Văn hóa Thủ đô hội tụ và lan tỏa

10 năm qua, đời sống mọi mặt của Thủ đô Hà Nội nói chung có nhiều biến đổi; ngành văn hóa nói riêng cũng vận động trong sự biến đổi chung đó.

Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội.

 Ông Tô Văn Động.

Ông Tô Văn Động.

Phóng viên (PV): Sau 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính, ngành văn hóa Hà Nội đã gặt hái được những thành tựu gì nổi bật, thưa ông?

Ông Tô Văn Động: Sau khi mở rộng, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các di sản văn hóa (DSVH) với 5.922 di tích lịch sử, 1.793 DSVH phi vật thể được kiểm kê, bao gồm các loại hình với sự phong phú, đa dạng và rất giá trị. Hà Nội thực sự là trung tâm, là cái nôi của DSVH, là địa phương có số lượng lễ hội truyền thống lớn nhất cả nước. TP Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân, bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, việc xây dựng và triển khai thực hiện hai bộ “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội”, “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội” được nhân dân, các cấp, các ngành hưởng ứng. Việc xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thu hút toàn xã hội tham gia, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giữ vững và ổn định tình hình chính trị-xã hội ở các địa phương, đơn vị.

Một tiết mục biểu diễn trong Lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội-Hội tụ và lan tỏa” chào mừng kỷ niệm 10 năm Hà Nội mở rộng. Ảnh: MỸ UYÊN.

PV: Hà Nội mở rộng hội tụ cả hai vùng đất lớn là Thăng Long và xứ Đoài cùng một số vùng phụ cận. Theo ông, làm thế nào để gắn kết văn hóa xứ Đoài và văn hóa Thăng Long hòa quyện chung thành văn hóa Thủ đô?

Ông Tô Văn Động: Trên thực tế, từ xa xưa, văn hóa xứ Đoài, vùng đất Mê Linh và văn hóa Thăng Long đã và luôn có sự ảnh hưởng, tương tác lẫn nhau. Trong lịch sử, trước năm 2008, Hà Nội đã có một số lần điều chỉnh địa giới hành chính, trong đó đợt điều chỉnh năm 1961 và 1978 đã từng sáp nhập nhiều đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc, Bắc Ninh vào Hà Nội. Vì thế, văn hóa Hà Nội và các vùng lân cận đã có những đợt giao thoa mạnh mẽ. Bởi vậy, việc gắn kết, hội nhập văn hóa các vùng miền trong đợt sáp nhập này có những khó khăn, song thuận lợi là cơ bản và chắc chắn đã không làm mất đi những nét đặt sắc riêng có của mỗi nơi. Những thành tựu mà ngành văn hóa đạt được trong 10 năm qua là minh chứng cho việc gắn kết văn hóa xứ Đoài và văn hóa Thăng Long để tạo nên một vùng văn hóa rộng lớn cho Thủ đô văn hiến.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, sự phát triển ồ ạt và dung nạp quá nhiều văn hóa các vùng miền đã khiến vẻ đặc sắc của Hà Nội bị pha loãng. Ngành văn hóa có khó khăn và thách thức gì trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của Thủ đô?

Ông Tô Văn Động: Thăng Long-Hà Nội từ xưa đến nay luôn là vùng đất thiêng mà ở đó, tinh hoa của nhiều vùng miền chính là yếu tố con người đã đem đến cho mảnh đất này những giá trị đặc biệt… Trong văn hóa của Thăng Long xưa nay đã chứa đựng những yếu tố gốc của các vùng lân cận và được mài giũa, tinh chế mà thành những tinh hoa. Phát triển là quy luật tất yếu của mọi sự vật, hiện tượng và trong quá trình phát triển, sự va đập, giao thoa là điều không tránh khỏi, song, với Thăng Long-Hà Nội thì luôn có sự tinh lọc. Do đó, tôi không cho rằng việc dung nạp các vùng văn hóa lân cận lại làm mất đi vẻ đặc sắc của Hà Nội.

Những khó khăn, thách thức chúng tôi luôn có. Đó cũng là điều bình thường bởi chúng tôi luôn mong muốn mọi thứ đã tốt rồi sẽ tốt hơn nữa và những điều còn chưa làm được, làm chưa tốt thì sẽ cần cố gắng nhiều hơn để làm được và làm tốt hơn. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố đã nghiêm túc đánh giá những điểm đã thực hiện thành công và những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Theo đó, thành công nhất chính là sự kiện toàn bộ máy hành chính thành phố, sự đoàn kết toàn dân trên mọi lĩnh vực, nhân dân Thủ đô đồng lòng, đời sống mọi mặt được nâng cao, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của văn hóa. Văn hóa chính là sợi dây kết nối bền chặt nhất. Hà Nội không mất đi những tinh hoa của văn hóa Tràng An, cũng không mất đi văn hóa đặc sắc của xứ Đoài, mà hiện tại là sự hợp sức cùng phát triển.

PV: Trong thời gian tới, ngành văn hóa sẽ tập trung làm gì để văn hóa Thăng Long luôn tỏa sáng, thưa ông?

Ông Tô Văn Động: Thủ đô Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò đầu não, đặc biệt quan trọng của Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình và hữu nghị; coi đây là sức mạnh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô. Chính vì vậy, thời gian tới, ngành văn hóa tập trung mọi hoạt động để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển con người toàn diện về thể chất, phẩm chất đạo đức và trí tuệ đáp ứng với nhu cầu phát triển xã hội văn minh, hiện đại. Hà Nội cũng sẽ tăng cường kinh phí đầu tư cho phát triển văn hóa, thể thao từ nguồn ngân sách Nhà nước ở các cấp; đẩy mạnh công tác xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa, thể thao; coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho sự phát triển bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/van-hoa-thu-do-hoi-tu-va-lan-toa-547995