Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội: Cần 'không gian xanh'

Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội thời gian qua đã và đang là chủ đề nóng với nhiều drama dậy sóng dư luận, trong đó có không ít phát ngôn, hành vi ứng xử chưa phù hợp xuất phát từ người làm thầy.

Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội được các tổ chức, đoàn thể kêu gọi rất thường xuyên.

Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội được các tổ chức, đoàn thể kêu gọi rất thường xuyên.

Điều này đặt ra cho các trường nhu cầu cấp thiết về việc xây dựng quy tắc ứng xử cho giảng viên, sinh viên.

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn

Trước những phức tạp có thể nảy sinh khi cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia và sử dụng mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường, mới đây Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Nhà trường đã đưa ra những quy định rất rõ ràng với các tổ chức, cá nhân thuộc trường như: Chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đã được xác thực, đã được kiểm chứng, đáng tin cậy; Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo…

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUFI xác nhận mục tiêu của bộ quy tắc là hạn chế tối đa những hành vi kém văn hóa, không đúng pháp luật của người dùng mạng xã hội, cũng như khuyến khích lan tỏa các giá trị tốt đẹp và tích cực đến cộng đồng.

“Bộ quy tắc của nhà trường hướng đến mục tiêu phòng ngừa, chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi tiêu cực. Theo quy định của bộ quy tắc thì người dùng mạng xã hội sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các hành vi, ứng xử của họ trên mạng xã hội, cũng như có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng khi có vi phạm”, ThS Phạm Thái Sơn cho biết.

Thực tế, giải pháp phòng ngừa các hành vi lệch chuẩn, không phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục Việt Nam được các trường ĐH, CĐ phổ biến, tuyên truyền rất mạnh đến sinh viên, giảng viên từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực từ năm 2019. Tuy nhiên, vẫn có không ít giảng viên, sinh viên các trường vướng vào lùm xùm trên mạng xã hội từ chính hành vi và phát ngôn của mình.

Mới đây, nhiều giảng viên tại Trường ĐH Luật TPHCM đã làm đơn kiến nghị gửi Ban giám hiệu nhà trường đề nghị không cho một giảng viên tiếp tục đứng lớp giảng dạy vì có hành vi không phù hợp trên mạng xã hội. Đơn kiến nghị đưa ra 4 luận điểm để đề xuất, như giảng viên nọ đã dùng danh nghĩa nhà giáo để livestream chung với người luôn dùng từ ngữ dung tục, phản cảm, công khai chế giễu đời tư người khác, dùng tư cách nhà trường để livestream vấn đề nhạy cảm, bản thân dùng nhiều từ ngữ thiếu tế nhị khi bình xét cá nhân khác…

Nhìn nhận về các vấn đề có thể nảy sinh khi dùng mạng xã hội không đúng cách và thiếu nghiêm túc, TS Lê Hoàng Việt Lâm – giảng viên chính Khoa Lý luận chính trị Trường Đại học An ninh Nhân dân - khẳng định, mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả là thật, bởi thời gian qua đã có rất nhiều người bị xử lý vì các hành vi không đúng pháp luật của mình.

“Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội như thế nào luôn là vấn đề thu hút dư luận. Do đó, để bảo vệ chính mình cũng như người khác khi tham gia mạng xã hội, bên cạnh tuân theo những nguyên tắc, quy định mà luật pháp đưa ra thì người sử dụng cũng nên tìm hiểu các chế tài xử phạt để tránh và kiềm chế hành vi của mình”, TS Lâm chia sẻ.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mà HUFI mới ban hành.

“Vùng xanh” trên không gian mạng

Để hạn chế những hệ lụy không hay từ các tình huống nảy sinh ngoài lớp học, cũng như để đội ngũ giảng viên luôn ý thức và giữ gìn đạo đức nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành các Quyết định quy định về Đạo đức nhà giáo cũng như Đạo đức nghề nghiệp với người giáo viên.

Theo luật sư Lê Bá Thường - Đoàn Luật sư TPHCM, các quy định trên của Bộ GD&ĐT đều hướng đến mục tiêu gìn giữ những điều căn cơ và chuẩn mực nhất mà mỗi nhà giáo cần phải nhớ khi theo nghề, hạn chế thấp nhất những vi phạm đạo đức có thể nảy sinh. Quy định về Đạo đức nhà giáo là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học, đồng thời cũng là một trong những căn cứ để đánh giá, xếp loại, nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có lối sống, cách ứng xử chuẩn mực, là tấm gương cho người học noi theo.

PGS.TS Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Luật TPHCM - nhìn nhận, trong công cuộc phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, con người sống phụ thuộc vào các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính chiếm số lượng lớn. Bên cạnh đó, việc tham gia vào thế giới ảo là các trang mạng xã hội ngày càng nhiều đã khiến nhiều người dùng có hiện tượng lệch chuẩn đến mức đáng báo động.

Vì vậy, theo PGS.TS Vũ Văn Nhiêm những buổi giao lưu nói về đề tài mạng xã hội tuy không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ với đội ngũ giảng viên, nhất là sinh viên nhà trường. Bởi qua các buổi giao lưu như trên các chuyên gia sẽ giúp giảng viên và sinh viên có thêm các kỹ năng để tham gia vào mạng xã hội một cách an toàn và văn minh.

TS Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên chính Khoa Lý luận chính trị Trường Đại học An ninh Nhân dân - cho rằng, người dùng mạng xã hội cần phải luôn “giữ được cái đầu lạnh” khi tiếp nhận các thông tin thông qua mạng xã hội, làm chủ được ngôn từ, hành vi của bản thân để xây dựng một nền văn hóa ứng xử đẹp, “không gian xanh” trên mạng xã hội một cách vững chắc nhất.

“Cùng với những giá trị tích cực, mạng xã hội cũng bộc lộ những mặt trái và hệ lụy của nó. Nó được ví như con dao 2 lưỡi ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và hiểm họa khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích. Vì vậy, tự bản thân mỗi người nên thiết lập “vùng xanh” trên mạng xã hội với chuẩn quy tắc “5K” bao gồm: Không tin ngay; Không vội đăng tải, bình luận; Không thêm/bớt nội dung; Không kích động; Không vội chia sẻ nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro cho mình”, TS Lâm nói.

“Tại Khoản 4 Điều 6 của “Quy định về Đạo đức nhà giáo” về “Giữ gìn truyền thống đạo đức nhà giáo”, Bộ GD&ĐT có quy định rất rõ: Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Do đó, nếu xét ở nhiều hành vi trên mạng xã hội hiện nay, nếu một cá nhân nào đó đứng ở vai trò nhà giáo mà có các hành vi như trên thì sẽ bị xem là vi phạm. Thực tế, bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mà nhiều trường ban hành đều hướng đến mục tiêu trên”, luật sư Thường nhận định.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/van-hoa-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-can-khong-gian-xanh-GAcyRgFng.html