngoài, bên cạnh các yếu tố chuyên môn.

Liệu ngoài các yếu tố bóng đá đơn thuần, Hậu có thể trở thành một đại sứ văn hóa của Việt Nam tại vùng đất phía Bắc Hà Lan ấy?

Vậy những người hâm mộ của Heerenveen có thể nhìn thấy điều gì ở Hậu, ngoài nụ cười bẽn lẽn và quốc tịch Việt Nam, khiến cậu trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên khoác áo đội bóng tầm trung này? Liệu ngoài các yếu tố bóng đá đơn thuần, Hậu có thể trở thành một đại sứ văn hóa của Việt Nam tại vùng đất phía Bắc Hà Lan ấy, khiến họ chịu mở máy tính và lên Google tìm kiếm thông tin về Việt Nam?

Câu trả lời sẽ có trong một mùa bóng ở đây. Đương nhiên không chỉ trên sân, mà còn ở ngoài đời, ở cách Hậu hòa nhập thế nào vào cuộc sống ở đó, tiếp xúc với người hâm mộ ra sao, ứng xử với truyền thông thế nào, truyền những thông điệp văn hóa gì.

Nó cũng nằm ở cách Hậu đối mặt với đủ loại các thách thức trong một môi trường mới mà rõ ràng rất khác so với môi trường mình đã có ở Việt Nam.

Nhưng ngay từ bây giờ, không ít người hâm mộ ở nhà đã hy vọng rằng, Hậu sẽ thành công và kể cả có vấn đề về ngoại ngữ đi chăng nữa, thì cũng sẽ được tạo điều kiện tối đa và bài bản để hòa nhập tốt nhất vào cuộc sống bên đó, để rồi chỉ tập trung vào một việc duy nhất: ra sân tập, hòa cùng với nhịp sống của các đồng đội mới, và nếu được tạo điều kiện từ ban huấn luyện, ra sân thi đấu.

Đằng sau Hậu là một ekip chuyên nghiệp hỗ trợ cậu, không để cậu một mình.

Cơ may không dành cho Công Phượng

Điều đó rất khác với những cầu thủ Việt Nam đã ra nước ngoài trước Hậu, trong đó có Công Phượng - đang đá ở một thành phố cách Heerenveen chỉ 300 km (tương đương với hơn 3 tiếng chạy xe một chút). Và bản thân Hậu, ở tuổi mới 20, cũng có một lợi thế rất lớn để thành công.

Thành công trước mắt, chính là có thể được ra sân, dù cuộc cạnh tranh với người đang giữ vị trí hậu vệ trái chính thức của Heerenveen là không đơn giản: Heerenveen đã rất cần một cầu thủ ở vị trí này, vốn quá mỏng.

Rất thực tế, ban huấn luyện của đội đã đánh giá được rằng, Hậu không chỉ chơi ở cánh, mà còn có thể đá trung vệ. Và ngay vai trò vị trí của một hậu vệ cánh cũng dễ cạnh tranh hơn là vị trí của Công Phượng khi đến Sint-Truidense, khi hàng công ở đó đã khá chật chội, và mới rồi, họ còn đưa thêm tân binh về.

Hậu trẻ hơn Phượng, đến Châu Âu sau khi đã được chuẩn bị kỹ càng, và có thể học được nhiều từ chính những gì Phượng đã trải qua.

Điều đó đặt ra một câu hỏi mang tính rất thực tế, và không thể không khiến các fan bóng đá Việt Nam so sánh: Ý nghĩa thực tế của hợp đồng đưa Công Phượng sang Sint-Truidense là gì? Đội bóng vào thời điểm đã dư thừa tiền đạo vẫn đưa Phượng về để làm gì? Phải chăng họ cũng đánh bạc với anh, và khi không cảm thấy hài lòng, đã đẩy anh xuống đội dự bị và đưa ngay các tân binh tiền đạo khác về? Tại sao Phượng không có một cuộc ra mắt giản dị nhưng gây tiếng vang ở chính đội bóng của anh - như Hậu đã có tại Hà Lan - mà lại là trong một buổi họp báo ở Việt Nam?

