Văn hóa công sở và danh dự gia đình

Làm người có chí hướng, ai cũng có nhu cầu thăng tiến và vinh hiển. Thế nhưng, văn hóa công sở phải bắt đầu từ sự tự trọng.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 - 2025” thì những vướng mắc xung quanh văn hóa công sở tiếp tục được soi rọi ở những góc độ mới.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến “Văn hóa công sở - thực trạng và giải pháp” do báo điện tử Đảng Cộng sản đăng cai, Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Triệu Văn Cường cho rằng: "Nhiều khi cán bộ vi phạm, họ xin thôi việc thì đó là một hình thức xử lý vi phạm rồi.

Hoặc cán bộ, công chức thấy không đủ năng lực, uy tín, tôi tin là nhiều người sẵn sàng chủ động xin thôi chức. Nhưng gia đình, dòng họ lại vẫn bị nặng nề quá, căng thẳng quá thì rất khó để những cán bộ này chủ động xin thôi chức. Họ sợ bị đánh giá, ảnh hưởng đến danh dự gia đình".

Liệu áp lực danh vọng có cản trở văn hóa công sở, mà cụ thể là văn hóa từ chức không? Chắc chắn không, nếu công chức thực sự xem công việc được giao như một trách nhiệm với cộng đồng, chứ không phải mưu cầu riêng tư. Khi đã nhận sự phân công của xã hội, thì tiêu chí cống hiến và phụng sự phải được đặt lên hàng đầu, chứ không phải câu chuyện chăm lo nồi canh niêu cơm nhà mình.

Làm người có chí hướng, ai cũng có nhu cầu thăng tiến và vinh hiển. Thế nhưng, văn hóa công sở phải bắt đầu từ sự tự trọng. Một công chức biết gìn giữ nhân phẩm thì cũng thừa khả năng để đánh giá năng lực bản thân ra sao. Khi mình không đảm đương được công việc, thì phải biết lui ra để nhường chỗ cho người khác. Đó là điều bình thường để góp phần thúc đẩy sự ổn định và sự tiến bộ của một đoàn thể và của một dân tộc.

Cái áo cà sa chưa bao giờ làm nên thân phận thầy tu. Xưa nay, chỉ có con người làm sang trọng cho cái ghế, chứ không có cái ghế nào có thể làm sang trọng cho con người. Nếu cố chấp và tham lam, cứ gắng gượng níu giữ danh vọng thì biểu hiện “y phục bất xứng kỳ đức” càng lộ rõ, sai lầm càng nghiêm trọng.

Văn hóa công chức được xây dựng trên nền tảng văn minh của những cá nhân được ủy nhiệm quyền lực. Văn hóa công chức không thể đổ lỗi cho người khác, và cũng không thể phiền lụy vì gia đình và dòng họ. Văn hóa từ chức không hề làm ảnh hưởng đến danh dự gia đình, mà chỉ khiến làm gia đình thêm tự hào vì có một thành viên biết tự trọng!

Trong những tiêu chí của phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 - 2025” có một điều then chốt là “chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần, thái độ làm việc tận tụy, nghiêm túc, trách nhiệm”. Nếu chuyên môn, nghiệp vụ không đáp ứng được yêu cầu của chức vụ đang đảm nhiệm, thì từ chức cũng chính là thái độ chuyên nghiệp của một công chức đích thực.

Và phải như vậy, mới đúng với tinh thần chỉ đạp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không thể có một công sở có văn hóa, nếu môi trường làm việc thiếu các chuẩn mực của văn hóa, nội bộ còn tồn tại căng thẳng, soi xét lẫn nhau, nghi ngờ, đố kỵ, bất hợp tác; mục tiêu làm việc chỉ chú trọng đến tiền lương, thay vì giá trị công việc được tạo ra và cống hiến…

Mỗi cán bộ, công chức là những con người có trái tim, có cảm xúc, có trí tuệ, có bản lĩnh, chứ không phải là những cỗ máy rô bốt, bàng quan, vô cảm. Do đó, cần thúc đẩy sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau, giúp khơi nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và cống hiến”.

Trong thời đại hội nhập, mỗi hành vi cá nhân đều được giám sát và điều chỉnh từ môi trường xung quanh. Vì vậy, đã đến lúc kiến thiết văn hóa công sở như một vẻ đẹp của đời sống hiện đại. Để làm được điều ấy, không thể không tuyệt đối xóa bỏ quan niệm lệch lạc “một người làm quan cả họ được nhờ”.

Phải hình thành suy nghĩ tích cực và đúng đắn rằng, người nhận lãnh chức vụ phải biết hy sinh những lợi ích cá nhân! Giá trị của một công chức nằm ở yếu tố đóng góp vào thành quả chung, chứ không phải nằm ở mức lương và bổng lộc mà cá nhân nhận được. Cố bám chức vụ để thu vén cho người thân, là một tệ nạn đáng xấu hổ. Mặt khác, văn hóa công sở càng không thể tồn tại trên ý thức đê hèn “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

TUY HÒA

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/van-hoa-cong-so-va-danh-du-gia-dinh-post254210.html