Văn hóa giám khảo và trò chơi truyền hình

Nói đến giám khảo trong các cuộc thi, người ta thường hình dung đó là người có kiến thức chuyên môn, có uy tín cao, sức ảnh hưởng sâu rộng để có thể đưa ra những nhận xét tinh tế, kết luận xác đáng, bảo đảm tính công bằng. Cao hơn nữa, giám khảo còn đóng vai trò định hướng văn hóa, nâng cao tính chân thiện mỹ cho thí sinh (TS) và cả khán giả.

Đức Phúc - Hương Tràm - Hoàng Thùy Linh là 3 giám khảo của cuộc thi “The Debut”.

Cáchđây hơn chục năm, Sao Mai điểm hẹn và Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc là hai cuộc thi âm nhạc lớn của Đài Truyền hình Việt Nam. Đây được coi là những bệ phóng của nhiều tài năng trẻ. Trải qua thời gian thử thách, đến nay, những giọng ca đoạt giải trong hai cuộc thi này vẫn giữ được sức bền về chất giọng cũng như kỹ thuật thanh nhạc như: Tùng Dương, Ngọc Anh, Hoàng Hải, Phương Linh, Hà Anh Tuấn… (Sao Mai điểm hẹn); Trọng Tấn, Hồ Quỳnh Hương, Anh Thơ, Lan Anh, Tô Minh Thắng, Thanh Thúy… (Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc).

Có thể nói, thành công này có sự đóng góp rất lớn của Ban giám khảo (BGK) gồm những nhạc sĩ, ca sĩ danh tiếng đã được khẳng định về trình độ chuyên môn, với những tên tuổi như: NSND Quang Vinh (Giám đốc nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam), NSƯT Tấn Minh (Giám đốc nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), NSƯT Dương Minh Ánh (Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Hà Nội), Nhạc sĩ Xuân Phương (Trưởng khoa Âm nhạc Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Hà Nội), Nhạc sĩ Anh Quân, nhạc sĩ Huy Tuấn, nhạc sĩ Lê Minh Sơn… Do đó, uy tín của các cuộc thi này luôn được đánh giá cao, với sự tin tưởng của khán giả và những người làm chuyên môn khi chọn ra những nhân tố thực sự tỏa sáng.

Những năm gần đây, cùng với sự nở rộ của chương trình truyền hình thực tế, dường như nhiều cuộc thi đã “hụt hơi” không chỉ trong việc tìm ra những TS nổi bật mà ngay cả BGK cũng tồn tại nhiều vấn đề, gây ra những tranh luận trái chiều. Khi các cuộc thi âm nhạc được gọi là các “trò chơi” (game show), những cái “ghế nóng” quyền lực của đội ngũ giám khảo bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Giám khảo bây giờ, ngoài việc phải biết “diễn” theo đơn đặt hàng của nhà sản xuất, còn phải biết khuấy động sân khấu, thậm chí tạo chiêu trò để thu hút người xem. Yếu tố nghệ thuật cũng được đề cập nhưng có phần bị xem nhẹ khi TS hát kiểu gì cũng được giám khảo... khen: Nếu không thể khen hát thì sẽ khen nhan sắc sáng sân khấu hoặc khen trang phục, khen phong cách…

Do đó, trong một số trường hợp, những lời khen ấy có thể gây hiệu ứng ngược. Với vai trò của BGK, các huấn luyện viên cần định hướng, chỉ ra các ưu, nhược điểm trong phần trình diễn của TS để giúp họ sửa đổi, tiến bộ. Giám khảo không nên là những hoạt náo viên cổ động cho chương trình... Tiếc rằng, do bị chi phối theo kịch bản hoặc mong muốn của nhà sản xuất nên đôi khi những màn hoạt náo của giám khảo đã ảnh hưởng đến danh tiếng của chính họ, bởi thực tế, có người rất xuất sắc trên sân khấu trình diễn nhưng lại không có lợi thế khi nói năng, ứng xử trong các tình huống trực tiếp hoặc sắp đặt.

The Debut là chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng âm nhạc lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, do Công ty WEPRO Entertainment phối hợp sản xuất cùng Đài truyền hình Việt Nam, phát sóng tối thứ Sáu hàng tuần trên VTV3 trong năm 2018. Tuy nhiên, bộ ba giám khảo: Đức Phúc, Hoàng Thùy Linh và Hương Tràm có vẻ như chưa đủ tầm để ngồi trên “ghế nóng” của chương trình nên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả. Đặc biệt, Quán quân The Voice Đức Phúc, do còn non nớt về tuổi đời lẫn tuổi nghề nên ứng xử khá vụng về bằng những câu nói ngô nghê, cộc lốc và thiếu chuyên nghiệp. Hay như MC dày dặn Trác Thúy Miêu cũng bị khán giả phản đối vì những câu nói sáo rỗng, nâng cao quan điểm thái quá khi đảm nhận vị trí giám khảo chương trình Người hát tình ca 2017. Còn trong Người hát tình ca 2018, giám khảo Chí Tài, Đức Huy và Lều Phương Anh thay vì nhận xét sâu sát về chuyên môn lại “cãi nhau om sòm” về việc TS Sèn Hoàng Mỹ Lam có nên trang điểm đậm khi biểu diễn hay không!

Đó là chưa kể, kịch bản nhiều chương trình cứ na ná nhau, những gay cấn được cố gắng tạo ra ngày càng nhạt nhẽo, những màn tung hứng, thậm chí giận hờn giả tạo khiến khán giả mất hứng thú với chương trình và cả niềm tin vào TS đạt giải.

Hiện tại, các gameshow của nước ta hầu như không có bất cứ tiêu chí nào để lựa chọn BGK. Việc ai là người được chọn vào những chiếc ghế quyền lực gần như phụ thuộc vào nhà tổ chức. Vì vậy mới xảy ra tình trạng hầu như ai cũng có thể trở thành giám khảo, miễn là người đó nổi tiếng, có lượng người hâm mộ nhất định để bảo đảm cho sự thành công của chương trình như kỳ vọng của nhà tổ chức. Từ ca sĩ, danh hài, diễn viên đến hoa hậu, người mẫu… đều có thể ngồi vào “ghế nóng”.

Văn hóa, trình độ là yếu tố quan trọng hàng đầu của những người được mời ngồi trên những chiếc ghế quyền lực. Giám khảo cần phải công tâm, biết kiềm chế, am hiểu về lĩnh vực mình ngồi “ghế nóng” để đưa thêm những kiến thức, học thuật vào gameshow hơn là những tranh cãi không cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng chuyên môn, bảo đảm được cả tính nghệ thuật lẫn giải trí của chương trình và thể hiện sự tôn trọng khán giả thì gamesho đó mới hấp dẫn, có sức sống lâu bền.

VŨ THANH HOA

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/201810/van-hoa-giam-khao-va-tro-choi-truyen-hinh-817342/