Văn hóa nông thôn mới ở An Giang

Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020, Sở VH-TT&DL An Giang đã có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao các danh hiệu gia đình văn hóa, xã văn hóa… để làm cơ sở công nhận xã nông thôn mới.

Xã hội hóa các hoạt động Văn hóa
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang cho biết, để thực hiện tốt các tiêu chí của ngành trong chương trình xây dựng nông thôn mới, sở đã có công văn, kế hoạch, hướng dẫn… gửi các huyện, thị xã, thành phố về nội dụng tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 (văn hóa) trong xây dựng xã nông thôn mới.

Trung tâm văn hóa-học tập cộng đồng xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên được đầu tư khang trang.

Theo đó, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, từng bước tăng số lượng tiêu chí của các xã. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa, dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững. Tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng các ấp đều có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng tại văn phòng ấp. Tất cả các ấp trên địa bàn xã đều được công nhận là ấp văn hóa, đạt tỷ lệ trên 70%. Tăng cường tuyên truyền gương điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thi đua xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Gia đình 5 không 3 sạch”…

Xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) đạt chuẩn “Xã văn hóa nông thôn mới”.

Trong quá trình thực hiện tiêu chí số 6 và 16 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Sở VH-TT&DL chủ động phối hợp với các đơn vị của tỉnh hướng dẫn phương pháp xác định, đánh giá mức độ đạt tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 về cơ sở vật chất văn hóa, cũng như các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Đến nay đã xây dựng 28 Trung tâm văn hóa- học tập cộng đồng ở các xã; nơi đây tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, sinh hoạt đờn ca tài tử, dạy nghề nông thôn…

Đối với các điểm sinh hoạt văn hóa- thể thao của người già và trẻ em đều đảm bảo diện tích, đến nay có 26 điểm sinh hoạt văn hóa- thể thao. Đáng mừng là công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở văn hóa, thể thao, phục vụ hiệu quả nhu cầu vui chơi giải trí của người dân…

Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc
Ở An Giang phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng các xã nông thôn mới, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 508.035 hộ gia đình văn hóa, đạt 93,49% so tổng số hộ; 865 khóm/ấp văn hóa, đạt 97,4%; 64 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 18 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 171 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đạt chuẩn văn hóa. Toàn tỉnh hiện có 42 khóm, ấp trở thành “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 11 Đồn Biên phòng. Đồng thời, có 546 CLB gia đình phát triển bền vững…

Có thể nói, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể các cấp trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nên kết quả đạt được rất khả quan. Sở VH-TT&DL tỉnh An Giang nhận định: Bước đầu cơ bản đã xây dựng được cơ sở vật chất Trung tâm văn hóa- học tập cộng đồng xã là nơi tổ chức hoạt động sinh hoạt văn hóa-thể thao cho người dân. Một số nơi đã xây dựng được văn phòng ấp khang trang, sạch đẹp, có bàn ghế, trang thiết bị làm việc và là nơi sinh hoạt văn hóa- thể thao…

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở vật chất có nơi tiến độ còn chậm; chưa đảm bảo diện tích sinh hoạt văn hóa- thể thao ngoài trời phục vụ sinh hoạt; một số văn phòng ấp còn phải xây tạm đất của người dân, do chưa có quỹ đất để xây dựng mới; một số Trung tâm văn hóa- học tập cộng đồng thiếu trang thiết bị nên gặp khó trong các hoạt động…

Theo ông Nguyễn Khánh Hiệp, để thực hiện tốt tiêu chí số 6 và 16 trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở An Giang, tới đây sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Tập trung nâng cao chất lượng danh hiệu gia đình đạt chuẩn văn hóa, khóm/ấp đạt chuẩn văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, văn minh đô thị; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa...

TRẦN KIỀU

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/van-hoa-nong-thon-moi-o-an-giang-76163.html