Văn hóa giao thông: Khi lòng tốt bị 'bắt vạ'

Nếu một ngày đang tham gia giao thông, vô tình bạn thấy người gặp TNGT, bị thương nặng thì bạn sẽ làm gì?

Ảnh minh họa

Nếu một ngày đang tham gia giao thông, vô tình bạn thấy người gặp TNGT, bị thương nặng thì bạn sẽ làm gì? Dừng lại để cứu họ, đi tiếp vì sợ liên lụy hay đứng yên quan sát mọi thứ chỉ bởi tính hiếu kỳ? Cảnh tượng chúng ta dễ bắt gặp nhất có lẽ là nạn nhân nằm giữa vòng vây của đám đông. Nạn nhân thì nguy kịch còn đám đông thì "án binh bất động”.

Vì sao lại như vậy? Một trong những lý do bởi vì họ sợ các rắc rối sẽ xảy đến khi giúp đỡ người bị nạn. Trên thực tế và nhất là thời gian gần đây xảy ra quá nhiều vụ việc vì làm việc tốt mà bị gây phiền phức, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Điển hình nhất là vụ việc xảy ra tại tỉnh Bắc Ninh hồi năm ngoái, vì đưa cô gái gặp tai nạn vào viện cấp cứu mà một người đàn ông đã bị người nhà cô gái đâm vào lưng khiến anh phải nằm viện điều trị dài ngày.

Trước những thông tin như vậy, dư luận vừa phẫn nộ vừa hoang mang. Nhiều bạn đọc đã kể lại trường hợp "làm ơn mắc oán" mà bản thân họ gặp phải và trở thành nạn nhân. Có người sau khi đưa nạn nhân bị TNGT vào bệnh viện cấp cứu thì bị bảo vệ bệnh viện không cho về, phải chờ nhiều giờ cho đến khi cơ quan chức năng đến vì không biết họ có gây tai nạn hay không.

Có người thấy một cô gái bị va quệt xe, vừa đến hỏi thăm đã bị những người khác vác ghế xồng xộc chạy đến đòi đánh. Cũng có người thấy một bà cụ bị ngã, chạy đến đỡ thì bà ta lăn ra nằm vạ, may mà một số người đi đường làm chứng. Không ít người thấy chuyện bất bình vào can thiệp để rồi nhận lại những câu hỏi hồ nghi hoặc sự từ chối thẳng thừng của chính người đang cần được giúp…

Trong khi nhiều luật, nghị định đã quy định rõ hình thức xử phạt với hành vi không giúp người bị nạn thì nhiều người cho rằng, họ chấp nhận phạt còn hơn giúp đỡ người khác. Hành động trên không hoàn toàn xuất phát từ sự vô cảm của con người mà nó sinh ra từ chính những sự lo ngại “bắt vạ”, “làm phúc phải tội” mà chúng ta nhiều lần chứng kiến. Chính từ thực trạng đó khiến nhiều người đắn đo đặt ra câu hỏi “Có phải quá khó để làm một người tốt giữa bối cảnh này?”, “Chẳng lẽ thấy người bị nạn cứ thờ ơ bỏ đi?”… Bao nhiêu cái chết thương tâm, những câu chuyện nhói lòng vẫn ám ảnh những lòng tốt “mập mờ” giữa việc nên hay không nên giúp đỡ. Liệu những rào cản chẳng ai muốn đó sẽ khiến lòng tốt phôi pha?

Song Nhẫn

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/van-hoa-giao-thong-khi-long-tot-bi-bat-va-d63041.html