Văn hóa của nhà thơ?

Ở nước ta, dường như ai cũng có thể làm thơ. Thực trạng người người làm thơ khiến thơ bị 'rớt giá' thảm hại. Khủng hoảng thơ, thơ dở, người đọc quay lưng với thơ: 'Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Nói gì thì nói xin đừng đọc thơ'… đã khiến thơ ca trở thành câu chuyện để bông đùa tầm phào hay mang ra để chế giễu một người nào đó xưng danh nhà thơ.

Thơ bỗng thành một cái cớ để người ta xem thường nhau, trong khi, lẽ ra thơ phải đứng ở hàng đầu trong thang bậc các loại thể, loại hình sáng tạo nghệ thuật.

Cứ cho rằng, rất nhiều tập thơ là “thứ nộm nhạt phèo”, tầm thơ báo tường, và nếu thế thật, việc lọc bỏ khỏi sự quan tâm của công chúng cũng không có gì phải đắn đo. Chỉ xin nói đến phần còn lại, nghĩa là rất ít những tác giả, tác phẩm có thể xứng đáng được gọi là thi sĩ-thi phẩm. Nhưng, ngay tại đó, không chỉ có hoài nghi mà chính những tác phẩm đã được khẳng định, là những thi phẩm thực sự, tác giả của nó là những thi sĩ đích thực, câu hỏi làm sao để nhà thơ trở thành nhà thơ lớn, trở thành dấu mốc không thể không nhắc đến trong lịch sử thơ ca dân tộc, vẫn được đặt ra. Câu hỏi đó buộc chúng ta phải tư duy về cái cách mà người ta đã trở thành thi sĩ cũng như chiến lược hiện diện, tạo dựng giá trị của nhà thơ.

Có một thực tế, ngay cả những nhà thơ có tiếng, được đông đảo bạn đọc biết đến ở ta, dường như họ chưa bao giờ đặt ra cho mình câu hỏi: Tập thơ này của mình hướng đến điều gì? Con đường thơ ca của mình sẽ đi ra sao? Đời thơ của một thi sĩ rốt cuộc đem lại giá trị cốt lõi gì cho đời sống tinh thần của con người, cho mĩ học thơ ca và cho lịch sử nghệ thuật? Phần lớn, như chúng ta thấy, thơ vẫn ra đời trong trạng thái xúc cảm bột phát nhân sự kiện, hoàn cảnh nào đó mà nhà thơ bắt gặp, lâm vào. Cơ chế này tạo ra hình thái ngâm vịnh, biểu tả nổi bật của thơ khiến cho thơ là một môi trường của sự tản mạn, vụn vặt, rời rạc hay nông cạn. Trong rất nhiều sự chán chường, có cái chán khi gặp phải những bài thơ dở. Nhưng, dù có gặp bài thơ hay trong một tập thơ rời rạc, không có bố cục, cấu trúc, không có tư tưởng chủ đạo, ý tưởng chỉnh thể nghệ thuật, ta vẫn buồn vì sự hời hợt, thậm chí là kém cỏi của nhà thơ. Tập thơ không phải là một sự ky cóp góp nhặt sau một thời gian sáng tác. Tập thơ là một ngôi nhà, một công trình mà nhà thơ là người thiết kế, kiến tạo. Ý tưởng của cả tập phải được kết tinh, xâu chuỗi từ mỗi bài. Mỗi bài thơ có vị trí riêng của nó trong tập, hướng đến hay làm sáng rõ tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Một tập, hai tập, nhiều tập, một đời thơ cũng như thế. Nghĩa là, nhà thơ phải luôn ý thức được giá trị thẩm mỹ, tư tưởng nghệ thuật, tư tưởng nhân sinh để vận hành cỗ máy sáng tạo của mình. Thơ bởi thế, dù là thiên về xúc cảm, nhưng đâu phải là sự tùy tiện. Sự tùy tiện (mà nguyên nhân chính từ việc không có tư duy chiến lược về sáng tạo nghệ thuật) dẫn đến mặt bằng chung ngâm vịnh, biểu tả như ta đang thấy khá phổ biến trong đời sống thơ ca hiện nay.

