Văn học thiếu nhi - khoảng trống và hướng đi

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao câu chuyện do quá ít ca khúc hay viết cho thiếu nhi nên trên các sân chơi, các em đang phải 'sắm vai' người lớn để hát những bản nhạc thất tình, não nề, bi lụy.

Rõ ràng tình trạng này diễn ra không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà còn ở thị trường sách, đặc biệt là những sáng tác văn học dành cho thiếu nhi. Vẫn còn đó những khoảng trống và nhiều nỗi lo về sự nghèo nàn trong hưởng thụ văn hóa của lứa tuổi thiếu nhi. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp để góp phần khắc phục thực trạng này?

Đội ngũ nhà văn viết cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng, không biết đến bao giờ mới xuất hiện những cây bút trẻ thế chỗ cho những tài năng hoặc đã lớn tuổi hoặc đã ra đi như: Đoàn Giỏi, Xuân Sách, Xuân Quỳnh, Trần Thanh Địch, Trần Hoài Dương, Minh Quân, Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Vũ Hùng, Nguyễn Trọng Tạo, Phong Thu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Nhật Ánh... Những năm gần đây xuất hiện một số gương mặt mới, ít nhiều đạt được dấu ấn và thành tựu bước đầu: Lý Lan, Quế Hương, Lê Hữu Nam, Lãm Thắng, Nguyên Hương, Trần Đức Tiến, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Đình Tú, Lê Minh Hà, Nguyễn Trí... Dù vậy, số cây bút chuyên tâm lại không nhiều, đa phần trong số họ viết cho thiếu nhi chỉ là “tay trái”, “tạt ngang”, mối quan tâm thật sự họ dành cho văn học người lớn.

Không những vậy, số nhà xuất bản chuyên làm sách cho thiếu nhi lại quá ít so với nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi. Trên thực tế chỉ có hai đơn vị là Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ. Để tồn tại, các nhà xuất bản phải đa dạng hóa đầu sách, khiến cho mảng sách này như bị “nhấm chìm” trong thị trường sách dành cho người lớn. Trong bức tranh u buồn đó, mảng văn học dịch, lạ thay lại trở thành điểm sáng. Những tác phẩm thuộc hàng kinh điển của văn học thiếu nhi thế giới như truyện cổ tích Andersen, truyện cổ Grimm, truyện của Selma Lagerlof, Anatole France, Alphonse Daudet, Saint-Exupéry, Samuil Marshak, Hector Malot, Edmondo De Amicis, Astrid Lindgren, Lucy Maud Montgomery, Lewis Caroll, Oscar Wilde, Carlo Collodi, Luis Sepulveda... liên tục được tái bản, dịch và phát hành, khiến cho sách “nội” bị lép vế, núp bóng. Tuy vậy, do đặc thù của văn học dịch, không ít tác phẩm chưa thật sự khiến độc giả nhí tìm đọc bởi sự khác biệt về văn hóa, tư duy, về cách cảm, cách nghĩ.

Ở khía cạnh khác, sự xuất hiện phong phú của dòng truyện tranh trong và ngoài nước cũng không thể khỏa lấp khoảng trống, bởi lẽ dòng sách này chủ yếu mang giá trị giải trí tức thời, trong khi đó, những yếu tố cốt tủy như giá trị giáo dục, chất nghệ thuật, tính thẩm mỹ còn rất hạn chế.

Khoảng trống và sự thiếu hụt này có thể lý giải bởi nhiều nguyên do. Thứ nhất, trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển nở rộ, các hình thức giải trí đi kèm vô cùng phong phú khiến văn hóa đọc của thiếu nhi bị thu hẹp đáng kể. Thứ hai, với các cây bút trẻ đang ở độ tuổi khao khát thể hiện mình, văn học thiếu nhi quá “nhẹ đô”, chưa “xứng tầm” để họ khẳng định tài năng. Ở một phương diện khác, quan niệm văn học thiếu nhi chỉ là “chiếu dưới”, “hạng hai” khiến không nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu, phê bình mặn mà với đề tài này. Thứ ba, khi xuất hiện đối tượng độc giả mới với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ khác, không ít người viết tỏ ra lúng túng trong việc lựa chọn lối viết và hình thức trình bày phù hợp. Một số tác phẩm vẫn còn nặng tính chất hoài cổ, giáo huấn, chưa bắt kịp tinh thần, tâm lý thời đại, khiến độc giả nhí cảm thấy xa lạ. Thứ tư, việc đầu tư quảng bá, truyền thông của các nhà xuất bản hay đơn vị phát hành sách cho văn học thiếu nhi còn nhiều hạn chế.

