Văn học Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng trong 30 năm đổi mới

Từ ngày 24 đến 26-6, tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ IV với sự tham dự của hơn 200 nhà văn với chủ đề 'Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016'... Gần 70 tham luận của các nhà văn về thơ, văn xuôi, phê bình và văn học dịch được công bố tại hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ IV. Ảnh: Việt Chiến

4 hội thảo chuyên ngành về tiến trình đổi mới văn học

Điểm nhấn tại Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ IV là 4 hội thảo chuyên ngành: Lý luận, phê bình; thơ, văn xuôi và văn học dịch.

Tại hội thảo của Hội đồng Thơ, khá nhiều những phát biểu sôi nổi, trực tiếp của các nhà thơ - nhà nghiên cứu: Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến, Lê Minh Quốc, Trần Nhuận Minh, Bằng Việt, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Hữu Quý, Đỗ Thị Tấc... Đa số các ý kiến đều tập trung vào những vấn đề cách tân và đổi mới thơ, đi cùng với việc cần đổi mới tâm lý tiếp nhận thơ của công chúng hiện nay. Một điều rất đáng ghi nhận ở trong giai đoạn văn học đổi mới này là sự đóng góp quan trọng của lớp nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến, vẫn giàu nội lực sáng tạo cùng những tìm tòi đổi mới cho thơ thời hậu chiến và đổi mới.

Đồng thời, các thế hệ nhà thơ xuất hiện trong 30 năm đổi mới rất đông đảo với nhiều thành phần, sắc tộc, tôn giáo, lứa tuổi... đây chính là lực lượng chủ đạo của nền thơ đương đại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường thơ 30 năm qua, hạn chế lớn nhất là rào cản ngôn ngữ khiến thơ vẫn loanh quanh trong phạm vi hẹp, chưa đủ sức "hội nhập" như ở nhiều lĩnh vực khác. Cá biệt, thơ có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí.

Tại hội thảo của Hội đồng Văn xuôi, các nhà văn-nhà nghiên cứu: Bùi Việt Thắng, Bùi Việt Sĩ, Trần Văn Tuấn, Bích Ngân, Nguyễn Hiếu, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Chu Lai... đã sôi nổi thảo luận, nhận định, đánh giá về tình hình văn xuôi Việt Nam sau năm 1975, đặc biệt giai đoạn đổi mới (từ năm 1986 đến nay). Đa số các ý kiến đều cho rằng, "được mùa" nhất trong văn xuôi 30 năm qua có lẽ phải kể đến truyện ngắn của các thế hệ tác giả 4x, 5x, 6x.

Về tiểu thuyết, đáng chú ý là lớp tác giả đang nổi lên trong các cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn và các cuộc thi khác mà Hội phối hợp với các bộ, ngành tổ chức trong những năm qua. Đồng thời, các ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của văn xuôi hiện nay, như: Có "nền" nhưng thiếu "đỉnh", có "tác phẩm" nhưng thiếu "tác giả", có "con người" nhưng thiếu "nhân vật", có "lời nói" nhưng thiếu "ngôn từ"...

Tại hội thảo của Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học (LL-PBVH), các nhà văn-nhà nghiên cứu: Trần Hoài Anh, Đông La và Nguyên An đã tham luận đánh giá về những thành tựu của LL-PBVH trong thời kỳ đổi mới; khảo sát về nhân vật trung tâm của văn học-văn chương thời kỳ đổi mới... và những vấn đề về việc tiếp nhận lý thuyết phương Tây ở nước ta hiện nay. Các nhà văn - nhà nghiên cứu: Trần Thị Việt Trung, Trịnh Bá Đĩnh, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Văn Dân... bàn thêm về lý luận với phê bình văn học hôm nay; tác động của sự thay đổi hệ giá trị văn học và đạo đức thẩm mỹ, của báo chí truyền thông thời đại internet, của sự phát triển khoa học và công nghệ... vào hoạt động nghiên cứu LL-PBVH hiện nay...

