Văn hóa chao đảo trước đồng tiền?

Văn hóa suy đồi, vì sao? Phát biểu của ông Bộ trưởng Văn hóa tuần rồi ở Quốc hội dẫu sao cũng có thể chia sẻ trong một ý - chia sẻ chớ không đồng tình với tất cả phát biểu của ông: 'Sự xuống cấp của đạo đức xã hội chủ yếu xuất phát từ các ngành kinh tế. Chúng ta phải xử lý ở các lĩnh vực chứ không phải chỉ ở lĩnh vực văn hóa xã hội'.

Đúng là hiện nay đồng tiền hầu như ấn định mọi thứ trong xã hội gọi là chuyển tiếp này. Thực tế dường như đang có các xu hướng được định hình và thúc đẩy bởi thế giới kim tiền. Hơn chục năm trước, trong một số bài viết, tôi sử dụng cụm từ “xã hội tiêu thụ” để gọi xã hội đang “bắt đầu biến mình” này, mượn cụm từ “socíeté de consommation” trong tiếng Pháp, song mỗi lần như thế đều bị sửa thành “xã hội tiêu dùng”. Có thể vào thời điểm đó, xã hội chưa tới mức “xã hội tiêu thụ”, vẫn chỉ tiêu dùng mà thôi. Vậy mà, năm 2013, trên báo Nhân Dân cũng đã có một bài kêu gọi chống xã hội tiêu thụ (1). Cái gì phải tới, đã tới, cho dù có trễ.

Không rõ lời kêu gọi đó tác động tới đâu, song từ lâu rồi, hầu như các quảng cáo trên màn ảnh nhỏ, trên các bài báo mang tính “PR” cùng các chương trình quảng bá của các nhãn hàng đã định hướng sự tiêu thụ. Từ một mẩu quảng cáo nhanh như điện cho tới những kênh truyền hình “tám tới, tám lui” về món đồ này, món đồ kia, từ các sự kiện khai trương cửa hàng của hãng này cho tới chương trình giới thiệu sản phẩm của hãng nọ với khách mời toàn là “dàn sao”... So với những xã hội tiêu thụ đi trước mấy chục năm, là cả một sự khác biệt về đẳng cấp.

Từ những kích thích đó, tác động không dừng ở chỗ tiêu thụ hay chạy theo tiêu thụ, mà là ở chỗ làm sao chạy theo! Khi mà điều gọi là “đẳng cấp” được ấn định và đo lường bởi từng cái quần, cái áo, đến cái xe, cái căn hộ, cái biệt thự ở đây và ở kia (tận các chân trời xa lạ), vấn đề đặt ra là làm sao “theo kịp”. Thấp nhất cũng là cái quần, cái áo, cái xe hai bánh... cho tới những “đỉnh” mang tên “kim cương” và “elite”. Tạm lấy thí dụ: cách đây hai chục năm, “đỉnh” là “Nam Sài Gòn” hay vài tòa chung cư cao cấp trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM), nay phải là những căn hộ ven sông Sài Gòn hay các biệt phủ ở đây, ở kia!

Văn hóa chao đảo khi mà cái nhìn, cách nhìn như trên, cùng những người và vật đó, trở thành những chuẩn mực xã hội mới, và rồi xã hội (một phần) cứ thế mà hối hả chạy theo bằng mọi cách bất luận là “sạch” hay “bẩn”, riết rồi “bẩn” biến thành “sạch” trong cuộc sống, trong quan niệm sống, rồi nghiễm nhiên trở thành “tinh hoa”!

Sự chia sẻ với phát biểu của ông bộ trưởng dừng ở đó, còn lại là những băn khoăn về cách xây dựng và quản lý hoạt động văn hóa mà bộ có phần trách nhiệm. Trong cơn lốc kim tiền và “elite hóa” (tinh hoa) đó, công việc mà Bộ Văn hóa đang làm, như “... xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa, bản văn hóa, tổ chức hội nghị toàn quốc sau 18 năm để tổng kết phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa các chuẩn “gia đình văn hóa, phường, xã văn hóa...” rõ ràng là không tương thích với những chuẩn mực mới của xã hội mà báo Nhân Dân cách đây năm năm đề cập: “Không thể đẩy tới một xã hội tiêu thụ!”. Nhân câu chuyện ầm ĩ mấy tuần nay về các biệt phủ trong rừng phòng hộ ở Sóc Sơn, một hiện tượng không chỉ ở mấy xã đó, thử hỏi tấm bảng “gia đình văn hóa” hay “xã, huyện văn hóa” còn nặng được bao nhiêu?

Một kế hoạch hành động khác mà ông bộ trưởng cũng nêu ra trên diễn đàn Quốc hội, đó là “làm sao để ngày càng có nhiều bộ phim, tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, góp phần bồi bổ tâm hồn, xây dựng nhân cách, giáo dục đạo đức, đấu tranh với những biểu hiện xuống cấp đạo đức, phát huy tài năng, tâm huyết, trách nhiệm, ý thức công dân của đội ngũ văn - nghệ sĩ...”. Không rõ kế hoạch này sẽ thiết thực và có tác động đến đâu đối với cách đặt vấn đề như phân tích ở trên.

(1) http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/21904102-khong-the-day-toi-mot-xa-hoi-tieu-thu.html

Danh Đức

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281267/van-hoa-chao-dao-truoc-dong-tien-.html