Văn học công nhân

Nước ta là nước nông nghiệp và phải trải qua nhiều cuộc chiến chống ngoại xâm. Vì thế, cũng dễ hiểu khi mà nhân vật trung tâm của văn chương viết bằng chữ quốc ngữ là người nông dân và người chiến sĩ.

Trong bối cảnh đất nước hòa bình, chưa bao giờ hội nhập sâu và rộng với thế giới như hiện nay, hình tượng công nhân liệu có nổi lên trong các tác phẩm văn học giá trị?

Chỉ khi xuất hiện dòng văn học hiện thực phê phán mới có những tác phẩm đầu tiên viết về giai cấp lao động mới. Đời sống khổ cực của công nhân dưới chế độ thực dân Pháp được phản ánh rõ nét, tiêu biểu là tiểu thuyết “Lầm than” (1938) của Lan Khai, viết về đời sống người thợ mỏ. Ngoài ra một số tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… cũng tạo được tiếng vang lớn. Sau khi nước nhà được độc lập, xuất hiện hàng loạt tác phẩm văn học về người công nhân hăng say lao động sản xuất, xây dựng xã hội mới như: “Vùng mỏ” (Võ Huy Tâm), “Xi măng” (Huy Phương), “Suối gang” (Xuân Cang), “Chuyện nhà, chuyện xưởng” (Nguyễn Thành Long), “Anh công nhân mới” (Lê Minh)… Hình tượng người công nhân đã “lột xác”, góp phần tạo thành “bộ ba” hình tượng văn học cách mạng là công-nông-binh. Bước vào công cuộc đổi mới, hình tượng công nhân ít xuất hiện, bị mờ đi, bị lẫn trong văn học đời tư thế sự nói chung. Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vai trò của công nhân ngày càng nâng cao trong đời sống xã hội nhưng trong văn học hình tượng công nhân lại có phần kém nổi bật. Lý giải điều này xuất phát từ hai vấn đề là gây dựng phong trào viết về người công nhân chưa được quan tâm và trách nhiệm của các nhà văn viết về nhân vật trung tâm thời đại còn hạn chế.

Cách đây hơn 10 năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết hợp tác, tổ chức cuộc vận động sáng tác về đề tài công nhân và trao giải thưởng văn học công nhân. Dù đã có những nỗ lực nhất định, nhưng vẫn chưa tạo ra động lực đưa phong trào sáng tác về công nhân có vị thế như trước đây. Việc gây dựng phong trào viết về công nhân muốn đạt được ở diện rộng, thiết nghĩ phải khuyến khích, động viên, bồi dưỡng những công nhân có năng khiếu viết văn như trước đây chúng ta đã làm khá tốt. Hơn ai hết, chính những công nhân thấu hiểu như lòng bàn tay về môi trường làm việc, các mối quan hệ cá nhân và cộng đồng để có thể viết thành những tác phẩm lấp lánh hiện thực cuộc sống. Điều này càng có ý nghĩa góp phần nâng cao đời sống tinh thần của công nhân vốn còn nghèo nàn ở nhiều nơi. Hiện thực về đời sống công nhân còn không ít khó khăn chính là mảnh đất để văn học đi sâu làm rõ về thân phận của họ trong xã hội. Qua văn học, người công nhân có thể cất lên tiếng nói về bản thân, lo toan thường nhật, tâm tư tình cảm sâu lắng, những nỗ lực xây dựng đời sống tốt đẹp…

Tuy vậy, muốn có được những tác phẩm giá trị, có chiều sâu về hình tượng công nhân, vẫn phải trông chờ vào đội ngũ những người viết văn chuyên nghiệp. Thế hệ công nhân thời đại "4.0" chắc chắn khác xa thế hệ công nhân trước đây, nhất là vấn đề nhận thức, hành vi và tâm lý. Hàng triệu công nhân với bao hoàn cảnh, nỗi niềm là chất liệu “vàng ròng” cho văn học. Kết hợp với sự tưởng tượng, tài nghệ văn chương của nhà văn chắc chắn nhiều tác phẩm giá trị về người công nhân sẽ sớm ra đời. Năm xưa, chính bởi sự háo hức muốn tìm hiểu đời sống lớp công nhân mới, các nhà văn đều đi thực tế sáng tác, “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) một thời gian dài mới đồng cảm với nhiều cảnh đời người thợ. Vậy nên, rất cần các nhà văn với cảm hứng mới trong bối cảnh mới và trách nhiệm công dân, nhiệt huyết, dấn thân lấp đầy khoảng trống của một mảng đề tài quan trọng. Viết về công nhân là nhà văn đang phụng sự một lớp người quan trọng của thời đại khoa học kỹ thuật lên ngôi. Điều này sẽ góp phần nâng cao vị thế văn học trong lòng độc giả.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/van-hoc-cong-nhan-616756