Văn hóa doanh nghiệp - Yếu tố thể hiện tinh thần doanh nghiệp

Yếu tố văn hóa luôn hình thành song song với quá trình phát triển của doanh nghiệp. Văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu điều tiết các mối quan hệ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu, tao ra giá trị sản phẩm của doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp có một cách nhìn và phương thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp khác nhau. Theo Gold K.A, văn hóa doanh nghiệp được coi như phẩm chất riêng biệt của tổ chức được nhận thức phân biệt nó với các tổ chức khác trong lĩnh vực.

Hay văn hóa doanh nghiệp là những niềm tin, thái độ và giá trị tồn tại phổ biến và tương đối ổn định trong doanh nghiệp. Chia sẻ tại Tọa đàm “Phát triển văn hóa doanh nghiệp song song phát triển kinh tế”, chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI cho biết: Văn hóa doanh nghiệp là một thành tố quan trọng thiết yếu tạo ra văn minh quản trị, chất lượng và giá trị thương hiệu, sự uy tín của doanh nghiệp với cộng đồng.

Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI

Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI

Từ năm 1998, văn hóa doanh nghiệp đã đi vào thực tiễn của đào tạo, ứng dụng tại các doanh nghiệp tại Việt Nam. Cho đến hiện tại, hơn 20 năm, văn hóa doanh nghiệp đã trở thành một thành số quan trọng thiết yếu tạo ra văn minh quản trị, chất lượng và giá trị thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp với cộng đồng.

Bởi văn hóa sẽ là nền tảng tinh thần và là mục tiêu, động lực điều tiết các mối quan hệ trong doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Đây cũng là những tiêu chí tiên quyết trong việc xây dựng thương hiệu cho một doanh nghiệp, giá trị sản phẩm cho người tiêu dùng, từ đó quyết định đời sống của doanh nghiêp cũng như đời sống sản phẩm được người tiêu dùng sử dụng lâu hay chóng.

Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững và hội nhập thì cần phát triển phát triển văn hóa tổ chức. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo cho doanh nghiệp đó một phong cách, một văn hóa riêng từ hệ giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ (Doanh nghiệp SME) vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh cho rằng, doanh nghiệp SME có một hạn chế lớn đó là cần thường xuyên phải quan tâm đến câu chuyện chi phí, quản lý dòng tiền. Điều này dẫn đến việc đầu tư xây dựng văn hóa của doanh nghiệp bị sao nhãng, hoặc nói cách khác là thiếu đi phương pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp toàn diện. Doanh nghiệp SME chưa thực sự khiến văn hóa doanh nghiệp trở thành yếu tố trụ cột và là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Ngược lại, với những doanh nghiệp có quy mô lớn, nhờ hoạt động thâm nhập thị trường, đặc biệt là quá trình hội nhập kinh tế ở các vùng miền và nhiều quốc gia nên những doanh nghiệp này thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong kinh doanh. Đồng thời, họ cũng học hỏi được văn hóa thương mại, văn hóa đầu tư, quản trị… từ các đối tác khiến cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp riêng trở nên dễ dàng hơn.

Ảnh minh họa

Nếu cơ sở vật chất và trang thiết bị là “phần xác” của doanh nghiệp, thì văn hóa chính là “phần hồn” của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình góp phần tạo nên sức mạnh lớn lao của doanh nghiệp. Nói cách khác một nền văn hóa mạnh mẽ là chính là giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp.

Trong một doanh nghiệp là một tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, văn hóa, mức độ nhận thức, quan hệ xã hội, vùng miền, tư tưởng văn hóa… tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, buộc các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển phải liên tục tìm tòi những cái mới, sáng tạo và thay đổi cho phù hợp với thực tế.

Văn hóa của doanh nghiệp giống như “cá tính” của doanh nghiệp đó. Ở mỗi cá nhân, cá tính giúp phân biệt người này với người khác, “văn hóa” cũng chính là bản sắc riêng giúp một doanh nghiệp không thể lẫn với doanh nghiệp khác dù có cùng hoạt động trong một lĩnh vực và cung cấp những sản phẩm tương tự ra thị trường.

Ba mối quan hệ cơ bản trong văn hóa doanh nghiệp bao gồm: mối quan hệ trong nội bộ công ty, với khách hàng, mối quan hệ khác ngoài doanh nghiệp. Điểm nổi bật của những doanh nghiệp thành công là có cách đối xử đẹp với khách hàng, với chính quyền với cả cộng đồng bằng nền văn hóa riêng biệt.

Đặc biệt, văn hóa doanh nghiệp giúp nhân viên thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc mình làm. Văn hóa doanh nghiệp phù hợp khiến nhân viên có cảm giác mình làm công việc có ý nghĩa hãnh diện vì là một thành viên của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Từ đó, năng suất lao động của nhân viên sẽ tăng hiệu quả và tạo sự khác biệt trên thị trường. Hiệu quả và sự khác biệt này sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt trên thị trường. Điều này càng có ý nghĩa khi tình trạng “chảy máu chất xám” đang phổ biến.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình kiên nhẫn, lâu dài và đòi hỏi ý chí lớn lao của từng nhà lãnh đạo, cán bộ công ty. Theo chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh, trong kinh doanh phải quyết tâm nhưng xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần quyết tâm 1000 lần.

Do đó, để xây dựng văn hóa doanh nghiệp không thể chậm trễ hay chờ đợi, đặc biệt là với các doanh nghiệp SME, không thể chờ có quy mô, có điều kiện mới xây dựng văn hóa. Xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, trước hết phải là ý chí xây dựng văn hóa của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Sau đó phải qua công tác giáo dục để nhân viên hiểu, chấp nhận chia sẻ và đi đến sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp đó. Ngoài ra, muốn xây dựng xây dựng văn hóa thì phải biết phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong công ty. Thiếu sự hợp lực này thì văn hóa doanh nghiệp sẽ không xây dựng được.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/kinh-te-doanh-nghiep/van-hoa-doanh-nghiep-yeu-to-the-hien-tinh-than-doanh-nghiep-166273.html