Vân Hồ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Trên địa bàn huyện Vân Hồ có lực lượng lao động khá dồi dào, trong đó 67% là lao động sản xuất nông nghiệp, còn lại là lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và lao động khác. Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về thị trường lao động; kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động để tìm kiếm việc làm cho lao động địa phương.

Đơn vị tuyển dụng tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên huyện Vân Hồ.

Hằng năm, huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các xã rà soát số lao động trong độ tuổi chưa có việc làm, nhu cầu học nghề và nguyện vọng của lao động, quan tâm lao động là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo. Theo dõi, thống kê tình trạng việc làm của lao động nông thôn do cơ sở đào tạo sau học nghề để có phương án giải quyết việc làm. Tăng cường liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp cùng tham gia dạy nghề; chú trọng dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động và hợp tác sau đào tạo.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, giới thiệu thông tin thị trường lao động trên địa bàn 14 xã cho hơn 700 người lao động. Tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp, thu hút 25 đơn vị, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, với trên 1.700 người lao động, đoàn viên, thanh niên đến từ các xã và trường học tham gia. Thông qua ngày hội, học sinh, sinh viên, người lao động được tư vấn trực tiếp, giải đáp thắc mắc, từ đó lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của bản thân. Đến nay, huyện có 3.258 người lao động làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện, UBND các xã tuyên truyền hưởng ứng ngày “Kỹ năng lao động Việt Nam” năm 2023. Phổ biến thông điệp về kỹ năng lao động, kỹ năng nghề, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về xây dựng lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng, năng lực, tay nghề cao. Căng treo 14 băng rôn, phát 1.000 tờ rơi và 100 tài liệu về vệ sinh an toàn lao động trong doanh nghiệp...

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thông tin, tuyên truyền về việc làm tại xã Xuân Nha.

Anh Mùi Bảo Quốc, bản Tưn, xã Xuân Nha, cho biết: Vừa qua, tại xã, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, giới thiệu việc làm trong và ngoài huyện; lao động tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tham gia hội nghị, tôi được giới thiệu, tư vấn việc làm; các chế độ đối với người lao động tại doanh nghiệp. Tôi dự định lựa chọn ứng tuyển vào Công ty TNHH IC Food Sơn La (bản Suối Lìn, xã Vân Hồ) để có công việc ổn định, nâng cao mức sống cho gia đình.

Bên cạnh đó, huyện còn kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng có đủ năng lực và pháp lý (doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Phối hợp với các doanh nghiệp, các xã tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu khái quát về ngành, nghề lĩnh vực doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, mức thu nhập, vị trí việc làm, trình độ yêu cầu; tư vấn, tuyển sinh các ngành nghề đào tạo cho đối tượng là du học sinh... Trong năm 2023, đã có 6 lao động của xã Chiềng Yên và xã Tân Xuân đi lao động ở nước ngoài.

Em Lý Thị Đông, lớp 12, Trường THPT Vân Hồ, cho biết: Tham gia Ngày hội tư vấn việc làm, em được tiếp cận với các thông tin về xuất khẩu lao động. Em đang nghiên cứu thêm hình thức xuất khẩu là du học sinh ngành điều dưỡng tại Nhật Bản. Được gia đình ủng hộ, sau khi tốt nghiệp THPT em sẽ làm hồ sơ để xuất khẩu lao động theo hướng này.

Đơn vị tuyển dụng tư vấn, giới thiệu vị trí việc làm cho người lao động huyện Vân Hồ.

Tiếp tục giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian tới, huyện Vân Hồ tích cực phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, kết nối các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, gắn chương trình đào tạo nghề với tuyển dụng bố trí việc làm cho người lao động. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề thường xuyên (dưới 3 tháng); tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho người dân… giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/trung-tam-gioi-thieu-viec-lam-tinh-son-la/van-ho-giai-quyet-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-oQJAlLISg.html