Văn khấn cúng lễ Phật Đản 2024 tại nhà gia chủ nên thuộc

Lễ Phật Đản - một trong những sự kiện lớn của Phật giáo. Vậy cúng lễ Phật Đản, văn khấn lễ Phật Đản 2024 tại nhà nên làm thế nào cho đúng? Hãy cùng Báo Đắk Nông tìm hiểu qua bài viết dưới đây bạn nhé!

Mục lục

Lễ Phật Đản 2024 là ngày nào âm lịch?
Lich sử ngày Lễ Phật Đản ở Việt Nam
Ý nghĩa ngày lễ Phật Đản
Nghi thức cúng lễ Phật Đản tại nhà
Văn khấn cúng lễ Phật Đản 2024 tại nhà gia chủ nên thuộc

Lễ Phật Đản 2024 là ngày nào âm lịch?

Theo Thông bạch số 88/TB-HĐTS năm 2024 của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, thời gian tổ chức tuần lễ Phật đản năm 2024 sẽ bắt đầu từ ngày 1/4 đến 15/4 Âm Lịch (tức ngày 8/5 đến 22/5/2024 Dương Lịch):

Trong đó:

Tuần lễ Phật đản 2024: Từ ngày 1/4 đến 15/4 Âm Lịch (tức ngày 8/5 đến 22/5/2024 Dương Lịch)

Chính lễ: ngày 15 tháng 4 năm Giáp Thìn (tức 22-5-2024 Dương Lịch).

Lich sử ngày Lễ Phật Đản ở Việt Nam

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, Đại lễ Phật đản là lễ kỷ niệm ngày sinh của Thái tử Tất Đạt Đa, sau là Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ của đạo Phật. Sinh ngày Trăng tròn tháng Vesak theo lịch của Ấn Độ cổ, tương đương với mùng 8/4 (ÂL) theo lịch Trung Quốc cổ, vào năm 624 Trước Công nguyên.

Từ năm 1999, ngày lễ Phật đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hợp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).

Sau khi đất nước thống nhất, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ năm 1981 đến nay, hàng năm Đại lễ Phật đản được tổ chức vào đúng ngày rằm tháng 4, với lễ đài tổ chức Đại lễ trang trọng để dâng hương tưởng nhớ, tôn kính Đức Phật.

Trước và trong dịp Đại lễ, Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành, các chùa, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động từ thiện, thăm hỏi và tặng quà cho những tăng, ni, Phật tử có uy tín, có công lao với Đạo pháp hoặc những gia đình Phật tử có thành tích trong xây dựng Phật pháp,xây dựng địa phương… thực hiện ghi công, tri ân và báo ân theo tinh thần Phật giáo.

Ý nghĩa ngày lễ Phật Đản

Đại lễ Phật đản không chỉ là ngày lễ trọng đại của Phật giáo, mà còn là dịp để hàng triệu người Phật tử trên khắp thế giới kỷ niệm và tưởng nhớ đến ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị sáng lập và là ngôi sao dẫn lối của Phật giáo, đã ra đời.

Đại lễ Phật đản còn là dịp để người Phật tử thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng với Đức Phật thông qua việc thực hành những giáo lý của Ngài. Chúng ta được nhắc nhở về việc sống tỉnh thức, tự giác, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Trên hết, ngày lễ này là một lời mời gọi thiết tha đến mỗi người để thực hành lòng từ bi, trí tuệ và nguyện vọng hướng tới một thế giới hòa bình và hạnh phúc hơn.

Trên khắp thế giới, người Phật tử đều tổ chức những hoạt động thiện nguyện như cứu trợ người nghèo, thăm viếng trẻ em mồ côi, hay chăm sóc người già cô đơn. Nó không chỉ là một nghi lễ, mà còn là một cuộc hội ngộ của tình người, của sự sẻ chia yêu thương và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội.

Nghi thức cúng lễ Phật Đản tại nhà

Thường vào ngày Phật Đản, các gia đình theo đạo Phật sẽ tiến hành lau dọn, tổng vệ sinh nhà cửa và không gian thờ cúng của gia đình. Khu vực thờ cúng cũng sẽ được trang trí kỹ càng hơn, treo cờ Phật và có thêm mâm cỗ cúng Phật cũng như dâng lên ông bà tổ tiên. Ngoài ra, một số gia đình có thể tự tổ chức lễ tắm Phật tại nhà theo nghi thức giống như tại chùa.

