Văn hóa nhận lỗi

Dù có giải thích như thế nào thì hệ thống siêu thị Mẹ và Bé Con Cưng cũng không thể biện hộ cho hành vi gian dối khi cắt và thay mác cho sản phẩm bày bán trong siêu thị của mình.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã liệt kê hệ thống siêu thị này, có bảy lỗi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; Có giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hóa; Bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức; Bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép… Hậu quả cho hành vi gian dối ấy là hơn 11 nghìn sản phẩm tại 88 cửa hàng Con Cưng có dấu hiệu vi phạm đang bị cơ quan chức năng tạm giữ để kiểm tra. Con Cưng sai đến đâu? Có bán hàng giả hay không? Số lượng hàng hóa bị thay nhãn mác là bao nhiêu… sẽ được cơ quan chức năng làm rõ trong thời gian tới.

Điều đáng quan tâm trong vụ việc này là, khi bị người tiêu dùng phản ánh về chất lượng sản phẩm; các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc thanh tra, kiểm tra, thay vì nhận lỗi để sửa sai thì hệ thống siêu thị này lại đưa ra thông điệp: sẽ thưởng một tỷ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện công ty nhập hàng không chính hãng. Doanh nghiệp (DN) này có thể viện dẫn việc treo giải thưởng nhằm mục đích để người tiêu dùng yên tâm trong giai đoạn khủng hoảng. Nhưng liệu người tiêu dùng có thể yên tâm không, khi có tới 11 nghìn sản phẩm đang bị cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra. Và cho dù, đến hiện tại DN này đã tự xin rút đề xuất giải thưởng, nhưng sẽ để lại ấn tượng xấu cho người tiêu dùng về văn hóa ứng xử.

Nhận lỗi để sửa sai không bao giờ là xấu. Các tập đoàn lớn trên thế giới như: Toyota, Takata, Burberry, McDonald Nhật Bản… cũng thu hồi những lô hàng bị lỗi của mình trị giá hàng tỷ USD và cúi đầu xin lỗi khách hàng vì không muốn những sản phẩm của mình làm sụt giảm giá trị thương hiệu. Ngay tại Hải Phòng, năm 2016, một em bé sáu tuổi cũng đã biết khoanh tay xin lỗi anh lái xe ta-xi vì lỗi của mình gây ra. Con Cưng là chuỗi siêu thị Mẹ và Bé lớn nhất cả nước, với 318 cửa hàng. Được thành lập từ năm 2011, chuỗi siêu thị này có tham vọng đạt 1.000 cửa hàng vào năm 2020 và tăng tốc rất mạnh trong hai năm trở lại đây. Nói thế để thấy, với một thị trường nội địa gần 100 triệu dân, dân số trẻ, sức mua tăng trưởng liên tục, nếu Con Cưng biết nhận lỗi và nghiêm túc khắc phục những vi phạm của mình thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ không quay lưng lại với DN Việt này. Một lời xin lỗi chính thống chất chứa sự chân thành có thể truyền tải sự đáng tin cậy. Đây cũng sẽ là một phản ứng truyền thông khôn ngoan và ấn tượng.

Không chỉ Con Cưng, trong sân chơi hội nhập đầy cạnh tranh và khốc liệt như hiện nay, vẫn còn không ít DN Việt vì lợi nhuận mà bán rẻ chữ tín, lừa dối người tiêu dùng, dẫn đến mất thị trường vào tay các DN nước ngoài ngay chính trên sân nhà. Trong những vụ việc này, cũng không thể không nói đến phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp báo mới đây đã thẳng thắn nhìn nhận: “Nếu kiểm tra sớm, DN không lún sâu”. Trong vụ việc Con Cưng, ngoài nguyên nhân từ tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, còn có nguyên nhân là cơ quan quản lý làm chưa tốt; chưa quản lý, ngăn chặn được tận gốc hàng hóa ngay từ nguồn nhập vào. Mặt khác, luật chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, đội ngũ quản lý chưa đủ lực, chưa mạnh mẽ trong việc chống hàng giả, hàng nhái… cũng là những nguyên nhân làm giảm sút niềm tin người tiêu dùng.

VŨ NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37237902-van-hoa-nhan-loi.html