Văn học thiếu nhi Thụy Điển [Kỳ 2]

Giai đoạn ba của văn học thiếu nhi Thụy Điển là giai đoạn 'văn học hiện đại' bắt đầu từ 1945, sau Thế chiến II. Có thể coi đây là một cuộc cách mạng lớn của văn học thiếu nhi về đề tài, ngôn ngữ, văn phong và thái độ người lớn đối với trẻ con.

Những giá trị cổ truyền như mộ đạo, nhẫn nại, biết vâng lời người lớn, cần cù, ngự trị văn học thiếu nhi cho đến những năm đầu thập kỷ 40 thế kỷ XX, tư tưởng phục tùng số phận vẫn là chủ yếu.

Trong hoàn cảnh lịch sử và xã hội - những khuynh hướng mới của tâm lý học trẻ em và quan điểm về một nền giáo dục đặt trên cơ sở trẻ em tự do chấp thuận được phản ánh vào văn học thiếu nhi Thụy Điển khoảng giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Trong văn học, thế giới được cố gắng nhìn qua tâm hồn trẻ em, không còn coi xung đột với người lớn là hư hỏng, mà là quá trình trưởng thành tất yếu của trẻ.

Sau chiến tranh, Thụy Điển giàu có, thịnh vượng; do tỷ lệ sinh đẻ tăng, nhu cầu sách thiếu nhi cũng tăng. Các nhà xuất bản đầu tư nhiều vào lĩnh vực này. Các mảng đề tài được mở rộng, đề cập những vấn đề trước bị coi là cấm kỵ: nguồn gốc sự sống, những trẻ em tàn tật, vấn đề nam nữ, tuổi già và cái chết. Nhiều tác giả tìm cách diễn tả tâm lý trẻ em qua ngôn ngữ trẻ em. Văn học thiếu nhi ra khỏi thế giới mơ mộng không có những phiền lụy của trần gian.

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, ở Âu - Mỹ xuất hiện những tư tưởng tiến bộ của phe tả, nhất là trong thanh niên, chống lại một xã hội tư bản chạy theo tiêu thụ, chủ nghĩa vật chất, chống lại bất công xã hội, đòi dân chủ, nam nữ thật sự bình quyền, ủng hộ độc lập dân tộc, chiến tranh Việt Nam. Văn học Thụy Điển cũng chịu ảnh hưởng của trào lưu mới, đòi đề cập cả mặt trái, cái tiêu cực của xã hội, những vấn đề chính trị và xã hội. Quan hệ người lớn - trẻ con thay đổi: bố mẹ không còn là những vị thần minh không bao giờ sai lầm nữa; nhiều nhân vật người lớn trong truyện tỏ ra yếu đuối, phức tạp. Những truyện thiếu nhi ngày trước nếu có nói đến cái chết thì chỉ gợi lên sự yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng tôn giáo…

Cuối những năm 70, có một cuộc tranh luận gay gắt về chức năng truyện hiện thực cho thiếu niên: có nên chỉ viết như kiểu phóng sự thôi, chỉ miêu tả các cái xấu thôi, hay nên có những truyện nêu cái tích cực làm gương mẫu cho các em. Đồng thời truyện thần tiên và truyện hư ảo lại được ưa thích, nhất là do kết quả các cuộc thảo luận phân tâm học về tác dụng chữa bệnh của truyện hư ảo: nhiều truyện cổ tích được tái bản, nhiều tác giả viết truyện hư ảo, tạo ra một thế giới kỳ lạ cho trẻ em.

Truyện thần tiên và truyện hư ảo tiếp tục được chú trọng vào những năm 80, đặc biệt là những truyện kể về các chuyến du lịch trong thời gian và không gian xa lạ mà vẫn còn cái Thiện đấu tranh với cái Ác. Sách tranh lại nở rộ. Sách thiếu nhi Thụy Điển ngày nay còn hướng vào ba trọng tâm: sự thông cảm giữa các nền văn hóa khác nhau (một phần mười dân số Thụy Điển là người nước ngoài nhập cư), bảo vệ môi trường và truyện lịch sử cùng hồi ký, tiểu sử...

Trên văn đàn quốc tế, văn học thiếu nhi Thụy Điển chiếm vị trí quan trọng, nhất là nhờ nhà văn nữ Astrid Lindgren (1907-2002), người được Huân chương H. C. Anderson - được coi là giải thưởng Nobel của văn học thiếu nhi. Bà được coi là “Bà chúa" văn học thiếu nhi hiện đại, là nhà văn dân tộc vì những sáng tác đủ thể loại của bà gây một âm vang lớn trong tâm hồn Thụy Điển; truyện bà viết vừa theo truyền thống truyện thần tiên Bắc Âu, vừa miêu tả cuộc sống trong xã hội Thụy Điển của các lứa tuổi và trong những bối cảnh khác nhau, lại đặt nhiều vấn đề hiện đại; do đó trẻ em và cả người lớn cũng mê đọc tác phẩm của bà. Bà chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học thiếu nhi quốc tế.

Nhân vật trẻ em tiêu biểu nhất do bà tạo ra năm 1945 là Pip-pi tất dài. Cô bé táo bạo, nghịch ngợm, luôn làm theo ý muốn, thể hiện sức sống mãnh liệt, gắn ước mơ tự do với ý muốn nổi loạn chống lại những ước lệ lỗi thời của người lớn, sử dụng những giáo lý lạc lõng của người lớn để lên án thế giới người lớn. Ba tập truyện Pip-pi tất dài đặt lại những giá trị của xã hội và mang tính chất trào phúng. Astrid Lindgren còn canh tân tiểu thuyết trinh thám trẻ em với bộ truyện ba tập về thám tử Blomkvist, thành công với truyện ngắn trữ tình, có khi sử dụng truyện thần tiên để nêu lên những vấn đề xã hội người nghèo.

Văn phong của bà đa dạng, nhuốm màu hài hước. Tác phẩm của bà có sức khêu gợi, hấp dẫn trực tiếp đối với trẻ em. Bà thường hay quan tâm đến tình trạng cô đơn của những trẻ em nhạy cảm phải giải quyết những khó khăn nhiều khi bằng óc tưởng tượng. Bà có tài kết hợp hiện thực với trào phúng: Mio, Mio của tôi đề cập cái thiện và cái ác, Anh em trái tim sư tử vừa là một câu chuyện phiêu lưu vừa là một truyện biểu tượng bị quan về cái đau khổ, cái sống cái chết gắn liền với số phận con người ngày nay.

Hào quang văn học của Astrid Lindgren tuy vậy không làm mờ khá nhiều nhà văn thiếu nhi Thụy Điển khác. Nếu Astrid Lindgren là người canh tân văn xuôi của văn học thiếu nhi thì Lennart Helsing (1919-2015) được coi là người canh tân thơ trong lĩnh vực ấy. Hans Peterson (1922-2022) viết hơn một trăm cuốn sách thiếu nhi miêu tả đời sống hàng ngày và thường quan tâm đến tính chất mong manh, dễ bị tổn thương của trẻ em. Bà Maria Gripe (1923-2007) đi sâu vào tâm lý trẻ em và trân trọng độc giả thiếu nhi như người lớn; bà chuẩn bị cho các em chấp nhận những vấn đề lớn và khó.

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/van-hoc-thieu-nhi-thuy-dien-ky-2-217645.html