Văn hóa Hùng Vương-văn hóa Việt

Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình phát triển lịch sử. Nước Việt Nam chúng ta có kho tàng văn hóa dân tộc trải qua hàng ngàn năm rất đồ sộ. Hoạt động con người đều nhắm vào mục đích thỏa mãn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần. Văn hóa chính là hoạt động sáng tạo ra hiện thực không có sẵn trong thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu hoàn thiện và phát triển. Từ nền văn hóa cổ khi lập quốc đến nền văn hóa đương đại, chúng ta gọi một cách thống nhất là nền văn hóa Hùng Vương. Chính nền văn hóa này, góp phần hình thành nền văn hóa phương Đông và thế giới.

Lễ ra mắt Trung tâm nghiên cứu và phát triển Văn hóa Hùng Vương chi nhánh tại Quảng Nam-Đà Nẵng ngày 14-8 vừa qua.

Trong tâm thức mọi thế hệ người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc mẫu Âu Cơ, là biểu tượng thiêng liêng của sự thống nhất duy nhất một cội nguồn của dân tộc ta. Ngày 10-3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Tổ của trăm họ tộc người Việt mà trên thế giới không có nước nào có. "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba". Đền thờ các vua Hùng tại tỉnh Phú Thọ đã trở thành nơi ngưỡng vọng tâm linh của toàn thể dân tộc Việt. Hàng năm, đông đảo con dân Việt đã hành hương về cội nguồn. Dẫu bận bịu trong cuộc sống đời thường, dẫu ở trong nước hay nước ngoài, thì trong suy tưởng vẫn hướng về cội nguồn thủy Tổ Hùng Vương. Nơi đây, khí thiêng sông núi rất thông thoáng, mát dịu và quanh năm thoang thoảng hương nguồn. Tương truyền Vua Hùng đã đi khắp trong nước, cuối cùng mới chọn được vùng địa linh, hữu tình này làm kinh đô. Văn hóa Hùng Vương chính là tài sản chung của mọi người Việt chúng ta, do người Việt sáng tạo ra. Từ khi lập quốc, Tổ tiên chúng ta đã có ngôn ngữ, từng bước được hoàn thiện theo thời gian, càng hay hơn, đẹp hơn, và đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao tiếp. Tiếp sau là chữ viết, công cụ giúp con người giao tiếp ở nhiều phương diện rộng hơn, tích cực hơn. Nhờ chữ viết mà con người sáng tạo ra các văn bản để truyền từ đời này qua đời khác, để các thế hệ nối tiếp nhau hiểu được lịch sử. Khi nói tới văn hóa, chúng ta phải nói tới sự phát triển văn hóa, tức tri thức, kiến thức khoa học và trình độ văn hóa. Nghiên cứu văn hóa Hùng Vương cũng vậy, chúng ta cũng đề cập đến sự phát triển cao trong các hoạt động sáng tạo xã hội, đó là văn minh, cái quyết định sự tồn tại và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương ra đời nhằm góp phần nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương và của trăm họ tộc người Việt về những giá trị vật thể, phi vật thể, giá trị nhân văn về tình yêu của con người và muôn loài trong cuộc sống, đồng thời tham gia tôn tạo, bảo tồn văn hóa-văn minh Hùng Vương, nghiên cứu và phát triển nền văn hóa truyền thống trong nền văn hóa Văn Lang của dân tộc Việt. Như vậy, nền văn hóa dân tộc Việt - Văn hóa Hùng Vương, chính là nền văn hóa bao trùm qua mọi thời đại, mọi giai đoạn phát triển lịch sử Việt Nam. Văn hóa là các giá trị được tinh lọc trong quá trình sáng tạo của nhân dân, hình thành một hệ thống giá trị. Đó chính là bản sắc và truyền thống văn hóa. Nhưng không phải mọi sáng tạo đều là văn hóa, mà văn hóa phải là các giá trị phục vụ mục đích nhân bản con người. Ví như, lòng yêu nước là bản chất của nhân loại, nhất là từ thời điểm mà thế giới chia ra nhiều quốc gia. Người Nhật, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc... tìm cách giữ gìn bản sắc văn hóa của họ, họ yêu nước theo cách vì lợi ích của đất nước họ. Còn chúng ta cũng phải tìm cách giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc mình, tìm cách phát triển nâng cao lên trên nền tảng văn hóa Hùng Vương-Việt Nam để phục vụ cho lợi ích dân tộc mình và góp phần vào văn hóa, văn minh loài người. Muốn vậy, chúng ta phải bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa di sản của Tổ tiên, ông cha mình.

