Văn học thế giới - Tiếp biến và đối thoại

Cuốn sách 'Văn học thế giới - Tiếp biến và đối thoại' do thạc sĩ Lê Từ Hiển - nguyên giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn chủ biên vừa được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành.

Thạc sĩ Lê Từ Hiển ký sách. Ảnh: Tiến Dũng

Thạc sĩ Lê Từ Hiển ký sách. Ảnh: Tiến Dũng

Trong cõi người… trăm năm… Việt Nam đã trải qua hai mươi năm hội nhập quốc tế. Bên cạnh những được là mất, tự hào là nỗi đau. Đau trăn trở với bao kỳ vọng và thất vọng, từ hệ lụy và cả tự thân… được nói nhiều nhất, có lẽ là văn hóa giáo dục. Trong đó, văn học là điểm sáng tương liên trong văn hóa.

“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa” (Hồ Chí Minh). Bút hoa vẽ những kinh tuyến ẩn hiện tiếp biến nối liền hai cực làm nên văn hóa địa cầu - tinh cầu vũ trụ.

Trong những năm gần đây, cùng với quá trình toàn cầu hóa văn hóa - văn học, Văn học Thế giới - với tư cách một ý niệm, một chuyên ngành nối nhịp cầu giao thoa - gặp gỡ, hội tụ - tiếp biến giữa dân tộc và quốc tế, giữa riêng và chung, bản sắc và ngoại lai, cá biệt và phổ quát - ngày càng được lưu tâm, chú trọng với bao khả thể và tiềm năng gợi mở.

Nằm trên đường ranh của những điểm hẹn, những cuộc gặp gỡ - tiếp biến - đối thoại liên văn hóa - văn học, Văn học Thế giới vừa phong phú về đối tượng, phạm vi, lĩnh vực tiếp cận, vừa đa dạng trong đường hướng, phương pháp tiếp cận… Qua hành trình những diện và điểm, trên những trục thời gian và thể loại văn học ươm mầm mối giao duyên dân tộc - khu vực - quốc tế, Văn học Thế giới vẽ những đường kinh tuyến nối địa cầu văn đa sắc thơm hương…

Quay lại, tìm về, và mở ra những triển vọng tương lai, công trình Văn học Thế giới - Tiếp biến và đối thoại tập trung vào việc tìm hiểu những phương diện lý thuyết và ứng dụng của Văn học Thế giới dưới nhiều góc nhìn tham chiếu, công trình gồm có 2 phần.

Phần Tổng quan, khảo sát những vấn đề cơ bản của Văn học Thế giới, từ bối cảnh, khái niệm, vai trò, đến tiềm năng và khả thể ứng dụng, tương quan đa chiều Văn học Việt Nam - Văn học Thế giới trong tiến trình chung những gặp gỡ, tiếp biến, đối thoại, giao thoa - hội tụ liên văn hóa - văn học.

Phần Văn học Thế giới - Những điểm nhìn tham chiếu, gồm các bài viết, hầu hết của những nhà nghiên cứu trẻ, về những vấn đề cụ thể mang tính ứng dụng, ít nhiều liên quan đến Văn học Thế giới - Văn học Việt Nam qua những tiêu điểm so sánh, gợi mở, liên tưởng, đối thoại đa chiều.

Bìa cuốn sách "Văn học thế giới - Tiếp biến và đối thoại". Ảnh: Lê Minh Kha

Những giá trị của văn học đã được mã hóa vào người Việt. Qua văn học dân tộc, có thể lắng nghe được một âm hưởng chung của tất cả người Việt từ truyền thống tới hiện đại, từ bình dân tới giới tinh hoa. Qua văn học, có thể hình dung ra xứ sở.

Đặt văn học dân tộc trong tương quan tổng thể của Văn học Thế giới theo quan niệm đối thoại - tiếp nhận mang tính triết mỹ trong văn hóa toàn cầu, giúp ta hiểu thêm về căn tính dân tộc cũng như bề sâu tâm thức chính mình. Đó là thế giới trống cho ta bước vào, đầy cho ta tiếp cận mọi góc độ, mở cho ta chạm bay vô hạn trong lòng tay hữu hạn. Ai có thể lọc màu xanh ra khỏi bầu trời… Trong sự giao thoa, vẫn còn khoảng trống. Và ngược lại, trong khoảng trống lại tương giao, tương sinh, tương thành… Một người Mỹ với truyện Cô bé lọ lem, một người Việt với cổ tích Tấm Cám… tưởng cách biệt, bỗng gặp nhau, sau cau trán, phản biện, chợt chớp mi thấu cảm…

Công trình này, ngoài ý nghĩa ngẫm suy và nhìn lại văn học trong một tiến trình chung mang ý nghĩa toàn cầu, còn gợi mở bao điều bỏ ngỏ, những đối thoại đa thanh đa điệu trong hành trình nghiên cứu, dạy và học văn. Mỗi nhà văn đều có lối đi riêng. Mỗi người đọc đều có cách tiếp nhận riêng. Cá nhân và cộng đồng ấm sáng nụ cười bao dung trí tuệ xúc cảm. Văn bản lặng im hóa nghệ thuật tương sinh. Tự tương thành ánh sáng nội tâm. Kỹ năng sống chân trần tay hoa ẩn hiện giản dị đời thường mà tuyệt vời hạnh phúc. Vòng nguyệt quế thơm đài trán ngây thơ ánh màu triết mỹ. Giảm áp lực, rèn kỹ năng, di dưỡng nhân văn, nâng cánh ước mơ…

Trang sách mở không gian ước vọng. Đôi tay hồng ôm cả trời xanh. Dòng chữ - dòng đời ngân tiếng hát thầm… Lê Đạt “rất ủng hộ lời phát biểu của một nhà thơ Pháp, gốc Do Thái Edmond Jabès: Chữ bầu lên nhà thơ”. Và bản thân ông cũng tự tạc tượng hồn mình trong Bóng chữ. Đến lượt chúng ta gặp lại ông trong Lời quê còn bao nhiêu mới mẻ và đáng suy ngẫm. “Đối thoại chính là thuần phong mỹ tục mới của một xã hội hiện đại, văn minh, tử tế”.

Và như thế, những mong qua đối thoại mà tìm gặp, hiểu biết và trân quý những điểm nhìn khác, những tiếng nói khác, những tri âm đồng vọng khát khao giao cảm… trong khu vườn văn mở ô cửa xanh hướng chân trời khoáng đạt. Văn học cho ta Khát vọng - Sức mạnh - Tự do và Giao cảm tinh thần (Tagore).

Lê Xuân Thọ

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/giao-duc/van-hoc-the-gioi-tiep-bien-va-doi-thoai-174484.html