Văn hóa lễ hội và sự biến tướng

Giữa tiết trời mát mẻ, lúc lất phất mưa bụi bay bay, khi nắng nhẹ trải vàng mơn man cây cỏ, hòa mình giữa dòng người hành hương đến cửa Phật hay tham gia một lễ hội truyền thống, người ta sẽ thấy lòng mình vui vẻ, thư thái. Dường như mọi lo toan, nỗi buồn cũng theo đó mà vơi đi. Giá như mọi khách du xuân đều được tận hưởng cảm giác đó. Giá như lễ hội, đền chùa nào cũng tạo được không khí đó…

Thế nhưng, những gì đang diễn ra ở một số điểm du lịch tâm linh hay một số lễ hội đang đi ngược lại mong muốn này. Văn hóa tín ngưỡng vẫn bị khai thác quá đà, thậm chí còn nhuốm màu tiền bạc.

Tiền lẻ rải khắp nơi.

Tiền lẻ rải khắp nơi.

Tâm lý đám đông

Sau Tết nguyên đán, chúng tôi hòa vào dòng người đến Đền Sái nằm trên đỉnh Thất Diệu Sơn ở thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tương truyền vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp thành. Nhưng thần ma gà giả tiếng gáy sáng làm các tiên nữ bỏ cuộc bay về trời nên đắp thành mãi không xong. Nhờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên mới xây xong thành Cổ Loa.

Thần Trấn Vũ được thờ trên núi Sái, một đỉnh của Thất Diệu Sơn. Đền Sái được truyền tụng là ngôi đền có tiếng linh thiêng, thu hút nhiều khách thập phương đến lễ. Điều đặc biệt hơn là người dân đồn thổi xin quẻ thẻ ở đây rất đúng. Thế nên, khách đến đền hầu như đều xếp hàng lấy một quẻ thẻ đoán vận mệnh năm mới.

Ban tổ chức lễ hội Đền Sái đã bố trí thành viên của Hội người cao tuổi trong thôn phục vụ khách từng công đoạn khá khoa học như: Bán phiếu (10.000 đồng/phiếu), lấy số, phát quẻ. Nhưng do nhu cầu rút thẻ quá lớn nên dịp trong và sau Tết nguyên đán, khu vực này luôn quá tải. Khách không có cơ hội được xóc thẻ mà chỉ được rút thẻ cho nhanh.

Người hướng dẫn liên tục nhắc rút thẻ xong ra ngoài cho người khác vào. Ai cũng nhanh nhanh chóng chóng rút một chiếc thẻ có ghi số rồi đi ra lấy quẻ. Dòng người xếp hàng rút thẻ cứ lần lượt như thế. Tiếp theo, khách phải chen chân ở “cửa hàng” phát quẻ.

Hồ hởi cầm quẻ ra đọc, nhưng nhiều người không hiểu những câu thơ in trên quẻ đó. Vậy là, một dịch vụ đáp ứng nhu cầu “giải quẻ” hình thành trên dọc đường đi. Lều, bạt căng lên làm điểm giải quẻ, mà người giải quẻ thì chẳng phải xa xôi gì, đa số là người dân địa phương, thậm chí có người không hiểu gì về lĩnh vực này cũng phán như thần. Họ chỉ làm công việc này theo mùa vụ. Thế nhưng, một đám đông vẫn ngồi chăm chú nuốt từng lời giảng của những vị “giải quẻ”.

Tôi đã trực tiếp thử rút thẻ vài lần, cũng thử thuê người giải quẻ, thế nhưng quá trình chiêm nghiệm tôi nhận thấy rằng, những điều nghe được từ đây không hề như thực tế. Có chăng chỉ đúng ở những lời phán chung chung, mơ hồ theo đúng quy luật cuộc sống.

Đền Bà Chúa Kho, cũng là một câu chuyện tương tự về tâm lý đám đông. Xuất phát từ câu chuyện Bà Chúa cai quản kho lương nên có nhiều của cải, tiền bạc, từ đó phát sinh quan niệm vay tiền bà làm ăn. Một đồn mười, mười đồn trăm, người nọ rỉ tai người kia. Vậy là đầu năm dân tình đổ dồn đi vay tiền Bà Chúa Kho, cuối năm kéo nhau đến trả nợ. Nào mâm lễ cao chất ngất trị giá hàng chục triệu đồng tạ lễ, nào những lời cầu khấn xin xỏ đầy ham muốn thực dụng được nói ra thành lời… Cái sự linh thiêng, trang trọng, cái giá trị tinh thần của di tích, lễ hội nhuộm màu tiền bạc, cầu cạnh, xin xỏ.

