Văn hóa và căn cốt con người - Bài 4: Chấn hưng văn hóa bằng chính sách vì con người

Đề cập thẳng thắn đến năng lực, trình độ của những người làm quản lý văn hóa, PGS.TS Phạm Quang Long cho rằng cần chấm dứt tình trạng cán bộ văn hóa không hiểu văn hóa. Theo ông, để chấn hưng văn hóa, tư tưởng phụng sự nhân dân phải thấm nhuần trong từng chính sách mang tinh thần nhân văn sâu sắc.

PGS.TS Phạm Quang Long.

PV:Thưa ông, nói về sự xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay, ông thấy đáng lo ngại nhất là điều gì?

PGS. TS Phạm Quang Long: Điều tôi lo ngại có thể không giống với những người khác. Bởi vì tôi thấy cái đáng lo nhất hiện nay là nhiều người đã đánh mất ý thức về nhân cách, danh dự, liêm sỉ. Chất người trong mỗi cá nhân đang suy kiệt. Người tử tế thì vật vã để giữ mình; người hư hỏng thì tìm mọi cách để sống cho sướng hơn chứ không phải để tốt hơn; chuẩn mực xã hội đang bị rối loạn.

Thưa ông, ngành văn hóa ngành nay có thể coi như là bộ lễ trong chế độ ngày xưa, tức là có trách nhiệm về đạo đức, lễ nghi quốc gia. Ông có ý kiến gì về việc này đứng ở góc độ quản lý văn hóa trong mối nguy chung về văn hóa và đạo đức hiện nay?

- Đừng nghĩ văn hóa cũng giống như các ngành khác vì nó là một lĩnh vực rất đặc thù nên đơn vị tham mưu phải là những người giỏi về chuyên môn, có tầm nhìn về lĩnh vực này. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi là tư tưởng lớn đồng thời cũng là một chân lý khoa học. Người làm văn hóa không có tầm nhìn, không đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất thì không thể tham mưu cho Nhà nước những chính sách đúng được.

Mặt khác những nghiên cứu về văn hóa lạc hậu quá, không bắt nhịp được với sự phát triển. Văn hóa luôn vận động, đổi mới, sản sinh những giá trị mới, đào thải những gì không hợp thời v.v… trong khi lý thuyết về văn hóa, nhất là văn hóa đương đại không được nghiên cứu cẩn thận. Rất nhiều vấn đề của văn hóa không đem lại lợi ích trước mắt nhưng nó cần cho sự phát triển lâu dài đã bị loại khỏi vùng chú ý của tất cả các cấp. Tư tưởng giáo điều, ăn xổi, bóc ngắn cắn dài, chỉ chú ý đến khía cạnh thực dụng đã giết chết những tư tưởng văn hóa hướng về tương lai.

Các nước tiên tiến chú ý nhiều khía cạnh thực tiễn vì họ đã nghiên cứu rất kỹ những vấn đề lý thuyết, truyền thống, giao thoa, tích hợp, những giá trị phái sinh v.v… nên họ thực hiện các chính sách văn hóa vừa có tầm nhìn xa trông rộng, vừa bài bản, vừa gắn với giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Ta thường làm văn hóa theo phong trào, sáng kiến, mà ít chú ý đến tính quy luật của nó, đến những nhu cầu và xu hướng phát triển của đời sống văn hóa đương đại. Ở ta nhầm lẫn những vấn đề của văn hóa với những công việc cụ thể của một đơn vị quản lý. Vấn đề của văn hóa không phải và không thể là lĩnh vực chỉ được giao cho một ngành quản lý.Có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài những công việc cụ thể này mà muốn giải quyết được phải cần sự chỉ đạo của Nhà nước và phối hợp của các ngành khác, sự tham gia của toàn xã hội. Tôi nói một ví dụ nhỏ thế này thôi: Tình trạng nói dối tràn lan trong mọi cấp, mọi lĩnh vực hiện nay làm sao một ngành văn hóa giải quyết được?

