Văn hóa là 'tối thượng'

Còn nhớ, cách đây không lâu, sau vụ 2 khách hàng da màu bị nhân viên cửa hàng Starbucks gọi cảnh sát đến xử lý mạnh tay gây 'bão' trên các mạng xã hội, Starbucks phải đóng cửa gần 8.000 cửa hàng trong nửa ngày trên đất Mỹ để 'đào tạo lại' nhân viên.

Nếu ai từng trải qua công việc trong nhà hàng, quán cà phê… chắc không lạ lẫm gì những khách hàng bất lịch sự. Ứng xử với loại khách "tầm thấp" đó quả không hề dễ dàng. Cười tươi ư? Quá vô duyên! Im lặng quay đi ư? Bất lịch sự, coi thường khách! Mắng lại, đuổi khách đi? Chuyện nhỏ thành chuyện lớn, càng không xong!... Làm thế nào đây để đẹp lòng cả hai phía? Khó như gỡ mối bòng bong vậy.

Song, trong kinh doanh, khó không có nghĩa bó tay. Có những cửa hàng giải tỏa mối quan hệ bất hòa đó bằng cách… đánh vào túi tiền của khách, nói cách khác, khách mất lịch sự thì mất thêm tiền.

Một quán pub ở Nhật Bản trưng tấm biển với dòng chữ: "Khách hàng không phải thượng đế, nhân viên không phải nô lệ. Ở đây, mỗi người đều là một kho báu quý giá". Cụ thể hơn, tấm biển ghi giá bán (tiếng Nhật, tạm dịch ra tiếng Việt): "Bia! -1.000 yên. Cho chai bia! - 500 yên. Bạn ơi, mang cho tôi một chai bia - 380 yên". Tấm biển được tung lên Twitter, cư dân mạng tán thưởng, ào ào like.

Tại Pháp, một quán cà phê "uốn nắn" khách hàng thẳng thắn mà mềm mại với bảng giá cà phê: "Prix du café en terrasse. Un café (Cốc cà phê) - 7 euro. Un café sil vous plait (Làm ơn cho cốc cà phê) - 4,25 euro. Bonjour, un café, sil vous plait (Chào buổi sáng, làm ơn cho một cốc cà phê) - 1,4 euro".

Có lẽ câu "Lời nói không mất tiền mua" không còn đúng với các cửa hàng đặc biệt này, nơi coi văn hóa, lịch sự là điều "tối thượng". Đó cũng là một nét văn hóa kinh doanh hay.

Minh Hạnh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/van-hoa-la-toi-thuong-107310.html