Còn nữa, ở nhiều ngôi chùa, người ta cứ thi nhau thả tiền lẻ vào một chỗ nào đó theo tâm lý đám đông chứ không phải có ý để góp tiền tu bổ chùa chiền. Thế nên, có giếng nước trong chùa bị thả đầy tiền lẻ. Ở đền Đô (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), Ban quản lý di tích phải chăng cả lưới dưới giếng trong sân đền để đón tiền lẻ, tránh bị rơi xuống nước sâu…

Có pho tượng Phật bị du khách dùng tiền lẻ xoa lên nhẵn thín… Tâm lý đám đông, cứ thấy người trước làm gì là người sau làm vậy dù chẳng biết lý do người trước làm hành động đó có ý nghĩa gì.

Du khách đi lễ đầu năm.

Khi tín ngưỡng bị lạm dụng

Những ngày qua, trên báo chí và các trang mạng xã hội đều tràn ngập câu chuyện về lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội. Hình ảnh hàng nghìn người ngồi dưới lòng đường, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát giao thông phải huy động lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông. Đây được coi là một “sự kiện” đặc biệt ở thủ đô, diễn ra thường lệ sau Tết nguyên đán hàng năm.

Điều bi hài hơn cả khi được nghe, được chứng kiến những dịch vụ ăn theo lễ dâng sao giải hạn, từ trông xe, thu phí vệ sinh, cho thuê địa điểm ngồi cúng từ xa… Nhà chùa làm lễ phải dùng loa, cơ man người có nhu cầu giải hạn không thể nhìn thấy bàn thờ mà chỉ chắp tay hướng về phía nhà sư hành lễ.

Mấy năm gần đây, năm nào người ta cũng phê phán cách tổ chức dâng sao của chùa Phúc Khánh, nhưng rồi việc đó vẫn diễn ra, vẫn không có gì thay đổi. Và, sau lễ dâng sao giải hạn ấy, đã có nhiều ý kiến phản đối, thậm chí những người có chức sắc trong giới Phật giáo Việt Nam phải lên tiếng rằng, những người cúng dâng sao giải hạn là do thiếu hiểu biết các quy luật cuộc sống và các quy luật nhân quả, mua sự trấn an tâm lý bằng việc cúng sao là không phù hợp.

Theo quan điểm của Phật giáo, việc cúng sao giải hạn là hoạt động mê tín. Khi nghĩ rằng các chòm sao quản lý vận mệnh tốt xấu, hạnh phúc khổ đau của con người thì đó là suy nghĩ sai. Hơn nữa, ở chùa không có tập tục dâng sao giải hạn, đó là việc làm không đúng với đạo Phật.

Vậy, tại sao hiện tượng phản cảm đó vẫn tồn tại ở thủ đô nhiều năm qua? Lý giải điều này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng: “Dâng sao giải hạn là một tín ngưỡng, nhưng chủ yếu là mê tín. Theo bói toán tử vi thì mệnh con người ứng với sao nào đó. Nếu ứng với sao La Hầu (nghĩa là đen tối) thì gặp tai ách. Việc dâng sao giải hạn là công việc chủ yếu của thầy cúng và Đạo giáo chứ không phải nhà chùa. Nhưng ở Việt Nam, khi phủ, điện… có tính chất Đạo giáo không đảm nhiệm được việc này thì nhà chùa làm thay”.

Ông ví dụ việc đảm nhiệm thêm việc của nhà chùa giống như doanh nghiệp đăng ký kinh doanh một nghề nhưng rồi sau mở rộng thêm nghề khác. Tín ngưỡng cũng vâỵ̣, tôn giáo này không đảm nhận được thì tôn giáo khác làm, gọi là “tam giáo đồng dụng” (đều sử dụng cả 3 tín ngưỡng của 3 tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo). Nhưng, việc dâng sao giải hạn như ở chùa Phúc Khánh chỉ diễn ra từ khi ngôi chùa này có vị sư trụ trì mới, trước đó chùa Phúc Khánh không làm việc này.

“Chùa Phúc Khánh nhiều năm qua vẫn hoạt động được như vậy dù chùa nằm trên trục đường giao thông chính của thủ đô, người dân đổ về cúng, năm nào cũng gây ách tắc giao thông. Nhưng vì lợi ích của nhà chùa và không loại trừ lợi ích nhóm nên nhà chùa vẫn làm như vậy, dẫn đến cảnh chướng mắt. Đó là những việc làm đi ngược lại với giáo lý Phật pháp.

Không chỉ dâng sao giải hạn, việc dâng sớ ở các đền, phủ cũng bị rơi vào tình trạng thể hiện tín ngưỡng quá đà, mù quáng. Ở những ngôi đền nổi tiếng, việc viết sớ được đặc biệt coi trọng. Ví như ở Đền Bà Chúa Kho ở phường Cổ Mễ, TP Bắc Ninh; Phủ Tây Hồ ở quận Tây Hồ, Hà Nội… Những ông đồ áo the khăn xếp, kính trễ ngồi chờ khách, mời khách viết sớ. Ở các địa điểm đó, một mâm lễ của khách thập phương dù to dù nhỏ cũng thường có những lá sớ thể hiện mong muốn, ước nguyện cho một năm mới.

