Văn hóa đi từ gia đình ra xã hội

KTĐT -Thực tế cho thấy, cha mẹ là những người đầu tiên có ảnh hưởng đến quá trình hình thành hành vi, đạo đức của con trẻ. Tấm gương của cha mẹ trong việc lựa chọn các mục tiêu sống, tổ chức cuộc sống hay trong quá trình nuôi dạy con trở thành những mẫu mực và hình thành nên văn hóa gia đình. Sự gương mẫu của cha mẹ được thể hiện ở lối sống, nếp sống và những thói quen hàng ngày. Văn hóa phải đi từ gia đình ra xã hội.

Nhiều người cho rằng, không môi trường nào có những ảnh hưởng đến hành vi của con người bằng gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, thiêng liêng đối với mọi người. Tính chất thiêng liêng trong quan hệ ruột thịt là nhân tố có sức cảm hóa và thôi thúc các thành viên tự "hấp thụ” những giá trị gia đình một cách hiển nhiên. Với những đặc điểm như vậy, gia đình rất cần có những quy tắc, chuẩn mực để hình thành bệ phóng cho những nhân cách tốt đẹp. Bà Nguyễn Kim Khuê, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hàng Bạc, người vừa được nhận bằng khen phụ nữ điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của Hội LHPN Hà Nội, là cán bộ về hưu nhiệt tình, luôn giúp đỡ mọi người và điều khiến mọi người cảm phục là phong cách ứng xử văn hóa. Bà Khuê cũng là người đạt giải nhất cuộc thi của quận Hoàn Kiếm với chủ đề “Văn hóa ứng xử của phụ nữ trong gia đình”. Theo bà Khuê, để làm tốt công việc của mình, thuyết phục được người khác nghe mình, trước tiên, phải gương mẫu, gương mẫu trong văn hóa, giao tiếp, ứng xử. Ứng xử trong gia đình chính là phương châm trong giáo dục, dạy dỗ con cái từ nhỏ, đó là phải biết yêu thương, quan tâm tới nhau và phải sống có trách nhiệm: trách nhiệm với gia đình, với người thân, bạn bè và rộng hơn là trở thành một công dân tốt, sống có ích cho xã hội. Bà Khuê cho rằng, điều này rất quan trọng vì văn hóa ứng xử trong gia đình có ảnh hưởng lớn đến cách hành xử của các thành viên trong gia đình ấy ngoài xã hội. Đặc biệt, trong gia đình người phụ nữ chính là người giúp hình thành nhân cách cho con cái. Khung văn hóa thể hiện ở cách đi đứng, ăn nói và điều này giúp hình thành nhân cách. Người mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho con cái. Người mẹ tốt là người phải giáo dục cách ứng xử tốt cho con từ cách ăn mặc, đối nhân xử thế. Văn hóa ứng xử phải đi từ gia đình ra xã hội. Văn hóa gia đình có thể được bộc lộ qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều có những tác dụng nhất định và mức độ tác dụng tùy thuộc vào các giá trị đã được hình thành. Các nét văn hóa phù hợp sẽ trở thành nhân tố tích cực trong quá trình tác động hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách trẻ em. Nhiều khi đó chỉ là hành động thể hiện sự yêu thương, quan tâm, lo lắng cho những người thân xung quanh, song đó lại thể hiện cốt cách văn hóa của con người trong gia đình. Văn hóa cộng đồng xã hội cũng bắt nguồn, hun đúc từ cái “nôi” ấy. Những người làm văn hóa cho rằng, văn hóa gia đình cũng mang tính thời đại, không nên áp đặt những gì là phong kiếncủa cha ông mà phải biết lựa chọn. Những gì hay, những gì đẹp của thời kỳ phong kiến cũng cần giữ vững. ví dụ như nữ công gia chánh… nhưng phải biết phát huy thế mạnh về ngoại ngữ, tin học, tri thức. Tuy nhiên, khi những ảnh hưởng từ các yếu tố tiêu cực của văn hóa ngoại lai đang tác động xấu đến tình cảm và nhận thức của một bộ phận không nhỏ các thành viên trong gia đình như coi trọng, đề cao quá mức, thậm chí tôn sùng các giá trị vật chất, làm bào mòn dần những quan niệm thuộc giá trị truyền thống của văn hóa gia đình. Việc xây dựng và hun đúc văn hóa gia đình lại càng được đặt ra. Bởi để ứng xử tốt với nhau sao cho có văn hóa, trước hết mình phải là người có văn hóa, mà văn hóa ấy không phải “từ trên trời rơi xuống”, có ngay ở xung quanh cuộc sống đời thường, từ sự tiếp cận học hỏi lẫn nhau đến giáo dục căn bản từ gia đình, nhà trường ra đến xã hội. Không ít người trong các hội thảo về xây dựng gia đình văn hóa còn đưa ra chiến lược lâu dài cần hướng tới như phải có chương trình giáo dục văn hóa gia đình cho học sinh, bởi đây là những chủ thể, hạt nhân của các gia đình trong tương lai. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giới trẻ cần được trang bị những kiến thức nền tảng về văn hóa gia đình. Những cách hành xử phù hợp, những bài học về mối quan hệ yêu thương, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình sẽ là hành trang quan trọng để mỗi người có thể giải quyết được những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Những mô hình về gia đình văn hóa, những tấm gương cha mẹ nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, giỏi giang hay con cháu lễ nghĩa hiếu thuận với ông bà, cha mẹ cần được nhân rộng phổ biến. Văn hóa gia đình không phải là vấn đề quá xa xôi, trừu tượng, nó thể hiện ngay trong những hành động, suy nghĩ, cách hành xử của mỗi người trong cuộc sống thường ngày. Hà Bình

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=55&newsid=180618