Khai thác các giá trị di sản để phục vụ cuộc sống, chính là cách làm cho di sản hội nhập tích cực hơn vào đời sống. Bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của dân tộc. Nếu một dân tộc đánh mất văn hóa của mình thì cũng đồng nghĩa với việc đánh mất bản sắc dân tộc của mình. Mông Kha là một đế quốc lớn nhất dưới triều đại Thành Cát Tư Hãn, đã đánh chiếm hàng loạt nước ở Châu Âu, Châu Á, nhưng khi chiếm Trung Quốc, họ lại bị đồng hóa bởi chính bản sắc văn hóa Trung Quốc và kết quả, Mông Cổ ngày nay không còn bản sắc văn hóa riêng. Tương tự, sự tràn ngập của tiếng Anh, tiếng Pháp đã làm mất bản sắc văn hóa Châu Phi rất trầm trọng. Sở dĩ nền văn hóa Việt-văn hóa Hùng Vương tồn tại và phát triển được vì đã có chất liệu cực kỳ miễn nhiễm với các nên văn hóa khác, dẫu đất nước ta đã bị hơn ngàn năm nô lệ.

Trong thời đại thế giới phẳng, với sự tác động Internet và vai trò truyền thông, có nhiều mặt lợi, được phổ cập các thông tin mới và có ích nhưng cũng có cả rác và chất thải. Điều không tránh khỏi là những dòng tư tưởng lai căng, suy đồi, bệnh hoạn... đang gặm nhấm, phát triển có thể xảy ra nguy cơ nhiễm bệnh. Bởi khi mà nguồn đã đục thì dòng không thể trong, khi gốc đã cong thì cây không thể thẳng. Nên nhiệm vụ ngăn chặn và loại bỏ các dòng tư tưởng ngoại lai đen tối phủ bóng lên nền văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc và tiến bộ trong đời sống nhân dân ta. Nên phát huy tinh thần miễn nhiễm cực kỳ mạnh khỏe của Tổ tiên, ông cha ta đã để lại trong việc loại bỏ văn hóa xấu và lệ thuộc hàng ngàn năm dưới ách nô lệ của các thế lực phong kiến phương Bắc, xây dựng và phát triển nền văn hóa truyền thống Hùng Vương-Việt Nam, có tiếp biến, có chọn lọc văn hóa-văn minh tiến bộ của loài người là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của mỗi chúng ta và các thế hệ mai sau.

Nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương là nâng cao nền tảng văn hóa dân tộc Việt để bảo vệ, giữ gìn, xây dựng, phát triển, thống nhất non sông, đất nước, bầu trời và biển Đông Tổ quốc trăm mến ngàn thương của chúng ta. Tất cả những gì là của cải hương hỏa mà Tổ tiên từ các Vua Hùng đến các thế hệ ông cha chúng ta đã hy sinh máu xương mới giành được, đã giữ gìn và truyền lưu để lại cho chúng ta. Lịch sử đã ghi lại, năm 40 Hai Bà Trưng cháu Vua Hùng dấy nghĩa binh đánh đuổi thái thú Tô Định nhà Hán. Hai bà lên đền làm lễ tế cờ rồi khấn: "Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng". Ngày nay, chủ tịch Hồ Chí Minh đã gởi lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau câu nói bất hủ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"!

Nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương-văn hóa Việt sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử và cổ vũ tinh thần yêu nước, thương nòi của các thế hệ người Việt Nam trong và ngoài nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẽ khơi dậy trong nhân dân ý thức và niềm tự hào về cội nguồn dân tộc để phụng sự, phụng hiến cho Tổ quốc, góp phần thiết thực làm cho văn hóa nước nhà ngày càng lan tỏa cùng văn hóa tiến bộ của loài người trên hành tinh chúng ta. "Con cháu còn, tôn tổ vẫn còn, nòi giống nhà ta sinh sản mãi/ Nắng mưa thế, miếu lăng vẫn thế, non sông đất nước vững bền lâu".

HUỲNH VIẾT TƯ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_195007_van-hoa-hung-vuong-van-hoa-viet.aspx