Thực ra đó là một nét đẹp văn hóa, nhưng nó bị lạm dụng làm mất ý nghĩa tốt đẹp. Vì mục đích kiếm tiền, nhiều người không hiểu về chữ Hán Nôm nhưng cũng tập tọe viết sớ để lòe thiên hạ. Thế nên mới có câu chuyện người viết sớ không đọc được chính lá sớ của mình viết ra. Một người bạn của tôi kể rằng, sau khi vợ anh thuê viết sớ, anh gập phần viết bằng chữ tiếng Việt, yêu cầu người viết sớ đọc phần chữ Hán Nôm nhưng người này không thể đọc được.

Nói về hiện tượng trên, một nhà nghiên cứu về Hán Nôm nêu quan điểm: “Chữ Hán Nôm một thời cũng là chữ viết của dân tộc. Thông thường người ta vẫn viết sớ bằng chữ Hán Nôm, viết nên những điều mình mong muốn. Cùng với thời gian, để phù hợp thời hiện tại thì người ta có viết thêm chữ tiếng Việt vào lá sớ. Tuy nhiên, theo tôi thì khi muốn dâng sớ, người ta phải hiểu, mình nghĩ gì thì viết thế, nên viết bằng chữ hiện tại đang dùng. Cốt là thành tâm, nếu không hiểu chữ viết trên lá sớ thì lá sớ đó đâu còn ý nghĩa”.

Khách nghe “giải quẻ” ở Đền Sái.

Tìm đến giá trị tích cực của lễ hội

Mùa lễ hội trải dài suốt mùa xuân, dọc theo đất nước. Có lễ hội kéo dài nhiều tháng như lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử… Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ nhận xét: Lễ hội đang phục hồi hết sức mạnh mẽ trong đời sống nhân dân. Có những lễ hội cũ được phục hồi rộng khắp nhưng cũng có một số lễ hội mới được xây dựng. Lễ hội cũ được phục hồi là điều đáng mừng trong đời sống nhân dân. Vì số người hưởng thụ nghệ thuật trong lễ hội bao giờ cũng nhiều hơn hưởng thụ nghệ thuật trong nhà hát. Ở Việt Nam và cả trên thế giới cũng vậy.

Nhưng sự phục hồi đó cũng có tiêu cực. Thứ nhất, một số lễ hội làm sai lệch giá trị truyền thống. Thứ hai, một số lễ hội rất lộn xộn, sự lộn xộn này chủ yếu là do số lượng người tham gia lễ hội tăng lên đột xuất. Những người tổ chức lễ hội không định lượng được số người tham gia lễ hội đó. Thứ 3 là, ban tổ chức các lễ hội nghĩ về những giá trị chân thiện mỹ một phần nhưng yếu tố kinh doanh lại đặt lên cao, ngay từ việc trông giữ xe, làm cho lễ hội có biểu hiện tiêu cực.

Những phức tạp đã tạo ra lễ hội lộn xộn như lễ hội Đền Trần, hay bạo lực như Hội Gióng ở Sóc Sơn trước đây. Hai, ba năm trở lại đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều kiến nghị làm giảm yếu tố tiêu cực nên năm nay đã có nhiều chấn chỉnh, chuyển biến tốt.

Mong muốn của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, những người muốn lưu giữ truyền thống dân tộc là người dân và các nhà quản lý văn hóa ngày càng ý thức được một cách sâu sắc về tín ngưỡng, văn hóa cổ truyền, trước hết là ý thức về pháp luật để không làm theo đám đông. Việc này sẽ phải tốn nhiều thời gian, cần phải tác động từ truyền thông, giáo dục.

Mỗi năm lại xuất hiện một ngôi chùa to, dòng người lại háo hức hành hương về gây cảnh ùn tắc, quá tải. Trong khi đó, có những ngôi chùa ẩn mình nơi thôn dã, không hòm công đức (như ở chùa Tiêu, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) lại tạo cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. Tôi không thích những ngôi chùa, địa điểm tâm linh bị thương mại hóa.

Như nhiều năm trước, chùa Phật Tích có không gian thanh tịnh, khách lễ thưa hơn. Nhưng năm nay quay trở lại, lối lên đỉnh núi nơi đặt tượng Phật khổng lồ không còn cảnh sắc thiên nhiên nhẹ nhàng mà thay vào đó là hàng quán căng lều bán quần áo sặc sỡ như đường lên động Hương Tích.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết: “Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông… lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cùng vẫn thấy bất hạnh”.

Đây cũng là điều mà nhiều người tâm đắc. Mong rằng khách du xuân bớt đi tín ngưỡng mù quáng, bớt sự lạm dụng làm văn hóa tín ngưỡng bị biến tướng, để lòng người thanh thản, hướng thiện. Đó mới là giá trị tích cực mà lễ hội hay các cơ sở văn hóa tâm linh cần hướng tới.

Việt Hà

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/van-hoa-le-hoi-va-su-bien-tuong-533326/