Việc có ý thức về chiến lược sáng tạo cũng như để tâm-ý vào việc cấu trúc tác phẩm theo một trục thẩm mỹ xuyên suốt trong tập thơ-đời thơ là rất quan trọng. Tuy nhiên, chừng ấy chưa làm cho một nhà thơ trở thành tác gia quan trọng của lịch sử thơ ca, mỹ học. Tài năng chính là cơ sở đầu tiên, quan trọng nhất. Đương nhiên! Nhưng, có tài năng cũng chưa chắc trở thành thi sĩ lớn. Tài năng đó cần được tu dưỡng, cần được rèn luyện và bồi trúc trong cuộc sống, học tập, nghiên cứu, thể nghiệm không ngừng. Năng khiếu thơ ca cần phải được phát triển trên cái nền của “văn hóa thơ”. Nhà thơ lớn chắc chắc ngoài tài năng cần phải có một văn hóa thơ sâu, rộng và vững vàng. Văn hóa thơ là khái niệm mà nhà phê bình Chu Văn Sơn đưa ra trong khá nhiều lần tôi có dịp nói chuyện cùng với ông. Tôi cho rằng, quan niệm đó là chính xác. Bởi lẽ, nếu không có văn hóa thơ cảm xúc, tài năng dễ rơi vào vụn vặt và có thể sẽ bị tắt lụi. Nguyễn Bính ít học ở trường lớp nhưng văn hóa thơ của ông vẫn sâu rộng vững vàng vì ông sống trải một cách sâu sắc với dân gian. Căn nền văn hóa của ông là văn hóa dân gian. Từ căn cốt ấy, trong một nỗi ám ảnh, day dứt và đau đớn khôn nguôi, Nguyễn Bính vượt lên để trở thành thi sĩ đồng quê hàng đầu trong lịch sử thơ ca Việt Nam (hãy nhìn sang Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Nguyễn Nhược Pháp… để thấy tại sao Nguyễn Bính trở thành thi sĩ lớn, vượt lên những tác giả khác cùng trường phái, khuynh hướng).

Trở lại với thơ Việt Nam đương đại, câu chuyện văn hóa thơ có thể đặt ra cho bất kỳ người làm thơ nào, và đáp án có thể hình dung trước được. Việc phải am tường lịch sử mỹ học, thơ ca Việt Nam, rộng ra là thơ ca thế giới, biết được các khuynh hướng, trường phái, các chủ nghĩa, nắm được từng bước đi của mỹ học thơ ca quả là điều không dễ dàng gì, với tất cả chúng ta. Nhưng ý thức học tập, nghiên cứu là điều nên có ở một nhà thơ lớn (hướng đến những sáng tạo lớn). Dĩ nhiên, người am hiểu có thể không phải là nhà thơ, nhưng nhà thơ thì nên am tường những tri thức-văn hóa đó. Tài năng lớn cộng với một văn hóa thơ sâu dày chính là cơ sở cho một hành trình thơ ca đầy hứa hẹn.

Một điều nữa, thời bây giờ, thơ ca đã rời bỏ những yếu tố bản năng. Đúng hơn, bản năng không quyết định tất cả nữa. Thơ là thể loại hướng tới cái chủ quan của bản thể, nhưng chỉ lợi dụng bản năng, đào sâu, ăn bám vào bản năng sẽ chỉ đem đến những trình hiện đầy xa lạ. Vẫn là cái tôi bản thể đó, nhưng phải gắn vào các đặc tính phổ quát của con người-loài người, trên căn nền của văn hóa thơ rộng sâu và tài năng thiên phú, thi sĩ lớn sẽ ra đời. Câu chuyện đó, nói thì dễ vậy, nhưng để thực hiện được, để có thể “cất bước” xem ra cũng rất khó khăn-chưa nói chuyện có thành công hay không. Dẫu sao, từ quan sát của một người đọc, việc nêu lên ý kiến của mình, với tôi, cũng như là một lần được bộc bạch, với niềm hy vọng về những thành quả tốt đẹp hơn ở phía trước.

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/van-hoa-cua-nha-tho-542642