Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh

Sáng ngày 18/9, Báo Văn hóa (Bộ VHTTDL) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức hội thảo Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh.

Ảnh: Phương Thảo

Hội thảo nhằm tổ chức một diễn đàn với sự trao đổi thẳng thắn, đa chiều về văn hóa, đạo đức, trách nhiệm xã hội, triết lý kinh doanh của doanh nghiệp từ đó tạo môi trường thuận lợi nhằm cải tạo, xây dựng và phát huy văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước.

Đây là cơ hội quý báu để các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và văn hóa gặp gỡ, thảo luận, từ đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hóa gây tổn hại tới các doanh nghiệp.

Tại hội thảo PGS, TS, GVCC Đỗ Minh Cương - Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội PTVHDN Việt Nam cho biết: Việc xây dựng và quản trị VHDN của Việt Nam trong tương lai cũng phải được kiến tạo, chuẩn hóa theo bốn nguyên tắc sau: Tăng cường giao tiếp, tương tác; Minh bạch thông tin; Công nghệ hỗ trợ; Phân quyền ra quyết định. Và cần bổ sung thêm nguyên tắc thứ năm, là nguyên tắc chỉ đạo về quan điểm, thái độ và cách tiếp cận về sự đầu tư, phát triển công nghiệp và nền kinh tế 4.0. Đó là: Sự phát triển các công nghệ và mô hình kinh doanh mới phải tuân thủ các nguyên tắc và nghĩa vụ đạo đức, nhân văn. Công nghiệp, máy móc là để phục vụ con người và vì sự phát triển toàn diện của con người. Chúng ta không được phép chỉ vì lý do duy nhất là nâng cao hiệu quả, theo đuổi lợi nhuận mà đẩy hàng vạn, hàng triệu công nhân mất việc ra đường; cần cho họ có cơ hội và được hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp, di chuyển sang các công việc khác có mức thu nhập ít nhất là không kém nhiều so với ở chỗ làm cũ.

Tôn trọng và trách nhiệm là những tôn chỉ hợp tác của doanh nghiệp. Đó cũng là thông điệp mà CEO Phạm Đức Bình Công ty Cổ phần Công nghệ BNC Việt Nam muốn nói đến. Trong doanh nghiệp ngày nay, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào thì xây dựng văn hóa doanh nghiệp đều là nhiệm vụ bắt buộc phải làm nếu muốn phát triển bền vững. Trong đó sự tác động của thương hiệu tới văn hóa là vô cùng to lớn. Như vậy, trong kinh doanh, chúng ta không chỉ cần chú ý đến văn hóa hữu hình mà còn phải quan tâm phát triển những cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp. Điều quan trọng là trong văn hóa doanh nghiệp, những giá trị hữu hình và vô hình phải luôn đan xen và bổ trợ lẫn nhau chứ không phải cản trở nhau. Xây dựng được một thương hiệu mạnh đem lại cho doanh nghiệp nhiều thứ, trong đó có những thứ không lượng hóa được như uy tín, quan hệ, sự nổi tiếng…

Quan điểm của CEO Phạm Đức Bình khi xây dựng BNC, đó là đề cao sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng nhân tố trong công ty là những mắt xích quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động và vận hành của công ty. Mỗi lãnh đạo công ty đều là người thầy, là người anh giàu kinh nghiệm. Ở BNC, không có khái niệm khoảng cách giữa sếp và nhân viên, chỉ có sự sát cánh chung sức đồng lòng, để phát triển dựng xây công ty ngày một vững mạnh.

Phương Thảo

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/van-hoa-doanh-nghiep-va-dao-duc-kinh-doanh-45035