Văn hóa doanh nghiệp hướng tới bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ

Giải thưởng Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ nhằm mục đích khuyến khích và công nhận nỗ lực của các công ty có các chương trình và hành động nhằm tạo ra văn hóa doanh nghiệp hướng tới bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức và thu hút ngày càng nhiều các công ty vận dụng các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ trong doanh nghiệp của mình.

Nhân kỷ niệm 10 năm ra đời Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs), kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố Hành động Bắc Kinh và nhằm thúc đẩy việc triển khai luật Bình đẳng giới trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc vận dụng WEPs, WeEmpowerAsia tổ chức Giải thưởng Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) lần đầu tiên ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Giải thưởng Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) ngày 8/9.

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC nhấn mạnh: "Với chức năng và nhiệm vụ của mình, suốt 20 năm qua, VWEC đã triển khai rất nhiều hoạt động để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nữ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Một trong những ưu tiên là thúc đẩy các hoạt dộng nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu"

VWEC tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc thông qua việc vận dụng Các Nguyên tắc WEPs. Qua đó, VWEC vận động, thúc đẩy việc xây dựng các hành lang pháp lý mang tính bình đẳng giới như Bộ luật Lao động, Luật bình đẳng giới, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… UN Women là một trong những đối tác chiến lược của VWEC trong thời gian qua trong thực hiện dự án WeEmpower Asia tại Việt Nam từ năm 2019 đến 2021. VWEC cũng đã phối hợp với UN Women triển khai 2 mảng hoạt động lớn: Nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thông qua tập huấn, đào tạo, hội thảo; Tăng cường sự tham gia của khu vực tư trong việc thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách vận dụng WEPs. Lễ phát động Giải thưởng WEPs là cốt lõi của hoạt động này. Theo bà Minh, bình đẳng thực chất sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm, lan tỏa sự ảnh hưởng của phụ nữ và nam giới trong xây dựng và phát triển kinh tế và thịnh vượng chung của quốc gia.

Chủ tịch VWEC Nguyễn Thị Tuyết Minh và Trưởng Đại diện UN WOMEN Elisa Fernandez Saenz

Còn bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng Đại diện UN WOMEN - chia sẻ, giữa đầu tư cho việc làm của phụ nữ và thu nhập bình quân đầu người có mối tương quan trực tiếp. Những quốc gia có tỷ lệ bình đẳng giới cao hơn sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn. Tương tự, những doanh nghiệp có tỷ lệ bình đẳng giới cao hơn sẽ có lợi nhuận cao hơn, năng suất và năng lực cạnh tranh cao hơn, có lực lượng lao động và môi trường làm việc tốt hơn.

WeEmpowerAsia (Tăng cường Quyền năng Kinh tế của Phụ nữ tại Châu Á) là Chương trình hợp tác giữa Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Liên minh châu Âu (EU). Chương trình đang triển khai tại 7 quốc gia có thu nhập trung bình thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Chương trình hướng đến mục tiêu ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia và tiếp cận các cơ hội việc làm, kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hiện là đối tác quốc gia của UN Women triển khai chương trình WeEmpowerAsia tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp tham gia sự kiện

Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs), là sáng kiến chung của UN Women và UN Global Compact, bao gồm 7 bước mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng. Áp dụng các nguyên tắc này, các doanh nghiệp sẽ có thể tạo điều kiện để phụ nữ tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế thuộc các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế. Ký các tuyên bố, các doanh nghiệp thể hiện cam kết đối với của bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.Trên toàn thế giới đã có 3.358 lãnh đạo doanh nghiệp cam kết ủng hộ các WEPs, trong đó có 67 lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam.

* Giải thưởng Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (Weps)" có các hạng mục:

-Lãnh đạo cam kết (trên 30 tuổi, dưới 30 tuổi)

-Bình đẳng giới tại nơi làm việc

-Bình đẳng giới tại thị trường

-Bình đẳng giới thông qua tham gia vào cộng đồng và trong ngành

-Bình đẳng giới thông qua hành động trong đại dịch Covid-19

* Đối tượng tham gia giải thưởng:

Tất cả các doanh nghiệp ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương, không phân biệt quy mô hoặc ngành nghề, có các chương trình và thực tiễn tốt về thúc đẩy bình đẳng giới đáp ứng một hoặc nhiều hạng mục của Giải thưởng và có Giám đốc điều hành (CEO) đã từng ký Tuyên bố ủng hộ WEPs. Các doanh nghiệp có thể đăng ký tham gia tối đa 2 trong số 5 hạng mục giải thưởng. Ban tổ chức giải thưởng WEPs nhận hồ sơ từ ngày 26/8 đến 25/9/2020 tại website www.asiapacificwepsawards.org.

* 2 lễ trao giải:

Giải quốc gia tại Việt Nam vào trung tuần tháng 11/2020 và giải cấp khu vực ở Thái Lan ngày 12/2020.

Ngự Bình - Ảnh: Thu Sương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/van-hoa-doanh-nghiep-huong-toi-binh-dang-gioi-va-trao-quyen-cho-phu-nu-20200908135256039.htm