Văn hóa đọc trong 'cơn bão 4.0'

Mỗi ngày, thay vì lướt Facebook, xem tivi… chúng ta tĩnh tâm đọc vài trang sách. Các bạn sẽ thấy, có những lúc, chính những cuốn sách sẽ cứu rỗi linh hồn mình. 'Bởi vì sách là thầy, sách là bạn và sách là thế giới'.

Mỗi tuần nên đưa trẻ em đến hiệu sách một lần. Ảnh: Quang Vinh.

Mỗi tuần nên đưa trẻ em đến hiệu sách một lần. Ảnh: Quang Vinh.

1. Từ một đứa trẻ đọc ké sách ở chợ quê

Những năm 80, lúc chưa đến tuổi đi học, ông nội tôi (là một giáo viên tiểu học đã nghỉ hưu), đã dạy cho chị em chúng tôi biết đọc, biết viết và biết làm những phép tính đơn giản; thậm chí ông còn dắt tay tôi đến trường để xin cho tôi đi học sớm vì tôi đã hoàn thành chương trình lớp một trước bạn bè cùng trang lứa. Nhưng thật tiếc là tôi bị từ chối nên đành lủi thủi ra về tự đọc sách ở nhà thêm một năm nữa chờ đủ tuổi.

Hồi ấy, ở nông thôn, sách rất hiếm hoi, không có hiệu sách, lại càng không có thư viện, báo chí hầu như cũng vắng bóng. Có thể ở đâu đó trong các văn phòng UBND xã, huyện… sẽ có báo dành cho cán bộ, công chức, nhưng một đứa trẻ như tôi không thể tiếp cận được. Thật may vì ông nội tôi là thầy giáo, thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Hán nên có khá nhiều sách. Trong ngõ nhà tôi có một ông họ gần, cũng có nhiều sách nhưng toàn dành cho người cao tuổi như Tam quốc chí, Tam quốc diễn nghĩa, Tiết Nhơn Quý chinh đông, chinh tây gì đó mà chúng tôi đọc nhưng không hiểu được bao nhiêu. Thế mà chị em chúng tôi cũng đọc nghiến ngấu hết cả hai cái tủ sách ấy.

Một ngày, lúc theo mẹ ra chợ chơi, tôi vô cùng sung sướng khi phát hiện ra lẫn trong đống hàng tạp hóa của một ông lão là những cuốn truyện cổ tích màu sắc sặc sỡ. Ngay lập tức, tôi bị hút vào đó. Mẹ tôi gọi tôi đi nhưng tôi nhất định không đi. Bà đành dặn tôi cứ đứng nguyên đó, không được đi đâu kẻo lạc, tí bà sẽ quay lại đón. Tôi cầm một cuốn sách lên đọc thử. Sách mỏng, chữ to, có thêm nhiều tranh minh họa nên đọc vèo một cái là hết. Cứ thế, tôi đọc hết cuốn nọ đến cuốn kia cho đến khi nghe tiếng nhắc của ông lão bán hàng thì tôi mới giật mình ngẩng mặt lên. Ông hỏi tôi mua cuốn nào. Tôi ngớ người ra lúng túng không biết trả lời ra sao vì tôi không có tiền…

Bố tôi công tác ngoài Hà Nội, cuối tuần mới về nhà. Cứ đến chiều thứ Bảy, chị em chúng tôi lại rủ nhau tắm rửa sạch sẽ thật sớm rồi dắt nhau ra đầu làng đón bố. Ngóng bố vì nhớ bố, chúng tôi còn ngóng cả bịch quà to tướng bố tôi buộc rất chắc chắn trên yên sau của chiếc xe đạp gióng ngang Fa-vô-rít nữa, trong đó, ngoài những nhu yếu phẩm bố tôi tích cóp dồn tem phiếu mua về cho mẹ con tôi còn có những tờ báo, tất tật từ Thiếu niên Tiền phong đến Nhân dân, Hà Nội mới…