Vấn đề văn hóa đa diện như thế nhưng lại chỉ có mấy ngành đào tạo ở trường Văn hóa (mà kiến thức thì còn quá mỏng) cho một lĩnh vực lớn như thế thì làm sao đáp ứng được? (Chủ yếu lấy cán bộ tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý văn hóa, Văn hóa quần chúng, Bảo tồn, Bảo tàng…). Các địa phương thì điều cán bộ tuyên giáo, cán bộ chính trị, cán bộ giáo dục, cán bộ Đoàn… sang làm văn hóa vì cảm nhận của cơ quan tổ chức là họ phù hợp. Không hiểu chuyên môn thì làm sao dám quyết những vấn đề chuyên môn, làm sao có thể chỉ đạo cấp dưới triển khai công tác hiệu quả và làm sao có thể tham mưu cho cấp trên đề ra những chính sách văn hóa phù hợp? Do đó tôi đề nghị thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này, có sự thay đổi từ nhận thức ở cấp cao đến tổ chức thực hiện. Mà điều đầu tiên là không điều cán bộ không hiểu lĩnh vực văn hóa sang lãnh đạo văn hóa.

Ông có quan điểm thế nào khi nhiều người hay đề cập đến vai trò nêu gương (trong bộ máy công quyền thì là cấp trên, trong gia đình là ông bà cha mẹ, trong nhà trường là thầy cô…) mới mong giữ được đạo đức xã hội?

- Nêu gương chỉ là một hình thức mang tính vận động, tác động đến nhận thức của người khác để từ đó họ khiến làm theo. Một câu nói ai cũng nhắc từ xa xưa là thượng bất chính, hạ tắc loạn nhưng hiện nay nhiều người trên đã không tuân thủ luật pháp, đứng trên, đứng ngoài luật pháp. Giữ chữ chính, có nhiều cách nhưng theo tôi, cốt lõi phải là luật pháp và các quy định mang tính điển chế. Đã có quy định không đưa con cháu vào lãnh đạo, không được hưởng lợi ích lớn hơn quyền được hưởng thì cái gì nằm ngoài những quy định ấy cần kiên quyết cắt bỏ, không trừ một ai. Đặc quyền đặc lợi sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự tha hóa. Người trên cần biết nếu mình làm một việc gì trái luật nhưng mang lại lợi ích cho mình thì cấp dưới sẽ làm nhiều việc như thế hoặc hơn thế.

Bởi trong mắt họ, cấp trên làm được thì mình cũng làm được; cấp trên không giữ gìn thì mình cũng chẳng việc gì phải giữ. Thượng tôn pháp luật là cách tốt nhất để nêu gương. Những nhân cách lớn có giá trị kêu gọi, động viên người khác làm theo mình lớn lắm. Nhân cách lớn, như các cụ nói, hữu xạ tự nhiên hương. Một mặt ta cứ nói nêu gương nhưng trong thực tế lại nêu gương xấu thì nó phá hoại lòng tin ghê gớm lắm.

Thưa ông, về mặt chính sách cần phải làm gì để chấn hưng văn hóa?

- Tôi không thể nói chính sách cụ thể vì cái đó do các nhà lập pháp được nhân dân nuôi để nghĩ về điều đó. Tôi chỉ nói nguyện vọng về tinh thần xây dựng chính sách, mục đích của chính sách thôi. Đó phải là những chính sách vì con người, vì sự phát triển toàn diện của xã hội, con người, làm cho con người được tự do, hạnh phúc. Chính sách của Nhà nước để điều chỉnh hành vi con người hướng tới mục tiêu đó, cho nên cần đặt nhân dân, đất nước lên đầu, làm sao chính sách phụng sự nhân dân, đất nước tốt nhất chứ không phải là chính sách cai trị tốt nhất. Tư tưởng phụng sự nhân dân, tư tưởng vì dân phải thấm sâu vào nhận thức, tình cảm, kỹ thuật soạn thảo chính sách, phải có tầm nhìn xa kết hợp với giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Nó không phải là chủ nghĩa dân túy mà nó phải mang tinh thần nhân văn sâu sắc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thành Vĩnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/van-hoa-va-can-cot-con-nguoi-bai-4-chan-hung-van-hoa-bang-chinh-sach-vi-con-nguoi-tintuc418932