Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh: Góp phần khẳng định thương hiệu bền vững

Hội thảo 'Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh' với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân được tổ chức sáng ngày 18/9 tại Hà Nội.

Hội thảo do Báo Văn hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BSCI) phối hợp tổ chức.

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh luôn là một vấn đề thời sự, một câu chuyện nóng bỏng. Chưa bao giờ, các doanh nghiệp, doanh nhân được quan tâm nhiều như hiện nay. Cũng chưa bao giờ vấn đề văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh lại được chú trọng đến vậy. Đây chính là chìa khóa mang lại thành công cho doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chính là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của mỗi doanh nghiệp. Nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp đã khẳng định, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức kinh doanh thì thiệt thòi là chính các doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh, không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng; nhiều doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể...

Điều phối chương trình, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: "Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Liệu văn hóa có trở thành ngọn đuốc soi đường cho hoạt động, triết lý kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam? Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh chính là triết lý then chốt cho sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp...”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc điều phối chương trình

Chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh, ông Johan Alvin - Bí thư thứ 2, Trưởng Ban thương mại Đại sứ quán Thụy Điển - nhấn mạnh: “Yếu tố giúp chúng tôi thành công trong văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh là không câu nệ hình thức trong môi trường doanh nghiệp và trong tổ chức, chúng tôi muốn tạo ra môi trường không có danh giới giữa mọi cá nhân. Bên cạnh đó, khi đưa ra những quyết định giải quyết khó khăn, chúng tôi đều khuyến khích toàn bộ nhân viên, đối tác, đồng nghiệp tham gia vào quá trình đưa ra sáng kiến. Ngoài ra, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống giữa mỗi cá nhân trong doanh nghiệp, môi trường thoải mái giúp chúng tôi có tư duy tốt, đưa ra những sáng tạo hiệu quả để phát triển công ty".

Ông Johan Alvin - Bí thư thứ 2, Trưởng Ban thương mại Đại sứ quán Thụy Điển - chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh

PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học BSCI - thì khẳng định: “Chúng ta phải hiểu một triết lý trong kinh doanh là luôn tối đa hóa lợi ích cho khách hàng. Không có nghĩa cho họ nhiều tiền hơn, làm hàng rẻ hơn mà làm họ hài lòng hơn. Điều này chỉ có được khi doanh nghiệp xây dựng được một nền tảng văn hóa cho mình”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp, doanh nhân

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những bất cập của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập, PGS.TS Đỗ Minh Cương – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa doanh nghiệp, Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa doanh nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội – thẳng thắn: Bất cập trước hết là nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp chưa đầy đủ về vai trò và tác dụng của văn hóa doanh nghiệp, nên họ xây dựng văn hóa doanh nghiệp với mục tiêu và tác dụng không đầy đủ và không đúng về bản chất cũng như phương thức quản trị. Nguyên nhân thứ hai là xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang tính tự phát. Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp làm một kiểu. Thứ ba là vấn đề thực thi. Trên thì quyết tâm, dưới thì lại nhiều hành vi nhũng nhiễu cản trở. Theo tôi nghĩ cái cản trở hiện nay chính là tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ công chức liên quan đến hoạt động doanh nghiệp. Chính phủ cũng nhận thức rõ được điều này nên đang cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, nâng cao tự chủ và đẩy mạnh những mối liên kết tương tác hiệu quả giữa doanh nghiệp. Do đó, cùng với xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Chính phủ cần phải có phong trào xây dựng văn hóa công chức.

Nói về những lợi ích mà văn hóa doanh nghiệp mang lại, ông Hán Hữu Hải – Tổng giám đốc Your TV Group - chia sẻ: “Lúc đầu triển khai, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi đây là một cái gì đó rất vô hình. Nhưng khi triển khai hàng ngày và thường xuyên thì cả doanh nghiệp bắt đầu thấy tinh thần làm việc tăng lên và uy tín của mỗi người cũng tăng theo; từ đó hiệu quả công việc được cải thiện rõ rệt, sản phẩm tạo ra cũng có sức cạnh tranh cao hơn. Chúng tôi coi đó là giá trị hữu ích thật sự”.

Ông Phạm Đức Bình - CEO Công ty Cổ phần Công nghệ BNC Việt Nam - lại đề cập tới văn hóa doanh nghiệp ở một khía cạnh khác: Nghe cụm từ văn hóa doanh nghiệp có vẻ rất trìu tượng, nhưng thực tế là từ những hành vi nhỏ nhất của những người đứng đầu, rồi nhân viên, cộng sự. Mỗi người nhận thức được trách nhiệm sẽ mang giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp mình, cho đất nước mình

Nhiều tham luận, ý kiến thiết thực, đa chiều đã đưa ra tại hội thảo như: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo sức mạnh cạnh tranh doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0; Xây dựng văn hóa tại các doanh nghiệp Thụy Điển và những tác động đến phát triển doanh nghiệp; Thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp; Tương quan giữa đạo đức kinh doanh và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay… Song song đó, hai chủ đề được bàn thảo trong khuôn khổ hội thảo gồm: Những bất cập của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập- nguyên nhân và giải pháp; Đạo đức kinh doanh và gia tăng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp - cũng thu hút sự quan tâm và nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi.

Hoàng Lan - Chu Nghĩa

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/van-hoa-doanh-nghiep-va-dao-duc-kinh-doanh-gop-phan-khang-dinh-thuong-hieu-ben-vung-108973.html