2. Đến một cô giáo đam mê viết sách…

Năm 1990, tôi bắt đầu rời quê ra Hà Nội học và trở thành công dân Thủ đô, niềm đam mê sách vẫn theo tôi và ngày càng lớn hơn. Lúc đó, tôi cũng chỉ mới biết chọn sách theo sở thích là những cuốn truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, truyện tranh Đô-rê-mon, truyện ngắn Việt Nam các thời kỳ, thậm chí cả những cuốn tiểu thuyết diễm tình vài trăm trang. Các cửa hàng cho thuê truyện nhẵn mặt tôi vì có khi trong một buổi chiều tôi đọc xong hai cuốn tiểu thuyết in chữ to đùng. Tôi lang thang các hàng sách cũ bày trên khắp các vỉa hè ở Hà Đông, Thanh Xuân Bắc, đường Láng… Lúc đó, các hiệu sách còn ít, chưa to đẹp như bây giờ…

Tôi trở thành một cô giáo dạy môn hoa nghệ thuật, không hề liên quan đến sách cho đến một ngày, tự dưng tôi thích làm thơ, viết văn dù chưa một ngày được đào tạo về ngôn ngữ. Và vào một ngày đẹp trời, nhân duyên đã tới, tôi xuất bản cuốn sách đầu tiên của cuộc đời mình sau một thời gian viết và chia sẻ trên mạng xã hội, đồng thời làm cộng tác viên cho một số tờ báo. Thế nhưng, tôi vẫn chưa một lần tìm hiểu xem thực chất: “Văn hóa đọc” là gì?

3. Khái niệm “Văn hóa đọc”

Theo PGS. TS, nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình: “Văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với sách vở. Phải biết đọc sao cho hợp lý và bổ ích, đọc sao cho hợp với quy luật tiếp nhận tri thức”.

Và theo thông tin mới nhất từ Cục Xuất bản, In và Phát hành thì bình quân sức đọc của người Việt vẫn chưa được nổi một cuốn sách/người/năm - một con số khiến chúng ta giật mình. Cho nên, không phải là không có lý khi nhiều người cho rằng Việt Nam chưa có văn hóa đọc mặc dù các ban ngành có liên quan đã rất nỗ lực để đưa sách vào trong đời sống và khuyến khích nhân dân đọc sách.

4. Thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam

Hiện số lượng người đọc sách thường xuyên rất ít, tập trung chủ yếu ở đối tượng học sinh tiểu học, sinh viên và những người cần tra cứu thông tin, tài liệu phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Những người còn lại vì bận đi làm, chăm sóc gia đình và… lười đọc, nên chỉ thỉnh thoảng mới đọc truyện để giải trí.

Tôi có hỏi nhiều em học sinh cấp 2 và cấp 3 có hay đọc sách không nhưng rất tiếc đa số các em trả lời là không. Một phần vì các em quá bận học, ngoài thời gian học ở lớp, các em còn phải đi học thêm rất nhiều, thời gian ít ỏi còn lại thì dùng mạng xã hội, nghe nhạc, xem phim. Một số em có đọc sách nhưng lại hay thích đọc truyện ngôn tình hoặc trinh thám chứ ít đọc sách văn học, khoa học.

Thật may mắn là bây giờ nhiều phụ huynh khá quan tâm con cái, hiểu được tầm quan trọng của sách báo nên đã thường xuyên đưa các con đi tới các nhà sách, hội sách để mua sách, đọc sách. Lứa tuổi học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học rất thích đọc các loại sách khám phá thế giới xung quanh, sách khoa học, danh nhân văn hóa và các loại truyện tranh.

Đây cũng là lứa tuổi mà não bộ dễ tiếp thu thông tin, tích lũy tri thức vì các em chưa phải bận tâm nhiều việc khác. Lứa tuổi học sinh phổ thông và sinh viên ngoài việc cần đọc các loại sách kiến thức thì còn đọc thêm các loại sách kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp và truyền cảm hứng sống đẹp.

Người trưởng thành có nhiều sự lựa chọn để giải trí, xả stress nhưng cũng cần đọc sách để tiếp tục bồi dưỡng tri thức, cập nhật thông tin để không bị lạc hậu. Đặc biệt là người cao tuổi, cần đọc sách thường xuyên như một cách để “tập thể dục” cho não hàng ngày, chống lại sự lão hóa, trì trệ do tuổi già mang lại.