Điều này thì chỉ có những người đã đưa Phượng sang Bỉ trả lời được, nhưng các fan của anh và những người yêu bóng đá Việt Nam rất khó chấp nhận một thực tế rằng, Phượng sang đó và không được sử dụng.

Có một sự thật mà cả HLV của Incheon và Sint-Truidense đều nói về Phượng, là vấn đề thể lực chứ không phải chuyên môn. Và khi họ không dùng, hoặc ít dùng, thì không phải là vì Phượng không giỏi, mà vì họ chưa nhìn thấy anh có điều gì khiến họ cần phải sử dụng và sử dụng thường xuyên.

Dù bản chất của chuyến đi này như thế nào đi nữa, thì việc Phượng ngồi dự bị, rồi bị đưa xuống đội trẻ cũng có thể được coi là một lời cảnh báo đối với bất cứ ai tự tin thái quá vào khả năng thành công của Hậu.

Lời cảnh báo này là cần thiết kể cả khi Hậu đến với một đội tầm trung của Hà Lan, có truyền trống đào tạo và sử dụng các cầu thủ trẻ.

Mọi việc rất có thể sẽ không hề suôn sẻ và dễ dàng với Hậu từ đầu, kể cả khi đã có một sự chuẩn bị rất tốt về mọi mặt, và từ hơn một năm qua đã ở trên bệ phóng cho một cuộc chuyển nhượng ra nước ngoài. Bản thân điều này cũng khác với Phượng, vừa dang dở ở Hàn Quốc, đã sang ngay Bỉ, và rồi những gì xảy ra chúng ta đã biết.

Nhưng Phượng đã ở cái tuổi mà người ta chỉ có thể thành công hoặc thất bại, khi không còn được coi là một cầu thủ trẻ để đến đó học hỏi và rút kinh nghiệm nữa. Vì thế, áp lực lên Phượng là rất lớn và việc Phượng phải cạnh tranh cật lực cũng là dễ hiểu. Điều đó đòi hỏi một nghị lực và bản lĩnh vô song để vượt lên.

Nhưng rất may, Hậu khác hơn. Hậu trẻ hơn Phượng, đến Châu Âu sau khi đã được chuẩn bị kỹ càng, trong một môi trường chắc chắn ít cạnh tranh hơn vị trí của Phượng, và có thể học được nhiều từ chính những gì Phượng đã trải qua nơi đây, cùng lúc này.

Hậu trẻ hơn Phượng, đến Châu Âu sau khi đã được chuẩn bị kỹ càng và có thể học được nhiều từ chính những gì Phượng đã trải qua nơi đây, cùng lúc này.

Người ta luôn nói rằng, vạn sự khởi đầu nan. Người ta cũng nói, đường đã mở, cứ thế mà đi thôi, đi nhiều mà thành đường.

Nhưng có một thực tế là con đường mà những cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài trước Hậu đều rất chông gai, vất vả đủ đường, và không thành công.

Nhưng đến lượt Hậu, một trong những đại diện ưu tú nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại, bước đi trên con đường đầy sỏi đá và gập ghềnh mà những người tiền bối để lại, sự tự tin vào thành công của cậu từ người hâm mộ và giới chuyên gia bóng đá nước ta lại rất lớn.

Chắc chắn là phải có lý do, và điều ấy thì chính Hậu đã chứng tỏ. Chính sự ra đi vào thời điểm này, đến một đội bóng tầm trung - như một bậc thang cho những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp của Hậu, đã khẳng định.

Sự tin tưởng ấy rất khác với thái độ có vẻ hoài nghi bao trùm khi người hâm mộ biết tin Phượng sẽ đến Sint-Truidense.

Chờ tin vui từ Hậu.

Trương Anh Ngọc
Illustration: Như Ý

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/van-hau-sang-ha-lan-cung-nhung-co-may-ma-cong-phuong-khong-co-post987162.html