Tại hội thảo của Hội đồng Văn học dịch, hầu hết các thành viên đều tham gia phát biểu ý kiến. Trong đó, các nhà văn-dịch giả: Bùi Xuân, Lê Đức Mẫn, Tạ Minh Châu, Hồng Diệu, Đăng Bẩy, Lã Thanh Tùng, Lê Bá Thự, Hà Phạm Phú, Thúy Toàn... đã nêu lên những kiến nghị, giải pháp nhằm phát triển hơn nữa nền văn học dịch và dịch văn học, để giới thiệu, tiếp thu những tinh hoa văn học thế giới; đồng thời làm tốt hơn nữa việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

Thơ và văn xuôi với những thành tựu mới

Bước vào phiên họp toàn thể, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Sáng tác văn học là một công việc không dễ dàng. Làm lý luận phê bình văn học càng không thể dễ dàng hơn, nếu không muốn nói là khó khăn hơn rất nhiều. Nhận rõ điều đó, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã cố gắng duy trì nề nếp tổ chức hội nghị lý luận phê bình 5 năm một lần. Mỗi hội nghị có những chủ đề khác nhau, tùy theo tình hình phát triển văn học từng thời kỳ".

Hội nghị lần này nhằm nhìn lại diện mạo, khuynh hướng, tính chất, đặc điểm và những dấu ấn của tiến trình văn học đổi mới qua góc nhìn của lý luận phê bình nhằm chỉ ra những thành tựu của đổi mới văn học với những cống hiến của nó vào đời sống tinh thần của đất nước dưới góc nhìn văn hóa học; đặc biệt là chỉ ra những yêu cầu mới, giải pháp mới nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ nền văn học nước nhà, đưa đời sống văn học lên một trình độ mới cao hơn, theo hướng "dân tộc, hiện đại, khoa học và hội nhập tích cực".

Nói tới một thế hệ đổi mới thi ca với những đóng góp cho văn học đương đại, nhà thơ Y Phương khẳng định, 30 năm qua, thơ gắn bó sâu sắc với hành trình đổi mới đất nước; thơ phản ánh số phận dân tộc; thơ là tiếng nói của nhân dân; thơ là tiếng nói của lòng yêu nước, tinh thần quật khởi chống xâm lăng. Bởi thế, thơ đã lên tiếng trước những biến động của lịch sử dân tộc. Thơ đã ứng chiến một cách mau lẹ về chủ đề biên giới, biển đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; thơ nhanh chóng lan tỏa tinh thần yêu nước trong đời sống nhân dân.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh cho rằng: Trong 30 năm qua, có 2 mảng thơ rất khác nhau của hai lực lượng tác giả khác hẳn nhau, vì thế, cần phải đặt lại tên cho nó khác nhau là thơ Đổi Mới và thơ Mới thời kỳ thứ hai. Thế hệ thơ Đổi Mới chính là lớp nhà thơ chống Mỹ, đã bước vào công cuộc đổi mới và tự làm mới thơ mình như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Thi Hoàng, Y Phương, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh, Nguyễn Thụy Kha, Văn Lê, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo, Trần Nhuận Minh...

Về thế hệ thơ Mới thời kỳ thứ hai (khác với thơ Mới thời kỳ thứ nhất 1932-1942 với các tên tuổi: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư...), nhà thơ Trần Nhuận Minh xác định: Thế hệ thơ này hầu hết đều làm thơ từ sau năm 1986. Họ được học hành bài bản, dễ dàng tiếp nhận và hội nhập với nhiều xu thế của văn học hiện đại nước ngoài. Thế hệ này có nhiều nhà thơ như: Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quí, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Linh Khiếu, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Đặng Huy Giang, Vi Thùy Linh, Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Đinh Thị Như Thúy... và nhiều nhà thơ khác nữa.

Về mảng văn xuôi, nhiều tham luận đánh giá cao sự xuất hiện những tác phẩm của các nhà văn: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng... đã mở đầu cho thời kỳ đổi mới của văn học Việt Nam. Nhà văn Phạm Hoa đánh giá: Từ năm 1986 đến nay, sau cái mốc đổi mới, riêng về lĩnh vực nhận thức nghề nghiệp các nhà văn đã nghĩ khác đi nhiều. Họ tự do hơn, mạnh dạn hơn trong mở rộng sự lựa chọn đề tài và lĩnh vực phản ánh. Thậm chí họ truy đuổi đến cùng những tồn tại gây tổn hại cho đất nước. Vì thế, tính phát hiện, dự báo thể hiện khá rõ.

Nhận xét về những bước thăng trầm của tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới, nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhắc tới 3 "hạt giống" tương lai trong lĩnh vực tiểu thuyết là: Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương và Thuận. Mỗi người trong số họ khúc xạ một hướng đi của tiểu thuyết đương đại Việt dẫu cho mục đích cuối cùng là khám phá "cái bản thể' của con người thời đại.

Nguyễn Việt Chiến

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/van-hoc-viet-nam-dat-duoc-nhung-thanh-tuu-quan-trong-trong-30-nam-doi-moi/