Từ thực trạng và nguyên nhân hạn chế của dòng văn học dành cho thiếu nhi, thiết nghĩ cần có những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều phía.

Về phía người sáng tác, cần thay đổi quan niệm về văn học thiếu nhi, từ đó dành nhiều hơn sự chuyên tâm, chăm chút cho những trang viết của mình. Nhà văn phải thật sự am tường về tâm sinh lý trẻ nhỏ, nhập vai trẻ nhỏ, dõi theo những chuyển động tinh tế của các em trong sự tác động nhiều chiều của đời sống đương đại. Tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi không chỉ mang những giá trị truyền thống mà còn là hơi thở thời đại, phù hợp với nhịp sống và tâm thế hôm nay. Chính họ phải trở thành người đồng hành đáng tin cậy và đầy trách nhiệm, tác phẩm của họ chính là tiếng nói riêng biệt của một thế hệ, một thời đại. Trường hợp nhà văn Nguyên Hương viết lại truyện cổ tích quen thuộc bằng một tâm thế mới, phong thái khác; hay nhà văn Quế Hương với những sáng tác mang tiếng vọng sâu sắc về các vấn đề của người trẻ hiện đại... là những hướng đi đáng để tham khảo.

Về phía nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách, cần đầu tư về hình thức sách, phù hợp với tâm lý, thị hiếu trẻ nhỏ; mở nhiều hơn các chiến dịch quảng bá gắn với các chương trình giới thiệu, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ; thực hiện chủ trương “đưa sách về trường học”, “đưa sách về vùng núi, nông thôn”. Những nỗ lực gần đây của Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Công ty Phan Thị... trong việc tổ chức các tủ sách cho thiếu nhi là điều đáng được hoan nghênh và cần được nhân rộng.

Về phía các cơ quan quản lý văn hóa, các hội đoàn, cần mở thêm nhiều cuộc thi viết cho thiếu nhi, tìm kiếm, phát hiện, nuôi dưỡng, ươm mầm các tài năng văn chương. Đồng thời, cần có chiến lược đầu tư đồng bộ, có chính sách khuyến khích người viết bằng các giải thưởng và sự đãi ngộ tương xứng.

Với các nhà nghiên cứu, phê bình, cần có sự quan tâm thích đáng cho những sáng tác văn học thiếu nhi. Một mặt giữ vai trò cầu nối, giúp các em và phụ huynh có thể tiếp cận những tác phẩm hay, có giá trị; mặt khác, phát hiện, đồng hành với những cây bút tài năng, chỉ ra những thành tựu cũng như hạn chế để họ có thể điều chỉnh, hoàn thiện tác phẩm của mình.

Văn học thiếu nhi không còn là câu chuyện nhỏ của riêng các em. Độc giả nhí cũng như những ai quan tâm luôn mong chờ những tác phẩm mang tinh thần nhân văn sâu sắc, giá trị thẩm mỹ đa dạng, và đậm hơi thở cuộc sống đương đại với các vấn đề gần gũi, thiết thực. Một khi nhà văn sẵn sàng dấn thân, nhập cuộc, mạnh dạn tìm tòi, phát quang những lối đi mới, tất yếu tác phẩm của họ sẽ đến với công chúng độc giả nhỏ tuổi, như là dấu ấn không thể phai mờ trên hành trình hoàn thiện nhân cách của một đời người.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/van-hoc-thieu-nhi-khoang-trong-va-huong-di-609384