Bên cạnh đó, trong lễ Phật Đản, các Phật tử PHẢI chú ý kiêng kỵ những điều như: Kiêng sát sinh, không khẩu nghiệp, nhớ thận trọng lời ăn tiếng nói và không nói tục chửi bậy…

Vì vào lễ Phật Đản theo quan niệm là phải kiêng sát sinh nên hầu hết các gia đình thờ Phật đều sẽ làm mâm cỗ chay để dâng Phật, tổ tiên. Mâm cúng lễ Phật Đản thường gồm:

Hoa: Bạn chọn bất cứ loại hoa phổ biến nào, nhưng hãy ưu tiên hoa cúc hoặc hoa hồng để cúng nhé.
Hương: 3 nén
Trầu cau: Rửa sạch, để ráo.
Nước sạch: Trước khi dâng lễ cần rửa sạch chén đựng, lau khô rồi rót một chén nước sạch.
Mâm ngũ quả: Tùy vào từng vùng và điều kiện của gia đình mà bạn có thể chọn loại quả cúng. Tuy nhiên, mâm ngũ quả cũng nên đầy đủ về màu sắc như xanh, đỏ, vàng, tím…. đại diện cho ngũ hành, dâng lên tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo và mong ước những điều tốt lành.
Mâm cỗ chay: Mâm cỗ chay nếu không có đủ thời gian bạn có thể đặt ngoài hàng, nhưng tốt nhất bạn có thể tự làm để thể hiện lòng thành kính của mình.

Mỗi buổi sáng, gia chủ mặc áo tràng, quỳ trước bàn thờ phật. Thắp một cây nhang đánh 3 tiếng chuông, lạy ba lạy. Mỗi tối gia chủ sau khi tắm rửa sạch sẽ, lên bàn thờ phật thắp ba cây nhang. Đánh 1 hoặc 3 tiếng chuông, niệm kinh thờ Phật.

Ngoài cúng tại nhà, nếu có điều kiện Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe thuyết giảng, tự chiêm nghiệm về bản thân để cho tâm hồn được thanh tịnh.

Văn khấn cúng lễ Phật Đản 2024 tại nhà gia chủ nên thuộc

Ngoài việc dọn dẹp, chuẩn bị hương hoa lễ vật, mâm cúng chu đáo thì chuẩn bị khấn bái đúng đủ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây chính là cách tốt nhất để bạn truyền tải lòng thành của mình đến tổ tiên thần linh, cầu mong cho một năm bình an.

Văn khấn cúng lễ Phật Đản 2024 tại nhà như sau:

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Nam mô A Di Đà Phật.

Tình thương mà Ngài đã đánh thức chúng con trên mọi nẻo tăm tối khổ đau.

Tình thương mà Ngài đã đánh thức chúng con thật cần thiết để giữ yên cho thế giới khỏi biến thành biển lửa chiến tranh thù hận.

Kính lạy Đức Thế Tôn: Đã đến lúc ánh sáng của ngọn đèn chánh pháp phải được vận dụng một cách trịnh trọng để xua tan bóng đêm tà kiến đang bao phủ nhân loại. Đã đến lúc tiếng chuông từ bi phải được lắng nghe một cách tha thiết để mọi trái tim cùng nhịp đập yêu thương,xây dựng tình người để thế giới mãi xanh màu hạnh phúc.

Kính lạy Đức Thế Tôn: Sức mạnh mà Ngài đã khơi dậy trong chúng con thật có hiệu lực và hiệu lực mãi trước một thế giới quá nhiều bạo động và mâu thuẫn. Từ trong đại bi tâm Ngài xuất hiện như một sứ giả hòa bình, mang thông điệp tình thương đến cho cuộc đời thông qua con đường hóa giải, sức mạnh nội tâm đã giúp chúng con vượt qua mọi thử thách để tự chủ. Những lời dạy của Ngài thật thiết thực và hữu ích đã có giá trị suốt 2641 năm và sẽ còn giá trị mãi mãi.

Kính lạy Đức Thế Tôn: Nhân mùa đản sanh của Ngài,chúng con thành kính hái đóa vô ưu thanh khiết dâng lên cúng dường bậc vô thượng giác, Đấng Thiên Nhơn Sư như là tặng phẩm cao quý nhất xin dâng tặng cho cuộc đời với cầu nguyện chân thành tha thiết: Mong cho cuộc đời mãi mãi được an vui, hạnh phúc. Người người gặp nhau nhìn nhau với tất cả tấm lòng thương yêu trọn vẹn.

Xin cho khói trầm thơm, kết thành mây năm sắc, dâng lên khắp mười phương, cúng dường vô lượng Phật, vô lượng chư Bồ Tát, cùng các thánh hiền tăng, trên pháp giới dung thông, kết đài sen rực rỡ, nguyện làm kẻ đồng hành, trên con đường giác ngộ, xin mọi loài chúng sanh, từ bỏ cõi lãng quên, theo đường giới định tuệ, quay về trong tỉnh thức.

Nam mô A Di Đà Phật.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

Kiên Trung

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/van-khan-cung-le-phat-dan-2024-tai-nha-gia-chu-nen-thuoc-212574.html