Cùng với phương thức đọc truyền thống bằng sách báo giấy, xuất hiện thêm phương thức đọc hiện đại là sách báo điện tử (ebook). Độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet. Thậm chí độc giả không cần phải đọc nữa mà có hẳn các chương trình đọc sách cho độc giả nghe (audio book). Sách báo kiểu này đa số là miễn phí hoặc phí rất rẻ, rất thuận tiện lại rất nhanh, kho lưu trữ khổng lồ nên được nhiều độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ yêu thích, ủng hộ.

Một vấn đề được đặt ra: Liệu phương thức đọc sách truyền thống có bị phương thức đọc hiện đại phủ định và tiêu diệt không? Liệu một ngày nào đó, sách in bằng giấy có biến mất như một số tờ báo giấy đã bị xóa sổ và thay thế bằng sách báo điện tử không?

Sự phát triển của báo chí và các công ty sách, các nhà xuất bản trong những năm gần đây, số lượng các đầu báo, tên sách và số lượng bản in mỗi năm lại tăng hơn năm cũ. Nếu so sánh với nền văn hóa đọc trước năm 1975 thì hiện tại, văn hóa đọc ở Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc.

Bên cạnh đội ngũ tác giả kỳ cựu cũng đã xuất hiện thêm hàng loạt tác giả trẻ chuyên nghiệp lẫn không chuyên tích cực tham gia sáng tác nội dung. Điều đó chứng tỏ có một lượng lớn độc giả vẫn trung thành với sách báo giấy, vẫn dành thời gian trực tiếp đi đến các hiệu sách, hội sách để mua sách đọc chứ không chỉ ngồi một chỗ đọc sách báo trên mạng internet. Và cả hai phương thức đọc này vẫn đang tồn tại song song, đồng hành, bổ trợ cho nhau chứ không phủ định hay thay thế nhau.

5. Giải pháp nào cho văn hóa đọc

Một nền văn hóa đọc phát triển bền vững phải được xây dựng từ gốc rễ, từ trẻ em, từ lứa tuổi nhỏ nhất bằng những giải pháp đồng bộ từ gia đình, nhà trường tới cộng đồng và xã hội. Cha mẹ, thầy cô phải là những người đầu tiên gương mẫu yêu thích đọc sách để làm gương cho các con, hướng dẫn câc con cách chọn sách và phương pháp đọc sách giữa hằng hà sa số các loại sách. Nên ưu tiên dùng sách để làm phần thưởng, quà tặng cho trẻ em, phát động các phong trào đọc sách, thi kể chuyện theo sách...

Các công ty sách, Nhà xuất bản, các tác giả cần chọn lựa sáng tác, xuất bản, giới thiệu nhiều đầu sách hay, có giá trị nghệ thuật cao để góp phần định hướng người đọc chứ không nên chạy theo thị hiếu độc giả; tổ chức các trại sáng tác và các cuộc thi sáng tác. Tích cực truyền thông, quảng bá, mở nhiều hội sách để thu hút nhiều độc giả hơn tìm đến với sách báo giấy. UNESCO cũng đã chọn ngày 23/4 hàng năm làm ngày “Sách và bản quyền thế giới” nhằm thúc đẩy việc đọc, xuất bản sách và bảo vệ quyền tác giả.

Nhiều quán cà phê sách đã được mở ra với không gian đẹp, trưng bày nhiều cuốn sách hay, hấp dẫn và thu hút độc giả đến thư giãn, đọc sách. Cho dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu, “cơn bão 4.0” có mạnh đến cỡ nào thì sách báo giấy vẫn luôn giữ được một chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả.

Mỗi tuần hoặc ít nhất là mỗi tháng, chúng ta nên đưa trẻ em hoặc chính bản thân mình đi đến các hiệu sách một đôi lần, mua và đọc một vài cuốn sách. Mỗi gia đình nên xây dựng một tủ sách bên cạnh việc mua sắm các vật dụng khác và nghiêm túc dành một phần ngân sách cho sách báo giấy. Mỗi ngày, thay vì lướt Facebook, xem tivi… chúng ta tĩnh tâm đọc vài trang sách. Các bạn sẽ thấy, có những lúc, chính những cuốn sách sẽ cứu rỗi linh hồn mình. “Bởi vì sách là thầy, sách là bạn và sách là thế giới”.

Phố Hoa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giai-tri/van-hoa-doc-trong-con-bao-40-tintuc437243