Văn học nghệ thuật góp phần chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc

Tọa đàm khoa học 'Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua' do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức chiều 1/3 tại Hà Nội.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung: Phân tích làm rõ quan điểm cơ bản về văn hóa, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943); Làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) trong việc xây dựng và phát triển tư duy lý luận văn nghệ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Tập trung phân tích sâu sắc quá trình vận dụng, sáng tạo và phát triển của đường lối văn nghệ thời kỳ đổi mới và hội nhập; Đề xuất định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Tọa đàm khoa học "Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức

Tọa đàm khoa học "Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức

Khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về văn hóa

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, nhìn lại 93 năm qua từ khi Đảng ta ra đời, ngày 3.2.1930, cho đến hôm nay và 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng, chúng ta đã đi qua một chặng đường dài đầy hy sinh, gian khổ. Những quan điểm cơ bản của Đảng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới được bổ sung, hoàn thiện một cách khoa học, cách mạng, nhân văn, được toàn Đảng, toàn Dân đồng tình, ủng hộ.

"Quan điểm "sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng"; tính chất nền văn hóa mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung; ba nguyên tắc của nền văn hóa mới Việt Nam là "Dân tộc hóa"; "Đại chúng hóa"; "Khoa học hóa" và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" mãi mãi là quan điểm, là mục tiêu, là phương châm và nguyên tắc để cùng với chính trị và kinh tế, giúp dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"- ông Nguyễn Thế Kỷ nhận định.

Ông Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân cho rằng, những tư tưởng chỉ đạo cơ bản nêu trong Đề cương văn hóa năm 1943, vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại những quan điểm chỉ đạo cùng những thành tựu về phát triển văn hóa Việt Nam từ ngày thành lập Đảng đến nay. Chúng ta càng nhìn nhận rõ hơn tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về văn hóa.

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Tư tưởng – Văn hóa TW phát biểu tại Tọa đàm

Theo ông Nguyễn Hồng Vinh, có 2 nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới để triển khai chính sách của Đảng ta về văn hóa. Cụ thể, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa từ đó dẫn đến hành động, không để chính sách chỉ "ở trên bàn giấy". Ông Nguyễn Hồng Vinh đề nghị, trong hành động, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ VHTTDL cần rà soát lại các chính sách, chỉ thị, pháp luật của Đảng, Nhà nước về văn hóa, các chương trình quốc gia về văn hóa… còn vướng mắc ở đâu, vì sao những văn bản đã đầy đủ nhưng thực hiện còn chưa hiệu quả?

"Cần có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Cần chương trình cụ thể về đào tạo cán bộ văn hóa, các trường đào tạo nhân lực lao động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật phải có chương trình giáo dục cụ thể; chương trình giáo dục đạo đức công dân đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phong trào toàn dân đoàn kết toàn dân xây dựng đời sống văn hóa đã đi vào thực chất chưa. Chúng ta phải giải đáp được câu hỏi này"- ông Nguyễn Hồng Vinh nói.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Tư tưởng – Văn hóa TW cho rằng, để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, kế thừa và phát huy sáng tạo phương thức lãnh đạo văn hóa của Đảng trong những năm đầu của Nhà nước công nông non trẻ đầu tiên ở Đông Nam Á, Đảng ta đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 với 600 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa của các lực lượng, các lĩnh vực của đời sống văn hóa cùng các đại biểu tiêu biểu cho đội ngũ trí thức các nhà văn hóa, văn nghệ sỹ của cả nước.

Hội nghị được đánh giá như một "Hội nghị Diên Hồng" để chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Tại Hội nghị lịch sử này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân: "Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và chấn hưng, phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp để chấn hưng và phát triển nền văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo ông Đào Duy Quát, để chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tiền hô, hậu ủng", "Nhất hô, bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", và "Dọc ngang thông suốt" thì chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo: Công tác tư tưởng phải gắn bó chặt chẽ với công tác tổ chức, cán bộ, với cơ chế chính sách trong thực hiện chương trình quốc gia có mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đến năm 2045.

Từ mô hình thành công về việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng trong nhiệm kỳ XII và XIII, ông Đào Duy Quát kiến nghị Trung ương Đảng thành lập Ban chỉ đạo Trung ương chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam tầm nhìn đến năm 2045. "Trung ương cử một đồng chí lãnh đạo chủ chốt làm Trưởng ban. Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ VHTTDL là cơ quan Thường trực. Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, mặt trận có liên quan đến sự nghiệp chấn hưng văn hóa Việt Nam sẽ tham gia Ban chỉ đạo này"- ông Đào Duy Quát đề xuất.

Nâng cao vai trò của VHNT

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, văn hóa luôn đóng vai trò thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Toàn cảnh Tọa đàm

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) đã giúp cho chúng ta khai sáng, thức tỉnh, tập hợp văn nghệ sĩ trí thức, trong đó lấy vận mệnh đất nước đặt lên hàng đầu. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, Bác Hồ có nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” thì tư tưởng, quan điểm này thực sự giúp cho văn hóa vực dậy đất nước.

Ông cho rằng, chúng ta phải xem văn hóa là trung tâm của phát triển đất nước. Nhiều vấn đề của văn hóa xuất phát từ những lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục…Chính vì vậy để giải quyết vấn đề văn hóa, cần giải quyết một cách tổng thể.

“Đổi mới về văn hóa bắt đầu từ đổi mới tư duy về văn hóa. Văn hóa không phải chỉ là câu chuyện “cờ, đèn, kèn, trống”… Văn hóa là câu chuyện của chính trị, kinh tế, sức mạnh mềm quốc gia tạo ra sự bản lĩnh, tự tin của dân tộc khi chúng ta hội nhập quốc tế. Văn hóa còn lan tỏa sang lĩnh vực kinh tế khi mà nó chuyển tải sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Trung ương cho rằng, trước mắt, văn nghệ Việt Nam cần tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn".

Đó là: khơi dậy lòng yêu nước, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, xây dựng con người Việt Nam với những giá trị chuẩn mực phù hợp gắn với các giá trị gia đình, văn hóa, quốc gia - dân tộc - thời đại; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, hướng về chân - thiện - mỹ; phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, hưởng thụ văn hóa là nhân dân, vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ - những chiến sĩ văn hóa, niềm tự hào của đất nước, của dân tộc; góp phần xây dựng Đảng với hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên toàn cầu…

Cùng với đó là thực thi các giải pháp cấp bách, tiếp tục bổ sung, phát triển, vận dụng những tư tưởng cốt lõi của Đề cương, từng bước hoàn thiện hệ thống lý luận về văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thúc đẩy mạnh mẽ nền văn nghệ Việt Nam nhịp bước với mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, phồn thịnh vào các mốc 2030, 2045, sánh vai cùng bè bạn năm châu trên thế giới.

Văn học nghệ thuật phải đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, lệch lạc, thù địch, khắc phục những thiếu sót, hạn chế còn tồn tại, hội tụ quyết tâm đổi mới, chấn hưng văn hóa Việt Nam, phấn đấu có thêm nhiều tài năng lớn với khát vọng ra đời những công trình văn hóa, tác phẩm văn nghệ tầm cỡ, để đời thuộc các loại hình, phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới đất nước, có ý nghĩa và hiệu quả bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội, bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc, bền vững của văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế sâu rộng./.

Hà An

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/van-hoc-nghe-thuat-gop-phan-chan-hung-va-phat-trien-nen-van-hoa-cua-dan-toc-20230302083339217.htm