Văn học thiếu nhi có thực sự chỉ dành cho trẻ em

Nghĩ một cách khách quan, văn học thiếu nhi có thể dành cho những tâm hồn thuần khiết và muốn tìm về sự thuần khiết.

Một số cuốn sách thiếu nhi được ưa thích.

Từ lâu, văn học thiếu nhi đã giữ một vị trí quan trọng trong dòng chảy văn học vững bền tiếp nối. Đó là những quyển sách không chỉ được sáng tác hoặc được viết dành riêng cho đối tượng thiếu nhi mà còn hướng đến việc giáo dục, nuôi dưỡng và bồi đắp giá trị đạo đức tốt đẹp từ những câu chuyện gần gũi, trong trẻo, xoay quanh thế giới trẻ thơ.

Những năm gần đây, nhà xuất bản và công ty phát hành sách vẫn không ngừng chọn dịch những tác phẩm văn học thiếu nhi chất lượng của nhiều quốc gia trên thế giới để gửi đến bạn đọc, có thể kể qua một số quyển sách nổi bật như: Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh (L.M.Montgomery), Pippi tất dài (Astrid Lindgren), Cây cam ngọt của tôi (José Mauro de Vasconcelos), Khu vườn mùa hạ (Kazumi Yumoto), Cô gà mái xổng chuồng (Hwang Sun-mi)…

Hầu hết tác phẩm đều xây dựng hệ đề tài, câu chuyện, nhân vật lấy cảm hứng từ cuộc sống của trẻ em hoặc thế giới thiên nhiên muôn màu được nhân hóa tính cách, hành động, tâm lý giống con người.

Bằng góc nhìn ngây thơ, thuần khiết của trẻ nhỏ, tác giả như thể đang “nhập vai” trở thành các nhân vật ở ngưỡng tuổi chỉ biết đến niềm vui, nỗi buồn được phản chiếu qua đôi mắt nguyên sơ, lấp lánh.

Góc nhìn của trẻ con sẽ không thể nào phát triển, mở rộng nếu như không có sự can thiệp trực tiếp/ gián tiếp từ người lớn. Có thể nói, hành động, thái độ và cách giáo dục của người lớn là kim chỉ nam ảnh hưởng sâu sắc đến tổng quan nhân cách và quá trình thay đổi, phát triển toàn diện về mọi mặt bên trong đứa trẻ. Vì vậy, đọc những tác phẩm thuộc dòng văn học thiếu nhi cũng là cách người đọc soi chiếu bản thân để thấy được hình ảnh của bản thể “đã qua” nhưng vẫn còn hiện hữu trong tiềm thức và hoài niệm.

Thử đặt ra một giả thiết, nếu trẻ em lựa chọn những quyển sách vượt xa trải nghiệm và tầm hiểu biết thì những quyển sách ấy có thực sự dành cho thiếu nhi? Việc khám phá thế giới xung quanh, rộng hơn là khám phá thế giới bao la, mênh mông của những vùng đất, khoảng trời xa lạ chưa từng là một việc dễ dàng.

Điều đó còn đòi hỏi sự quan tâm và đồng hành của người lớn, với tâm thế luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc ngây ngô của con trẻ cũng như thực hành, rèn luyện việc đọc sách cùng con như một thói quen. Từ đây, độc giả thiếu nhi nói chung sẽ mở ra những cánh cửa mới và nhìn thấy những chân trời rộng lớn bước ra từ những trang sách nhỏ thân quen.

Có thể xếp Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry vào trong danh sách các tác phẩm văn học thiếu nhi hay không? Và các tác phẩm đã liệt kê phía trên có thật sự dành riêng cho thiếu nhi - những độc giả trẻ tuổi sẽ dễ dàng đồng cảm hơn với Anne Shirley, Pippi, Zezé, ba người bạn: Kiyama, Yamashita, Wakabe; Mầm Lá, Đầu Xanh?

Nghĩ một cách khách quan, văn học thiếu nhi có thể dành cho những tâm hồn thuần khiết và muốn tìm về sự thuần khiết, bởi lẽ nói như Antoine de Saint-Exupéry thì “người lớn nào thì thoạt tiên cũng là trẻ con. Nhưng ít người trong bọn họ nhớ được điều đó”.

Hải Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-hoc-thieu-nhi-co-thuc-su-chi-danh-cho-tre-em-post1439861.html