Văn hóa và căn cốt con người - Bài cuối: Chún­­­­g ta chọn tử tế

Kết thúc loạt bài này, chúng tôi mong muốn, những nhận thức về văn hóa ngày càng hoàn thiện tiến gần đến giá trị cốt lõi nhất của văn hóa: Hình thành nhân cách con người và cốt cách của một dân tộc, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng để đất nước phát triển bền vững.

Tranh dân gian Đông Hồ.

Có thể nói những nhận thức và yêu cầu mới về xây dựng một nền văn hóa là cấp thiết trong bối cảnh cần cân bằng lại, định hình lại sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự đảo lộn các giá trị sống. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa và thực hiện công bằng xã hội. Coi nhân tố con người là trọng tâm của xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa vì sự phát triển toàn diện của con người. Nghĩa là văn hóa phải thấm sâu vào mọi mặt của đời sống, trong từng chính sách, từng bước đi cụ thể của toàn bộ đời sống xã hội chứ không chỉ là mục tiêu, hay động lực của phát triển “kinh tế-xã hội”.

Chúng tôi cũng nhận thức rằng, chủ thể của văn hóa là con người. Nếu con người được sống trong môi trường dân chủ, tự do sáng tạo, thì sẽ tìm được động lực phát triển cho toàn xã hội. Yếu tố đầu tiên, quyết định là từ văn hóa. Trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa bao gồm cả việc tiếp nhận các yếu tố “ngoại sinh”, rồi bản địa hóa nó, biến nó thành của mình, thành nội sinh để tăng thêm nguồn lực cho phát triển.

Có lẽ không ai trong chúng ta không nhận thấy nền văn hóa của đất nước đang suy thoái nhiều mặt. Cần chấn hưng kịp thời, mạnh mẽ. Và chúng ta đều tin rằng ý chí dân tộc, khát vọng dân tộc là cái gốc của sự phát triển.

Cũng như chúng ta tin rằng phần lớn trong chúng ta đều chọn tử tế, chọn sống tốt (tức là sống có văn hóa) chứ không phải chỉ sống sướng. Cái cảm giác khát khao những điều tốt đẹp bừng dậy cho thấy khát vọng được sống tốt và sống trong một xã hội toàn điều đẹp đẽ là khát vọng rất lớn. Và như thế, tự mỗi con người sẽ có cách để sống tử tế xứng đáng với những sự tử tế quanh ta. Đạo diễn Trần Văn Thủy của bộ phim “Chuyện tử tế” từng chia sẻ: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia”. Còn văn hào Mark Twain thì nói: “Sự tử tế là loại ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe thấy và người mù có thể đọc được”.

Sau những chuỗi ngày vật lộn với kinh tế thị trường kể từ khi đổi mới đến nay, hẳn nhiều người trong chúng ta thấm thía cái giá phải trả khi mải mê chạy theo kinh tế mà nơi lỏng đạo đức xã hội. Bởi thế ta tin sau bề mặt lạnh lùng của lợi nhuận, của sự thực dụng, phần tốt đẹp trong mỗi con người vẫn đầy đặn, vẫn sẵn sàng bừng lên. Chỉ là chúng ta không cùng nhau “bền bỉ đánh thức nó”. Thi hào Nguyễn Du trong tác phẩm văn học lớn nhất của dân tộc Việt Nam tính cho đến ngày hôm nay là “Truyện Kiều”, đã nói: “Thiện căn ở tại lòng ta...” Bởi vậy, việc nói rằng chúng ta chọn tử tế để sống vừa là bản năng vừa là sự trau dồi để đạt tới. Nhìn cuộc sống theo hướng tích cực, tin và tìm thấy những điều tốt đẹp ở cuộc sống, chúng ta đang bắt đầu hành trình đầu tiên để khơi những mầm thiện đang nằm rải rác đâu đó ở khắp nơi, thành sức mạnh đẩy lùi cái ác.

Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới là tư tưởng xuyên suốt trong các chính cương văn hóa kể từ Đề cương Văn hóa 1943 tới Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa. Trong đó, nòng cốt của văn hóa, để hướng tới xây dựng con người Việt Nam mới là văn học nghệ thuật phải có ý nghĩa nâng cao con người.

Vẫn phải nhắc lại rằng nhờ Đề cương Văn hóa 1943 mà chúng ta đã có một cương lĩnh soi đường cho đời sống tinh thần của cả dân tộc, tập hợp được đông đảo văn nghệ sĩ trí thức cùng hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc. Để thấy sức mạnh của văn hóa trong việc hình thành nguồn lực con người và có ý nghĩa lớn cho động lực phát triển tùy từng thời kỳ cụ thể.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, trong mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị và cải cách văn hóa thì cải cách văn hóa đóng vai trò quan trọng hơn cả. Lý do là vì văn hóa là môi trường tinh thần, là lá phổi của đời sống mà sự lạc hậu của môi trường tinh thần sẽ là vật cản đối với tiến độ cũng như sự thành công của đổi mới kinh tế và chính trị.

Sự thăng trầm của lịch sử dân tộc phản ánh cụ thể ở nền văn hóa của mỗi một thời kỳ. Trong thời hội nhập hôm nay, văn hóa Việt Nam cũng đa dạng khi đồng nhịp với thế giới bên ngoài. Nhưng cùng với đó, nói như một nhà nghiên cứu, thì cũng phơi bày nhiều bất cập: “Khi thế giới thật gần với người Việt, kể cả với những đứa trẻ, thì cái bi kịch nó cũng có thể bắt đầu từ đó. Bởi chúng ta không còn là ốc đảo biệt lập nữa. Thế giới phẳng rồi. Soi lại, liệu chúng ta đã có một cơ thể khỏe mạnh đủ sức đề kháng trong cái thế giới phẳng đó chưa?”.

Để tiếp nhận tinh hoa loài người, cần một thể chất lành mạnh. Đó là đòi hỏi sống còn trong việc hình thành con người Việt Nam hôm nay đáp ứng được với yêu cầu của thời đại. Trong đó, không nghi ngờ gì nữa, phẩm chất con người vẫn là yếu tố quan trọng để quyết định đến nguồn lực xã hội.

Để có một nền văn hóa đủ sức trở thành nguồn lực phát triển, chúng tôi đồng tình với ý kiến PGS.TS Phạm Quang Long trong loạt bài này. Đó là cần những chính sách vì con người, vì sự phát triển toàn diện của xã hội, của con người, làm cho con người được tự do, hạnh phúc. Đó là những chính sách sách phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước, điều chỉnh hành vi con người hướng tới chân thiện mỹ, nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới.

Làm người, chưa bao giờ là việc dễ, bởi vì chúng ta chọn tử tế để sống và luôn khát khao về một xã hội nhân văn, hướng tới phát triển bền vững.

Thành Vĩnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/van-hoa-va-can-cot-con-nguoi-bai-cuoi-chung-ta-chon-tu-te-tintuc419033